Liên thông kết quả xét nghiệm y tế: Băn khoăn của "người trong cuộc"
Sáng 1/8, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cho biết từ ngày 1-8, 38 bệnh viện (BV) tuyến trung ương trực thuộc Bộ Y tế sẽ chính thức triển khai việc liên thông kết quả xét nghiệm.
Theo đó, một số xét nghiệm sau khi đã có kết quả của cơ sở khám chữa bệnh (KCB) này có thể được cơ sở KCB khác sử dụng để chẩn đoán, điều trị, theo dõi bệnh, giúp tiết kiệm chi phí thực hiện xét nghiệm trong một số trường hợp. Để thực hiện được điều này, phòng thí nghiệm của các BV phải có chất lượng tương đương, đáp ứng được các tiêu chí do Bộ Y tế đưa ra. Liên thông xét nghiệm chỉ áp dụng với một số loại xét nghiệm có thể liên thông được và kết quả xét nghiệm chỉ có giá trị trong một thời gian nhất định. Mỗi BV chỉ công nhận kết quả xét nghiệm của BV khác có chất lượng tương đương hoặc cao hơn, báo PL TP.HCM đưa tin.
Thế nhưng, tại các bệnh viện dù đã triển khai việc liên thông kết quả xét nghiệm, song chính các bác sĩ cũng còn không ít băn khoăn. Theo Tiến sĩ Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Trưởng đơn vị phẫu thuật Tim mạch (Bệnh viện Bạch Mai), nhiều xét nghiệm vẫn cần làm lại để bảo đảm tính chính xác, nhất là khi bác sĩ ở tuyến cuối luôn là người đưa ra các quyết định điều trị và chịu trách nhiệm về sức khỏe của bệnh nhân. Vì cùng một loại máy, nhưng ở 2 nơi sẽ cho kết quả chưa chắc giống nhau hoàn toàn. Hơn nữa, bệnh nhân chuyển từ các tỉnh khác về Hà Nội, chỉ sau vài tiếng, các chỉ số và tình trạng bệnh có thể thay đổi nên kết quả xét nghiệm sẽ không còn giá trị.
Để thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm, thời gian qua, Bệnh viện Nhi trung ương đã tiến hành rà soát, đánh giá lại chất lượng của phòng xét nghiệm ở tất cả các lĩnh vực: Huyết học, vi sinh, sinh hóa… và nâng cấp, hoàn thiện theo chất lượng ISO 15189 mà Bộ Y tế đề ra. Xét nghiệm nào đã được công nhận thì duy trì chất lượng; xét nghiệm nào chưa đạt phải nâng cấp, cập nhật.
Trao đổi với báo Hà Nội mới, bác sĩ Lê Thị Minh Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, một số xét nghiệm như: Vi khuẩn bệnh lao, nhóm máu, chức năng gan, thận… nếu đã có rồi, người bệnh sẽ không phải xét nghiệm lại. Bởi những chỉ số này sẽ kéo dài rất lâu, chứ không phải một sớm một chiều thay đổi được. Việc công nhận kết quả xét nghiệm liên thông không cứng nhắc, mà áp dụng tùy từng trường hợp cụ thể. Chẳng hạn, với những bệnh nhân chuyển đến, tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà có thể công nhận kết quả xét nghiệm trong khoảng thời gian nào đó, làm giá trị tham chiếu. Quá trình điều trị, nếu bệnh nhân nặng hơn thì phải xét nghiệm lại.
Cùng chung quan điểm, PGS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E trung ương cho biết, hiện bệnh viện đã công nhận rất nhiều kết quả xét nghiệm, chiếu chụp của các bệnh viện khác. Song, bên cạnh những xét nghiệm có thể được công nhận từ các cơ sở y tế khác cũng có những xét nghiệm bắt buộc phải làm lại để bảo đảm an toàn cho người bệnh.
Putin tiếp tục công kích Mỹ vì dự luật trừng...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Cái gì ta làm...
Mỹ không "chùn bước" trước biện pháp trả...
Nên đọc
End of content
Không có tin nào tiếp theo