Tin tức - Sự kiện

Lật lại toàn bộ ngành đường sắt Việt Nam: “Không thể há miệng chờ sung”

Trước tình trạng trì trệ của ngành đường sắt, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã yêu cầu, TCty Đường sắt Việt Nam phải thực hiện tách bạch giữa quản lý nhà nước, quản lý hạ tầng đường sắt với hoạt động kinh doanh vận tải. Theo đó, DN lớn nhất ngành đường sắt sẽ phải thực hiện tái cơ cấu đồng bộ toàn diện. Bộ trưởng Thăng thẳng thắn: "Không có chuyện đường sắt đi trồng sung rồi cứ há miệng chờ sung rụng. Phải tổ chức tốt, quản lý tốt thì khách hàng sẽ tìm đến...".

Ngành đường sắt đang đặt ra yêu cầu “đổi mới hay là chết”. Ảnh: Hải Nguyễn

Lột xác hay là chết!

Thực ra câu nói này nhiều người cho là khẩu hiệu. Và đúng là khẩu hiệu thực nếu nói mà không làm. Đặc biệt với ngành đường sắt được ví như một cơ thể già nua (vì có tuổi thọ trên trăm năm) nên không lột xác toàn diện mà chỉ chắp vá chắc chắn sẽ chết. Một trong những câu chuyện được bàn nhiều đến việc đổi mới ngành đường sắt là phải tách bạch giữa hạ tầng với kinh doanh vận tải.
 
Trả lời báo chí mới đây, Chủ tịch HĐTV TCty Đường sắt Việt Nam Trần Ngọc Thành cho biết: "Trong mô hình chúng tôi đang nghiên cứu thì ở đường sắt có 3 vấn đề: Một là kinh doanh vận tải, hai là kinh doanh kết cấu hạ tầng, ba là tổ chức điều hành giao thông đường sắt. Ba cái này phải tách bạch về mặt hạch toán, để đảm bảo tính cạnh tranh giữa các đơn vị vận tải nhưng nó vẫn phải nằm trong sự điều hành tập trung và thống nhất".
 
Còn Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, để tái cơ cấu ngành đường sắt cũng đòi hỏi cải thiện cả hệ thống cơ sở hạ tầng. Bộ GTVT đang trình Chính phủ về chiến lược phát triển ngành đường sắt từ nay đến năm 2020 và định hướng tới năm 2050; trong đó có tính tới các phương án với cả đường sắt hiện hữu cũng như các tuyến đường sắt xây dựng mới trong tương lai.
 
Trong đó, đầu tiên là phải tách bạch rõ ràng giữa khối hạ tầng (gồm đường ray, nhà ga, hệ thống thông tin tín hiệu) và khối vận tải (bán vé, chạy tàu). Việc tách giữa hạ tầng và vận tải ngành hàng không đã thực hiện thành công. Bộ GTVT cũng khuyến khích tư nhân tham gia vận tải đường sắt, qua đó, tạo ra động lực phát triển lành mạnh cũng như nâng cao chất lượng, hạ giá thành để phục vụ nhân dân. Nhiệm vụ chính của ngành đường sắt là kết nối mạng của GTVT chung và đóng góp vào sự phát triển nền KTXH.
 
Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu: Phải đổi mới triệt để ngay từ những việc nhỏ nhất như hệ thống bán vé, các cầu vượt bộ hành, mái che nhà ga,... để hành khách cảm nhận được hình ảnh thân thiện của ngành đường sắt. Còn người đứng đầu TCty Đường sắt VN - ông Trần Ngọc Thành - cũng thừa nhận: Đường sắt phải đổi mới nhiều, từ thái độ phục vụ, nụ cười trong giao tiếp, vệ sinh, tiện nghi, chất lượng phục vụ trên tàu, dưới ga, dọc đường từ ăn uống, bán vé...
 
Ông cho hay: “Sang tháng 10.2014 đường sắt Việt Nam sẽ bán vé qua hệ thống bán vé điện tử. Chúng tôi đang chỉ đạo rất quyết liệt. Tôi tin là cuối năm 2014 và sang 2015 chúng ta hằng ngày sẽ thấy được sự thay đổi” - ông Thành cam kết.
 
Ngành đường sắt phải đổi triệt để từ những việc nhỏ nhất như bán vé cho đến xoá đi sự thủ công trong bốc xếp hàng hoá. Ảnh: Hải Nguyễn
 
Không “kết nối”, khách hàng sẽ quay lưng
 
Ông Bùi Văn Minh – GĐ Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng - phàn nàn, hiện ở Hải Phòng chưa có DN nào đủ sức tổ chức toàn bộ quy trình hoạt động logistics. Các DN thường hoạt động riêng lẻ, thiếu sự hỗ trợ và hợp tác lẫn nhau, chỉ tập trung vào một ngành nghề nhất định trong toàn bộ quy trình của hoạt động logistics.
 
Ngoài ra, hạn chế lớn nhất của dịch vụ logistics tại Hải Phòng là khả năng kết nối hạ tầng giao thông tại cảng, trong đó phải kể đến vận tải thủy và đường sắt. Bởi vậy, ông Bùi Văn Minh đề xuất: Để khắc phục những hạn chế của dịch vụ logistics hiện nay, cần triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó quan trọng nhất là phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển.
 
Chủ tịch HĐTV TCty ĐSVN Trần Ngọc Thành cũng thừa nhận điểm yếu này và yêu cầu cấp bách phải phát triển hạ tầng cũng như dịch vụ kết nối đường sắt khi ông cho rằng: "Kết nối các phương thức vận tải là câu chuyện để có hiệu quả cao nhất đối với vận tải của một quốc gia.
 
Nó đòi hỏi các phương thức vận tải phải có địa điểm kết nối (đặt ở ga đường sắt hay ở sân bay, cảng biển, các nước đều đặt ở ga đường sắt, vì đường sắt có khối lượng vận tải lớn, phục vụ đại chúng). Hiện nay ở Việt Nam, trước mắt là phát triển xe bus, lâu dài là các tuyến vận tải đường sắt đô thị. Về vận tải hàng hóa phải có những bãi hàng, xây dựng những nhà kho trung chuyển kết nối từ cảng biển, từ đường sông lên vận chuyển bằng đường sắt vào nội địa.
Báo Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo