Lây bệnh từ… bác sĩ
Bàn tay - ổ bệnh
Kiểm tra ngẫu nhiên tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) với 77 nhân viên y tế cho thấy, trung bình trên bàn tay một hộ lý có tới 481.273 vi khuẩn, bàn tay bác sĩ có 275.110 vi khuẩn, nhóm điều dưỡng khiêm tốn nhất cũng có 126.857 vi khuẩn.
Một số nghiên cứu mới đây chứng minh bàn tay cực bẩn, trên 1cm2 da của người bình thường đã có khoảng 40.000 vi khuẩn ẩn nấp, không nhìn thấy được. Còn đối với nhân viên y tế, một số chủng vi khuẩn thường gặp trên bàn tay là Acinetobacter baumanii, Klebsiella pneumonia, Staphylococcus aureus, gây ra các bệnh viêm phổi, viêm tiết niệu, nhiễm trùng máu, nhiễm trùng vết mổ...
Cùng với đó, thói quen mang điện thoại di động và sử dụng trong phòng mổ khi phẫu thuật của nhân viên y tế cũng có nguy cơ trở thành ổ vi khuẩn.
Theo ông Phạm Đức Mục, Phó Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), một số nghiên cứu cho thấy, lượng vi khuẩn trú ngụ trên điện thoại không nhỏ và hầu hết là các vi khuẩn đặc biệt nguy hiểm đối với sức khỏe người bệnh.
Bác sĩ lười rửa tay
Sắp tới, một nhóm bác sĩ ở TP.Hồ Chí Minh sẽ công bố kết quả khảo sát về tình trạng nhân viên y tế thực hành rửa tay tại một số bệnh viện có khoa Truyền nhiễm.
Theo đó, trên 70% hộ lý, bảo mẫu và điều dưỡng thường xuyên rửa tay, 60% bác sĩ và sinh viên thực tập không rửa tay hoặc rửa không đúng kỹ thuật. Một số bác sĩ không mang găng tay, không đeo khẩu trang đúng quy định khi thăm khám cho bệnh nhân.
Trước đó, kết quả dự án tăng cường vệ sinh bàn tay do Bộ Y tế thực hiện tại hơn 10 bệnh viện với trên 6.000 nhân viên y tế được tập huấn quy trình rửa tay cho thấy, chỉ khoảng 40% bác sĩ, y tá và điều dưỡng tuân thủ đúng quy trình rửa tay.
Lãnh đạo một số bệnh viện cũng cho biết, dù đã liên tục nhắc nhở nhân viên phải rửa tay trước khi khám bệnh nhưng do ý thức tự giác chưa cao, phần nữa vì quá tải nên nhiều người "lờ" công đoạn quan trọng này.
Tình trạng không rửa tay của các nhân viên y tế ở các phòng khám tư còn nghiêm trọng hơn. Nhiều nơi, nhân viên khi lấy máu của bệnh nhân để xét nghiệm đã không đeo găng tay, đeo khẩu trang. Một số thầy thuốc, tay trần cầm dụng cụ vạch họng, lật mí mắt người bệnh để xem rồi lại khám cho bệnh nhân khác.
Sẽ phạt hành chính
Hiện nay trên cả nước chỉ có Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính đối với bác sĩ vi phạm không rửa tay khi khám bệnh. Đề cập đến việc này, lãnh đạo một bệnh viện của Hà Nội cho biết, bác sĩ ở bệnh viện ông rất lười rửa tay.
Ở khoa Sản, có bác sĩ khám cho sản phụ này xong, lại khám sản phụ khác nhưng không rửa tay. Khi bị nhắc nhở, họ giải thích: "Rửa tay nhiều lần sẽ mất nhiều thời gian, với lại bụng thai phụ làm gì có vi trùng".
Chính vì tình trạng lười rửa tay ấy mà đã có không ít người trở thành nạn nhân "bàn tay bẩn" của bác sĩ. Sau khi khám về, họ lại mắc thêm bệnh nhiễm khuẩn khác, phải quay lại viện để "gỡ bệnh". Thực tế cho thấy, nếu mắc thêm bệnh nhiễm khuẩn máu, bệnh nhân sẽ phải chi phí cao gấp 32 lần so với người không bị.
"Tới đây, bệnh viện sẽ có những biện pháp cứng rắn hơn buộc bác sĩ phải rửa tay, thậm chí sẽ phạt hành chính, và phạt nghiêm khắc để làm gương", vị giám đốc bệnh viện này cho hay.
Ở nước ta, mỗi năm có khoảng 600.000 trường hợp nhiễm khuẩn bệnh viện trên tổng số 7,5 triệu bệnh nhân nhập viện. Trong đó, cán bộ y tế lười rửa tay được coi là "cầu nối" của 5%-10% bệnh nhân nhập viện bị nhiễm khuẩn bệnh viện. Rửa tay đúng cách sẽ giúp giảm tới 35% khả năng lây truyền vi khuẩn gây các bệnh tiêu chảy, giảm 20 - 45% nhiễm khuẩn đường hô hấp.
Theo KTĐT
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%