Quốc tế

Liên Hợp Quốc siết trừng phạt Triều Tiên

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 22/12 tiếp tục nhất trí thông qua nghị quyết trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên, bao gồm siết chặt hoạt động nhập khẩu dầu mỏ của nước này.

Lên án vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên ngày 29/11, 15 thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã nhất trí thông qua nghị quyết trừng phạt mới đối với Triều Tiên, bao gồm hạn chế nhập khẩu dầu thô và dầu tinh chế, cũng như chặn đứng nguồn thu ngân sách nghi được dùng cho chương trình phát triển vũ khí của nước này.

Theo Reuters, nghị quyết trừng phạt mới do Mỹ soạn thảo đã cấm gần 90% hoạt động xuất khẩu sản phẩm xăng tinh chế cho Triều Tiên và áp đặt mức mức trần chỉ còn 500.000 thùng/năm. Ngoài ra, nghị quyết cũng đặt ra mức trần 4 triệu thùng/năm đối với các sản phẩm dầu thô cung ứng cho Triều Tiên. Hội đồng Bảo an cũng cảnh báo sẽ tiếp tục giảm các định mức này nếu Bình Nhưỡng tiến hành thêm các vụ thử hạt nhân và tên lửa trong tương lai.

Hội đồng Bảo an nhóm họp về Triều Tiên ngày 22/12 (Ảnh: Reuters).

Nghị quyết trừng phạt mới cũng yêu cầu các nước thành viên Liên Hợp Quốc trục xuất các lao động Triều Tiên ở nước ngoài trong 24 tháng, thay vì 12 tháng như dự thảo nghị quyết ban đầu. Thu nhập của các lao động này từng bị nghi ngờ góp phần vào việc nuôi chương trình phát triển vũ khí của chính quyền Triều Tiên.

Trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ca ngợi sự đồng lòng của Hội đồng Bảo an trong việc đưa ra nghị quyết trừng phạt Triều Tiên.

“Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vừa bỏ phiếu với tỷ lệ 15-0 để thông qua lệnh trừng phạt bổ sung đối với Triều Tiên. Thế giới muốn Hòa bình, không phải Chết chóc!”, ông Trump viết trên Twitter.

Tổng thống Trump từng nhiều lần hối thúc Trung Quốc, đồng minh thân cận và là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, dừng cung cấp xăng dầu cho Bình Nhưỡng. Trung Quốc thường tỏ ra miễn cưỡng trong việc gia tăng sức ép lên quốc gia láng giềng, song vẫn bỏ phiếu thông qua nghị quyết trừng phạt mới nhất đối với Triều Tiên.

Nên đọc
Theo Dân Trí
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo