Lập đường dây nóng tiếp nhận tố cáo tiêu cực tại dự án có vốn ODA
Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Thanh tra Chính phủ, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng vừa có buổi làm việc với Đại sứ quán Nhật Bản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Giao thông vận tải để trao đổi một số giải pháp phòng, chống tiêu cực tại các dự án sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản tại Việt Nam.
Theo thông tin từ Đại sứ quán Nhật Bản, tòa án ở Nhật Bản đã có phán quyết cuối cùng về vụ việc tiêu cực xảy ra ở Tổng Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC). Chính vì thế các biện pháp phòng, chống tiêu cực tại các dự án có vốn ODA của Nhật ở Việt Nam cần sớm được hoàn thiện để phía Nhật xem xét việc nối lại các hoạt động tài trợ đối với Việt Nam bằng nguồn vốn ODA.
Ông Ken YAMAMOTO - Phó trưởng đại diện Văn phòng Việt Nam Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), cho biết có 2 vấn đề phía Nhật Bản đang hết sức quan tâm: Thanh tra Chính phủ có trực tiếp thanh tra các dự án có vốn ODA của Nhật Bản? Trong năm 2015 kế hoạch thanh tra các dự án này có được đưa vào kế hoạch thanh tra hay không?
Đáp lại, ông Trần Đức Lượng cho biết Thanh tra Chính phủ đã nhiều lần thanh tra các dự án có sử dụng nguồn vốn ODA. Các dự án có nguồn vốn ODA rất được Việt Nam quan tâm nên công tác thanh tra, kiểm tra cần được thực hiện thường xuyên.
Theo quy định hiện hành ở Việt Nam, Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành thanh tra theo chương trình, kế hoạch hoặc khi phát hiện hiện dấu hiệu tiêu cực; thanh tra, kiểm tra theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, trước tiên các bộ, ngành cần chủ động thanh tra, các dự án vốn ODA trong phạm vi quản lý.
Ông Lượng khẳng định năm 2015 Thanh tra Chính phủ không đưa ra cụ thể dự án nào vào nhưng khi thanh tra các chủ thể sử dụng vốn có thể xem xét thanh tra một số dự án. Điển hình như việc Thanh tra Chính phủ đang tiến hành thanh tra tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (nơi xảy ra sự việc JTC hối lộ quan chức ngành đường sắt - PV) với phạm vi rộng, bao gồm cả việc chấp hành pháp luật trong quản lý sử dụng vốn nói chung và nguồn vốn ODA nói riêng.
Để chống tiêu cực tại các dự án có vốn ODA, theo ông Ken YAMAMOTO, sau khi ký kết hợp đồng mà xuất hiện sự chậm trễ bất thường từ 1-2 năm thì đề nghị có sự tham gia của bên thứ ba vào quá trình thương thảo hợp đồng.
Bên cạnh đó, Nhật Bản sẽ lập đường dây nóng tại Đại sứ quán Nhật Bản và Văn phòng JICA tại Việt Nam để các cá nhân, đơn vị, nhà thầu phản ánh trực tiếp các vấn đề tiêu cực, tham nhũng liên quan các dự án ODA.
Ông Ken YAMAMOTO cũng đề nghị có sự phối hợp của Thanh tra Chính phủ trong việc thanh tra, kiểm tra, xác minh khi được phía Nhật Bản thông tin qua đường dây nóng.
Đồng ý với quan điểm này, ông Trần Đức Lượng cho biết, khi tiếp nhận các thông tin, phản ánh từ phía Nhật Bản, Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành theo phân cấp quản lý ở Việt Nam; đề nghị cơ quan chủ quản sử dụng vốn ODA hoặc Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành thanh tra, kiểm tra. Ngoài ra, với vai trò quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm giám sát, theo dõi việc giải quyết theo quy định của pháp luật.
Theo thống kê, tình trạng tham nhũng có liên quan đến vốn vay ODA là không phổ biến. Tuy nhiên, ông Lượng cho biết vụ việc tiêu cực tại dự án có vốn vay ODA của Nhật Bản trong thời gian qua là rất đáng tiếc. Hiện nay các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tiếp tục điều tra làm rõ và có biện pháp xử lý nghiêm khắc.
Trong tương lai, Việt Nam sẵn sàng phối hợp và mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ bằng nguồn vốn ODA từ Nhật Bản.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Không thiếu vốn để thực hiện đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp
Vì sao dự án mở rộng nhà ga T1 sân bay Đà Nẵng chậm được triển khai?
Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, Việt Nam lần thứ 8 được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất châu Á năm 2024"
Báo Pháp giới thiệu Việt Nam như một hình mẫu chuyển đổi nông nghiệp sinh thái
Một hãng hàng không lớn tuyển phi công tại Việt Nam
Cảnh báo mưa lớn gây sạt lở ở khu vực miền Trung, người dân cần chú ý đề phòng