Quốc tế

Liên minh châu Âu dù đuối sức vẫn cố "bóp nghẹt" Nga

(DNVN) - Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí gia hạn trừng phạt Nga thêm 6 tháng trong bối cảnh tiến trình giải quyết xung đột ở Ukraine vẫn giậm chân tại chỗ.

Các đại sứ của Liên minh Châu Âu (EU) đã nhất trí tiếp tục gia hạn chính sách trừng phạt kinh tế gây tổn thương cho Nga thêm 6 tháng nữa, bất chấp việc liên minh này phải chật vật gắng sức không chỉ trong việc phải giữ vững mặt trận đoàn kết trước Nga mà cả trong việc phải chịu đựng những tổn thất gây ra từ chính sách đó.

Cả Đức và Hungary đều không còn muốn cấm vận Nga.

Các biện pháp trừng phạt chủ yếu nhằm vào các lĩnh vực dầu mỏ, tài chính và quốc phòng. Các đại sứ đến từ 28 nước thành viên EU đã thông qua quyết định trên nguyên tắc và dự kiến sẽ được các bộ trưởng của khối thông qua chính thức vào ngày 24/6 tới.

Các biện pháp trừng phạt kinh tế trước đó sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 7 và sau khi được gia hạn sẽ kéo dài cho tới tháng 1/2017.

EU đã quyết định gia hạn các biện pháp trừng phạt Nga trong bối cảnh mâu thuẫn trong nội bộ liên minh đang ngày một tăng cao về chính sách đối với Moscow. Ngày càng có nhiều nước thành viên, nhiều học giả, chính khách trong liên minh lên tiếng kêu gọi EU hãy từ bỏ chính sách trừng phạt.

Một số nước thành viên EU như Đức, Ý và Hungary cho rằng các biện pháp trừng phạt không chỉ gây tổn hại cho nền kinh tế của Nga mà còn của cả EU, do vậy cần phải từ bỏ hay ít nhất là giảm thiểu chúng.

Trong khi các nước thành viên khác như Anh lại có lập trường cứng rắn hơn, cho rằng sự can thiệp của Nga ở miền đông Ukraine và việc sáp nhập bán đảo Crimea là hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và không thể không bị trừng phạt.

 

Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cảnh báo EU sẽ đối mặt với "một sai lầm, sai lầm lớn" nếu nới lỏng các biện pháp trừng phạt Nga khi tiến trình hòa bình ở Ukraine chưa có tiến triển thật sự.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault kêu gọi các nhà lãnh đạo EU nên có những cuộc tranh luận thật sự về tương lai của các biện pháp cấm vận, chứ không phải chỉ để các biện pháp cấm vận tự động gia hạn mỗi khi tới hạn.

Mỹ, EU cùng với các đồng minh liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột ở miền đông nam Ukraine. Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên, phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.

Nên đọc
Thu Phương (Theo Reuters)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo