Tin tức - Sự kiện

Lập cơ quan điều phối quốc gia về ghép tạng

Ngày 29/6, Bộ Y tế đã tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.

(chinhphu.vn) Trung tâm này đặt tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), có chức năng tổ chức thực hiện việc điều phối về hiến, lấy và ghép mô, bộ phận cơ thể người giữa các ngân hàng mô và các cơ sở y tế trong phạm vi cả nước.

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, nhu cầu ghép bộ phận cơ thể người ở Việt Nam hiện nay là rất lớn. Cả nước có khoảng 6.000 người bị suy thận mãn tính đang cần được ghép thận, trên 5.000 người đang chờ được ghép giác mạc và nhiều nhu cầu ghép tạng khác như: ghép tế bào gốc và các bệnh mãn tính về máu…

Để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động này, Bộ Y tế đã xây dựng và trình Quốc hội phê chuẩn Luật Hiến mô, ghép mô bộ phận cơ thể người và hiến xác năm 2006. Bộ Y tế cũng xây dựng nhiều văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn điều kiện của các cơ sở hiến, lấy ghép mô bộ phận cơ thể người và xác định đây là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai hoạt động này.

Đến nay, cả nước đã có 13 cơ sở y tế đủ điều kiện kỹ thuật để ghép mô bộ phận cơ thể người. Kể từ khi ca ghép thận đầu tiên thành công ở Viện Quân y 103 (năm 1992), đến nay cả nước đã có gần 900 người được ghép thận, 41 người ghép gan và 8 ca ghép tim với tỷ lệ thành công ngày càng cao.

Việc cấy ghép các tạng khác như tế bào gốc tạo máu cũng thành công với 100 bệnh nhân và 550 trường hợp được ghép giác mạc.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, số lượng cơ sở thực hiện ghép mô bộ phận cơ thể người hiện còn hạn chế, việc hiến, tặng tạng, mô bộ phận cơ thể người còn rất ít.

Đề cập đến khó khăn trong lĩnh vực hiến tạng, ông Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, trong vòng 4 năm gần đây, tại Bệnh viện Việt Đức có tới 4.000 người bị chết não nhưng chỉ có 14 người tự nguyện hiến tạng cho y học. Trong khi đó, số bệnh nhân đăng ký chờ ghép tạng ngày càng nhiều.

Vì vậy, việc thành lập Trung tâm này sẽ giải quyết làm cầu nối giữa những người có nhu cầu về ghép các tạng với người tự nguyện hiến, tặng các bộ phận cơ thể người phù hợp với các chỉ số vi sinh học.

Đặc biệt, trong thời gian tới, để đạt mục tiêu đến năm 2020 có 1.000 ca ghép thận, 8.100 ca ghép gan, 20-30 ca ghép tim, 10-15 ca ghép phổi, khoảng 2.000 ca ghép giác mạc và ghép các bộ phận tạng khác…, Bộ Y tế sẽ sớm xúc tiến thành lập hội vận động hiến, ghép mô bộ phân cơ thể người để tuyên truyền, thúc đẩy, qua đó góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của con người, tiến tới việc tham gia hiến tặng mô bộ phận cơ thể người sau khi chết.

Cũng theo ông Nguyễn Tiến Quyết, năng lực ngành y tế nước ta hiện nay không thua kém nước ngoài trong lĩnh vực ghép tạng bộ phận cơ thể người. Hơn nữa, chi phí ghép tạng ở Việt Nam chỉ bằng 1/4 của các nước phát triển và các nước trong khu vực nên hầu như không có bệnh nhân nào phải ra nước ngoài ghép tạng.
 
 
Thúy Hà
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo