Lịch sử những đôi giày ở Madrid
Khách hàng cũng là những "nữ hoàng" của vương quốc giày Antigua Casa Crespo |
Lịch sử những đôi giày
Thật thú vị khi đến Madrid, tôi mới phát hiện ra giày vải đế cói (espadrilles) vốn rất phổ biến ở Mỹ, tên gọi xuất xứ từ Pháp, được những thợ thủ công ở Madrid thực hiện. Trong danh sách khách hàng sử dụng giày vải này, có cả Nữ hoàng Sofia của Tây Ban Nha. Những ngày rong ruổi ở Madrid, tôi đã tìm đến tiệm đóng giày Antigua Casa Crespo đã hơn 178 năm tồn tại.
Madrid có nhiều thứ để xem, thích cảm giác mạnh thì đến Las Ventas, trường đấu bò hình thành từ 1929, lớn nhất Tây Ban Nha, cái nôi của những trận đấu bò siêu kinh điển, thích tìm hiểu kiến trúc cổ có Tòa thị chính (Casa de la Villa), đền thờ Thánh Micae (St. Michaels Basilica), Hoàng cung... Về bảo tàng thì có Bảo tàng Khảo cổ học (Museo Arqueológico Nacional - 1867), Bảo tàng Khoa học tự nhiên quốc gia (Museo Nacional de Ciencias Naturales - 1772)...
Nhưng Madrid cũng là nơi sở hữu một nét độc đáo khác, chính là những tiệm đóng giày thủ công, một nghề nổi tiếng của Tây Ban Nha, với các nghệ nhân chuyên gia công cho những nhãn hiệu thời trang nổi tiếng thế giới như Lanvin, Christian Louboutin Hermès, Louis Vuitton, Chanel, Tom Ford, Loro Piana, Fendy, Oscar de la Renta, Cloe, Roger Vivier...
Những đôi giày vải đủ màu sắc, kết hợp phần đế cói trông rất tự nhiên, thanh mảnh hợp thời trang và thật dễ phối với trang phục dạo phố. Ở Pháp, Mỹ, người ta quen gọi là "espadrilles", nhưng khi đến Madrid, dò hỏi thông tin về các tiệm đóng giày espadrilles, dân bản xứ ù ơ, chẳng ai biết. Hóa ra, lịch sử nguồn gốc xuất xứ của loại giày này đã khiến cho tên gọi của nó chỉ thêm phức tạp.
Đôi giày đế cói được sử dụng nhiều ở vùng lãnh thổ xứ Basque thuộc miền Nam nước Pháp và xứ Catalonia. Từ "espadrilles" xuất phát từ một từ tiếng Pháp "espadrille". Nguồn gốc của từ này là "espart" - tên gọi của một loại cỏ rất dẻo dai ở vùng Địa Trung Hải, vật liệu chính để tạo nên những đôi giày đế cói đầu tiên.
Tấm biển hiệu cổ kính trước cửa tiệm giày Antigua Casa Crespo |
Loại giày này sau đó được giới công nhân, nông dân ở Tây Ban Nha sử dụng đại trà, vì giá rẻ, việc đóng một đôi giày nhanh chóng, đáp ứng các tính năng: rẻ, tiện dụng, gọn nhẹ. Và ở Tây Ban Nha, người bản xứ không dùng từ "espadrilles" mà gọi bằng ngôn ngữ riêng là "alpargatas" - một kiểu giày hoặc dép có dây quai như xăng đan.
Tiệm giày vải Antigua Casa Crespo, số 29 đường Divino Pastor, mở cửa trong tháng 8: Thứ 2 - thứ 6: 10:00 - 13:30, 17:00 - 20:30, Chủ nhật: 10:00 - 13:30 (hai tuần cuối tháng 8 nghỉ). Các tháng còn lại trong năm: Thứ 2 - thứ 6: 10:00 - 13:30, 17:00 - 20:30. |
Hiềm một nỗi, loại giày vải đế cói này trên thị trường quốc tế, hiếm người gọi theo tiếng Tây Ban Nha là "alpargatas" mà vẫn dùng "espadrilles". Câu chuyện bắt nguồn từ khi Luis Castađer, một thợ giày đế cói nổi tiếng của Tây Ban Nha, được nhà thiết kế thời trang Yves Saint Laurent (YSL) đặt đóng giày đế cói cao 5cm theo yêu cầu cho một cuộc trình diễn thời trang ở những năm 1960.
Có thể vì YSL là người Pháp, hẳn sẽ thích dùng từ gốc Pháp để gọi giày đế cói chứ không dùng tiếng Tây Ban Nha. Thế nên, từ sau cuộc trình diễn thời trang đó, giày đế cói vượt khỏi giới hạn bình dân, được giới những người nổi tiếng sử dụng như diễn viên Lauren Bacall (vừa mới qua đời), Grace Kelly (sau thành bà hoàng xứ Monaco), hay chính khách John F.Kennedy... và được quen gọi là "espadrilles".
Truyền nhân đời thứ tư
Sau khi đã hiểu rõ phải dùng từ "alpargatas" hay "espadrilles" ở Tây Ban Nha, không khó để tôi tìm đến tiệm đóng giày nổi tiếng ở Madrid, đấy là Antigua Casa Crespo, nơi mỗi mùa Hè, Nữ hoàng Sofia và các thành viên trong gia đình hoàng gia thường tìm đến để đặt những đôi giày theo ý thích.
Nguyên liệu để chế tác giày vải đế cói |
Tìm đến tiệm giày trên phố Divino thì thấy cửa im ỉm đóng. Hoá ra, tiệm có lịch làm việc hẳn hoi chứ không phải lúc nào cũng mở cửa tiếp khách. Đã bõ công đến nơi, chẳng còn cách nào khác, tôi với tay rung chuông đại với chút hy vọng sẽ có người tiếp. Một lúc sau, cánh cửa xịch mở, người đàn ông nói liền một tràng tiếng Tây Ban Nha, chắc có lẽ ông bảo đây chưa phải giờ làm việc. Sau vài câu giải thích, cùng với bộ dạng kẻ phương xa, chắc khiến ông chủ đổi ý, mời vào tiệm.
Bước qua cánh cửa, cả một không gian xinh xắn mở ra với cơ man là giày, đế giày... tất cả được xếp ngay ngắn theo từng kệ, đánh số theo kích cỡ của từng loại giày. Người đàn ông tiếp tôi chính là Maxi Garbayo, truyền nhân thế hệ thứ tư của tiệm đóng giày Antigua Casa Crespo, do ông cố của Maxi là Gregorio Crespo thành lập năm 1836.
Một góc trưng bày giày thành phẩm |
Nhìn những đôi giày vải đầy màu sắc đã hoàn thiện, Maxi giới thiệu rằng trước 1970, giày vải đế cói chỉ mang hai màu đen và trắng. Chính cha ông là Martin Garbayo đã biến tấu và phối các màu sắc đa dạng vào giày, tạo nên một trào lưu mới ở Madrid và lan rộng khắp thế giới như hôm nay. Chỉ mất trung bình 10 phút để hoàn thiện một đôi giày vải đế bằng, làm hoàn toàn thủ công với giá 6,50EUR (khoảng 200 ngàn đồng), giày cao gót là 29EUR.
Với tay nghề đủ đẳng cấp để phục vụ cho giới hoàng gia, nhưng mức giá không hề ăn theo tên tuổi của những thượng khách ấy, trái lại rất phù hợp cho nhu cầu đại chúng. Maxi Garbayo chia sẻ: "Thương trường là chiến trường, tôi cần phải giữ giá thấp vì các nhà sản xuất Trung Quốc hiện đang làm những đôi giày kiểu này chỉ bằng nửa giá tôi bán, thậm chí rẻ hơn, tôi không thể cạnh tranh với điều đó”.
Tây Ban Nha chỉ có một nữ hoàng, nhưng tất cả chị em khi đến gặp Maxi Garbayo đều được đối xử như một nữ hoàng, và ông chủ gọi họ là nữ hoàng của "vương quốc giày" Antigua Casa Crespo.
Maxi Garbayo – truyền nhân đời thứ tư của tiệm giày Antigua Casa Crespo |
Có nhiều thương hiệu giày Tây Ban Nha nổi tiếng ở Madrid như Fosco ở số 13 đường Ayalá chuyên sản xuất các dòng giày theo xu hướng thời trang, giá cả vừa phải, chất lượng cũng vừa phải. Camper số 24 đường Serrano; Pretty Ballerinas ở 30 Lagasca với các dòng giày ballet, chủ tiệm sẽ sản xuất tùy theo ý thích người mua về mẫu mã, màu sắc, vật liệu và độ cao thấp của đế. Tiệm Cristina Castađer ở 51 Claudio Coello, một trong những thương hiệu hàng đầu về giày ở Tây Ban Nha, và cả thế giới, chuyên gia công giày cho nhà Hermès, nên khi đến tiệm này, yếu tố lo nhất là giá. |
Theo DNSG
End of content
Không có tin nào tiếp theo