Lịch sử trong mắt ai: Chuyện bây giờ mới kể về chiến thắng Điện Biên
"Lịch sử đối với tôi còn là nỗi đau… Không đâu như ở Điện Biên, xác đồng đội phải “vùi” vào đất, cho khỏi bốc mùi hôi thối, nhìn khỏi thương và đỡ đau khổ để tiếp tục chiến đấu"
Lịch sử là những gì đã qua, song với từng thế hệ, nhất là với người trẻ ngày nay, qua mỗi góc nhìn làm thế nào để họ yêu và tiếp cận những sự kiện một cách đúng đắn nhất? Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2014), Chất lượng Việt Nam xin giới thiệu tới độc giả lọat bài viết chia sẻ cách tiếp cận lịch sử đã và đang diễn ra rong cuộc sống hiện đại
Nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn năm nay đã 82 tuổi. 60 năm trước, ông là Trung đội trưởng Trung đội 251 Trung đoàn 174 – Sư đoàn 316, đánh đồi A1 tại Điện Biên Phủ.
60 năm Điện Biên và mãi mãi
Khi tôi 17 tuổi, chuẩn bị tốt nghiệp Tú tài, những tin tức chiến trường liên tục báo về - dù chưa phải là Tổng phản công – đã tác động rất nhiều vào thanh niên, học sinh. Không ai bảo ai, đều cảm thấy xấu hổ khi những người bằng tuổi mình đang ra trận, đổ máu mà mình vẫn mài đũng quần trên ghế nhà trường. Lúc ấy không phải vì những bài học chính trị, luật nghĩa vụ quân sự thì chưa có nên không ai bắt mình phải tòng quân, và cũng không có động cơ cá nhân nào cả, ngoài động cơ yêu nước. Năm 1949, lớp tôi chuyên về nhân văn – xã hội – ngoại ngữ đều đi bộ đội hết, trừ con gái.
Những người lính trí thức tiểu tư sản như chúng tôi đều tâm niệm: “Đánh một trận, chết thì thôi, còn sống thì chiến thắng trở về”!. Cái lạc quan, lãng mạn ấy tiếp thêm sức mạnh cho lòng yêu nước. Không có nó thì rất khó chịu đựng hoàn cảnh. Riêng trung đoàn của tôi là đào 27km đường hào ở Điện Biên. Nhiều lúc cũng sợ chết, nhưng đặt con người trong hoàn cảnh chiến đấu ấy, thì người có tự trọng, có chút lương tâm sẽ không cho phép mình hèn nhát
Bên canh đó, có sự tự ái giai cấp. Khi đó, trí thức tiểu tư sản chỉ đóng góp vài phần trăm trong xã hội cũng như trong quân đội. Cũng có người kì thị về giai cấp, cho rằng tiểu tư sản thì yếu đuối, hay giao động, nên tôi thấy phải yêu nước gấp đôi để vượt qua cả đau khổ về tinh thần lẫn sự khó khăn về vật chất. Cũng có người không chịu được sự kỳ thị, trốn về hậu cứ chứ. Nhưng số đó cực kỳ ít, tuyệt đại đa số chúng tôi luôn cố gắng thể hiện: tiểu tư sản cũng có thể chịu đựng gian khổ, ăn cơm muối như bần cố nông…
Lịch sử đối với tôi còn là nỗi đau. Bởi Trung đoàn tôi chiến đấu trên đồi A1 – “cao điểm cuối cùng”. Đồng đội hi sinh rất nhiều, mà theo như Bí thư tỉnh ủy tỉnh Điện Biên cho biết vào năm 1994, thì tổng kết là 2469 chiến sĩ hi sinh. Trong khi đó, nghĩa trang đồi A1 chỉ có 644 ngôi mộ. Vậy những người kia đi đâu? 60 năm Điện Biên và mãi mãi, các anh vẫn nằm trên đồi A1. Không đâu như ở Điện Biên, xác đồng đội – là những phần cơ thể, mảnh chân, mảnh tay… phải “vùi” vào đất, cho khỏi bốc mùi hôi thối, nhìn khỏi thương và đỡ đau khổ để tiếp tục chiến đấu. Cứ nghĩ 60 năm qua, đồng đội mình vẫn nằm đâu đó trong khe trong suối, góc rừng nào đó là tôi thấy rất đau.
Điện Biên qua những góc nhìn
Tôi thường nói chuyện với các nhà báo Pháp, những người nước ngoài quan tâm đến chiến tranh Đông Dương. Qua hàng chục buổi trò chuyện, sau khi họ hiểu về chiến thắng Điện Biên Phủ cả rồi, họ cũng đều nảy sinh một câu hỏi: “Chúng tôi còn duy nhất điều này không thể hiểu được: Vì sao những người như ông, gian khổ như thế mà vẫn đứng về phía Cách mạng, chiến đấu đến cùng và không ngã lòng?”. Thậm chí có một người phụ nữ Pháp lại lý giải: “Ông là trí thức thì tôi không hiểu, nhưng tôi hiểu là nông dân Việt Nam họ vào quân đội để được ăn no”.
Tôi lập tức trả lời: “Nạn đói năm 45 khiến chúng tôi chết 2 triệu người thật, nhưng từ 1946 trở đi là chúng tôi đủ ăn. Và người nông dân ở nhà chắc chắn là sướng hơn đi bộ đội. Cơm gạo không phải là lý do”. Đó là một ví dụ của việc cùng nhìn về một sự kiện lịch sử nhưng con mắt nhìn khác nhau, tư tưởng khác nhau thì có người hiểu sai, có người hiểu đúng.
Tôi cũng được mời đi nói chuyện về Điện Biên nhiều lần, thường được giới hạn nói chuyện trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng hết giờ, bao giờ thanh niên cũng nhao nhao: “Bác nói nữa đi ạ. Chúng cháu sẽ ngồi thêm”.
Có bạn từng hỏi tôi: “Vì sao cháu lên đồi A1 không tìm thấy bát hương nào để thắp hương cho các liệt sĩ?”. Tôi trả lời: “Khi chưa có bát hương thì cháu có thể cắm nén hương ở bất cứ chỗ nào cháu đứng trên đồi A1, vì diện tích đồi A1 chỉ có khoảng 2000m2, mà lại có tới 2500 chiến sĩ hi sinh thì chắc chắn cứ 1m2 có hơn một liệt sĩ”. Nước mắt các cháu rơi. Vậy ai có thể nói là thanh niên không quan tâm?
Tôi cho rằng, việc thanh niên không yêu thích sử có nhiều nguyên nhân. Nhưng giới trẻ thờ ơ với lịch sử là chính bởi bản thân người lớn đã không quan tâm tới lịch sử.
Gần đây có một bộ phim truyền hình dài tập được chiếu trên truyền hình nhân kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ. Nhưng ngay từ những hình ảnh ban đầu đã khiến tôi cảm thấy không thể chấp nhận được: Mấy cán bộ ngồi quanh một chiếc bàn, một người nói: “Địch đã nhảy dù xuống Điện Biên”, mà đầu anh ta thì đội mũ ca lô như như những người lính Vệ quốc đoàn năm 1945 – 1946. Rất tệ, tôi thấy phản cảm kinh khủng. Tôi lập tức tắt tivi và không bao giờ xem lại phim này nữa. Người biên kịch hay đạo diễn chỉ cần đến gặp các chiến sĩ Điện Biên là hiểu ngay chi tiết sai sót này. Họ cũng không phải là những người mới 20 tuổi, nhưng họ không chịu tìm học.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá rất cao Navarre. Navarre là một tướng tài, trẻ, có bản lĩnh. Nhưng trên sân khấu của ta, chỉ huy Pháp giống như một thằng hề, nhí nhố gây cười. Bản thân tôi là người trực tiếp hỏi cung hàng binh, tù binh, tôi thấy họ rất đàng hoàng. Bôi nhọ kẻ thù lại là làm tầm thường hóa chiến thắng vĩ đại của ta.
Những sản phẩm văn hóa mà làm sai, cẩu thả về các chi tiết lịch sử căn bản thì rất phản cảm, phản tác dụng, gây hậu quả lớn, khiến giới trẻ không hiểu và không phục lịch sử của chính cha ông mình.
Có lần, một cô hướng dẫn viên du lịch đến gặp tôi với mong muốn tìm hiểu những câu chuyện lịch sử để lý giải cho các du khách người nước ngoài, đặc biệt là khách Pháp. Sau buổi nói chuyện, cô phản hồi lại với tôi: “Các du khách đều rất hài lòng với các câu chuyện mà cháu kể lại, nhưng một bạn đồng nghiệp của cháu thì bảo: “Cậu hâm à? Điên à? Vác sách đi học như thế thì công ty có trả thêm đồng nào không?”. Tôi tin rằng, bạn của cô gái đó đã sống trong một gia đình thực dụng, tiếp xúc với những con người thực dụng, coi lịch sử là thứ không có lợi gì trong đời sống.
"Theo tôi, lần kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ là dịp cuối cùng để tổ chức chiến thắng này một cách ý nghĩa, sâu sắc và trực quan. Bởi vì chỉ 5 năm nữa thôi, vào năm 2019 – 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, thì phần lớn chiến sĩ Điện Biên như tôi đã ra đi hoặc không còn minh mẫn nữa để có thể tiếp tục truyền lửa cho thế hệ sau bằng những câu chuyện của mình.Cá nhân tôi thì băn khoăn: Không rõ các cơ quan, đoàn thể, nhà trường… có nhận ra rằng cơ hội đưa lịch sử đến gần với thanh niên, học sinh thông qua các nhân chứng sống càng ngày càng ít đi không?", nhà giáo ưu tứ Đỗ Sơn Ca nói. |
Theo VietQ
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Nhật Bản hỗ trợ Đà Nẵng thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho người dân
Không khí lạnh khiến miền Bắc rét sâu hơn, Trung Bộ và Nam Bộ lạnh diện rộng
Xây dựng Đà Nẵng trở thành điểm đến đáng quay trở lại của du khách
Vinh danh các tài năng công nghệ trẻ
Cuộc đua thu hút nhân tài của các trường đại học Việt Nam
Đề xuất hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế quá hạn từ 50 triệu đồng trở lên
Cột tin quảng cáo