Thị trường

Lên kế hoạch "ứng phó" trước việc Thái Lan xả kho gạo khổng lồ

(DNVN) - Đại diện Bộ Công Thương cho biết, trước thông tin Chính phủ Thái Lan có thông báo sẽ bán toàn bộ 11,4 triệu tấn gạo dự trữ với mục tiêu thu về hơn 2,8 tỉ USD, Bộ này đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan lên phương án ứng phó.

Theo đó, Bộ Công Thương sẽ tăng cường công tác thông tin thị trường, hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường hiệu quả, thiết thực cho các địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu.

Tiếp tục đàm phán về mở cửa thị trường và các biện pháp phi thuế quan đối với mặt hàng gạo; phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến kiểm dịch; dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, tạo thuận lợi cho xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Phối hợp với Bộ Ngoại giao và chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ tăng cường vận động, tháo gỡ khó khăn, rào cản, thúc đẩy phát triển thị trường xuất khẩu gạo.

Phối hợp với VFA và các thương nhân xuất khẩu, doanh nghiệp đầu mối tại các thị trường tập trung tiếp tục tăng cường nắm sát tình hình thị trường, kịp thời có giải pháp điều hành linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường.

Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại gạo để củng cố các thị trường trọng điểm, truyền thống và mở đường cho xuất khẩu gạo Việt Nam vào các thị trường mới, thị trường tiềm năng theo chỉ đạo của Chính phủ.

Bộ Công Thương đã kế hoạch "ứng phó" trước việc Thái Lan xả kho gạo khổng lồ.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, VFA rà soát, đánh giá tác động của hạn hán, xâm nhập mặn đối với sản xuất lúa gạo trong năm 2016, nhất là tại vùng ĐBSCL. Từ đó, có kế hoạch phù hợp cho mùa vụ, đảm bảo nguồn cung trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Thường xuyên rà soát, cập nhật cân đối nguồn cung thóc, gạo hàng hóa  để kịp thời phục vụ công tác điều hành xuất khẩu, chủ động trước diễn biến thị trường, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và chỉ số giá tiêu dùng CPI.

Rà soát lại các biện pháp của các nước và các cam kết quốc tế của Việt Nam về kiểm dịch thực vật; có biện pháp, giải pháp tháo gỡ khó khăn, rào cản về kiểm dịch thực vật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với gạo nhập khẩu của các nước để tạo thuận lợi cho việc mở rộng, đa dạng hóa thị trường.

Tăng cường chỉ đạo quy hoạch vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, sản xuất lúa và chế biến, bảo quản sản phẩm thóc, gạo hàng hóa bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu, khắc phục vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm gạo.

Rà soát lại danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép nhập khẩu, sản xuất và lưu hành tại Việt Nam, loại bỏ ngay những chủng loại thuốc có chứa các hoạt chất độc hại, gây dư lượng hóa chất độc hại trong sản phẩm gạo (nếu có).

 

Bộ Công Thương cũng kiến nghị với Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tăng cường theo dõi, nắm tình hình thực hiện quy định về dự trữ lưu thông, lượng gạo có sẵn trong kho khi đăng ký hợp đồng xuất khẩu của các thương nhân. Trường hợp phát hiện có thông tin, diễn biến bất thường đề nghị báo cáo cáo gấp về Bộ Công Thương và đề xuất biện pháp xử lý.

Đồng thời tăng cường nắm sát tình hình thị trường, kịp thời báo cáo, kiến nghị rõ các biện pháp cần thiết trong công tác điều hành để thúc đẩy xuất khẩu, giữ thị trường; chủ động đề xuất với các hoạt động chương trình xúc tiến thương mại nhằm củng cố, mở rộng và tìm kiếm thị trường mới, thị trường tiềm năng.
Tiếp tục hoàn thiên, nâng cao hiệu quả hoạt động của VFA, nhất là trong việc điều phối và hướng dẫn, hỗ trợ thương nhân trong liên kết sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu, xây dựng thương hiệu; kinh doanh xuất khẩu gạo; hỗ trợ, điều phối các doanh nghiệp đầu mối trong giao dịch và tổ chức thực hiện các hợp đồng tập trung.

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo