Liên kết phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực
Kết quả khả quan
Toàn tỉnh Bến Tre hiện có hơn 163.000 hộ trồng khoảng 65.000 ha dừa, mỗi năm cho gần 500 triệu trái. Tuy nhiên, các vườn dừa ở Bến Tre chủ yếu được trồng theo hộ gia đình nên diện tích thường nhỏ lẻ. Thống kê mới đây cho thấy hơn 75% số hộ trong tỉnh có diện tích vườn dừa từ 5.000 m2 trở xuống. Bên cạnh đó, giá dừa thường xuyên biến động, đầu ra chưa ổn định khiến thu nhập của người trồng dừa rất bấp bênh. Việc tiêu thụ dừa nguyên liệu đến các sản phẩm đã qua chế biến như cơm dừa nạo sấy, chỉ xơ dừa, than gáo dừa… đều phải dựa vào thị trường nước ngoài. Do đó, việc hỗ trợ kỹ thuật, tạo điều kiện để người dân trồng, nuôi xen cây, con dưới tán dừa là rất cần thiết để tạo thêm công ăn việc làm, giúp nhà vườn nâng cao thu nhập.
Theo ông Hồ Vĩnh Sang, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Bến Tre, đơn vị này đã phối hợp với Công ty CP xuất nhập khẩu Bến Tre và một số sở, ngành liên quan xây dựng 127 tổ liên kết trồng, cung ứng dừa tại H.Giồng Trôm, với tổng diện tích gần 1.500 ha. Theo đó, nông dân được doanh nghiệp thu mua dừa khô theo giá thị trường, đảm bảo không dưới 55.000 đồng/chục. Các bên liên quan cũng hỗ trợ người dân trồng xen các loại cây ăn trái; đồng thời một cơ sở thu mua, sơ chế được xây dựng ngay tại địa phương để giúp người dân bảo quản tốt sản phẩm.
Đối với chôm chôm và bưởi da xanh, Bến Tre hiện có gần 200 ha được công nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP với sản lượng gần 4.000 tấn. Trong năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã xuất khẩu một số loại trái cây như chôm chôm, nhãn, mít, bưởi da xanh... sang nhiều nước, trong đó có các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Hàn Quốc và một số nước châu Âu. Riêng đàn heo, toàn tỉnh có 22 tổ hợp tác nuôi heo với hơn 1.100 con nái trong độ sinh sản.
Còn nhiều khó khăn
Theo ông Trương Minh Nhựt, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bến Tre, việc thực hiện chương trình liên kết trên vẫn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc cần giải quyết. Địa phương hiện có gần 200 tổ hợp tác, liên kết nhưng số lượng tổ hoạt động hiệu quả vẫn còn ít. “Tỉnh cần có chính sách hợp lý hỗ trợ các tổ hợp tác, đặc biệt là đối với tổ trưởng để nâng cao chất lượng hoạt động và đảm bảo việc làm ăn với doanh nghiệp lâu dài, hiệu quả”, ông Nhựt nói.
Còn ông Đàm Văn Hưng, chủ cơ sở thu mua, chế biến bưởi da xanh Hương Miền Tây, cho rằng doanh nghiệp phải đồng hành, chia sẻ lợi ích cũng như rủi ro với nông dân thì mới đảm bảo được chất lượng nông sản. Ngoài ra, tỉnh cần có chính sách đầu tư phù hợp để phát triển nhanh diện tích bưởi da xanh đạt chứng nhận. Do sản lượng bưởi da xanh đạt chứng nhận hiện nay còn thấp, không đủ đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu, dẫn đến mất khách hàng và nông dân cảm thấy chán nản VietGAP, GlobalGAP. Riêng ông Lê Tấn Tài, Giám đốc Công ty thức ăn gia súc Tấn Lợi (H.Mỏ Cày Nam) thì phản ánh thời gian qua có hiện tượng nhiều loại thức ăn không đảm bảo chất lượng lưu hành trên thị trường, gây thiệt hại nặng nề cho nông dân.
Theo ông Cao Văn Trọng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, để nâng cao hiệu quả liên kết, trước tiên doanh nghiệp cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa. Ngoài ra, các đơn vị liên quan cần hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ tổ hợp tác, liên kết sản xuất.Ông Trọng cũng yêu cầu các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng, giá cả các loại thức ăn gia súc, vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn nhằm đảm bảo quyền lợi cho người nông dân.
End of content
Không có tin nào tiếp theo