Liên tục tăng thuế: Người dân nhận lại được gì?
Ngán ngẩm tăng thuế
Hôm qua 13/4, Bộ Tài chính đã gây chú ý dư luận khi công bố đề xuất đánh thuế tài sản lên nhà đất, ô tô... Đáng chú ý, thay vì đánh thuế tài sản đối với nhà đất từ ngôi nhà thứ 2 như dự kiến trước đây thì nay sẽ đánh từ ngôi nhà thứ nhất với phần giá trị trên 700 triệu với mức thuế 0,4 %. Với mức thuê này, dự kiến ngân sách sẽ thu thêm được gần 1,5 tỷ USD.
Thời gian trước đó, Bộ Tài chính liên tục bảo vệ quan điểm tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% lên 11-12%, tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường, trong đó có xăng dầu.
Các lý do chủ yếu thường được Bộ Tài chính đưa ra là vì thuế nhập khẩu giảm nên cần tăng thuế khác bù vào việc thu ngân sách giảm, nợ công cao,... Thực tế, nếu thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường tăng theo đề xuất của Bộ Tài chính, ngân sách có thể tăng thêm hàng chục nghìn tỷ mỗi năm.
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW (CIEM), cho rằng: Thu thuế bảo vệ môi trường đáng lẽ phải chi cho môi trường, phát triển năng lượng tái tạo... Tiền thu từ thuế bảo vệ môi trường không thể hòa vào ngân sách chung rồi chi như cách làm hiện nay.
Vị chuyên gia này cũng thẳng thắn chỉ trích việc giải thích tăng thuế vì “ngân sách thất thu” là “giải thích không hợp lý”.
Trong khi đó, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, đánh giá: Việc tăng thuế suất VAT một mặt tăng gánh nặng thuế lên người dân, gián tiếp đẩy một bộ phận vào khu vực kinh tế phi chính thức; mặt khác cũng không đảm bảo sẽ tăng được tỷ trọng thu thuế VAT trong tổng thu ngân sách.
Để đảm bảo cân đối thu chi, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng cần cải thiện nguồn thu thông qua tăng hiệu quả hành thu, tăng hiệu quả thu trên các loại thuế đã có và thuế suất hiện thời, thay vì vội vã áp thêm các loại thuế mới hoặc tăng thuế suất. Việc này cần có sự cải cách ngay trong nội bộ ngành thuế.
Một giải pháp đi liền khác là duy trì nỗ lực kiểm soát chi tiêu ngân sách, đặc biệt là chi thường xuyên. Chi thường xuyên luôn ở mức cao trên 70% tổng chi qua các năm, một phần nguyên nhân tới từ bộ máy nhà nước và đoàn thể chính trị cồng kềnh, lãng phí, kém hiệu quả. Nguồn lực cho phát triển kinh tế dài hạn là chi đầu tư phát triển chưa có nhiều cải thiện.
o đó, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các biện pháp quyết liệt để thắt chặt chi thường xuyên như các chính sách tinh giảm biên chế, sắp xếp lại và tinh giản bộ máy, hạn chế chi tiêu cho các tổ chức đoàn thể, thoái vốn khỏicác DNNN như đã và đang thực hiện trong thời gian qua.
“Nếu không kiểm soát tốt nợ nước ngoài và cân đối ngân sách, trần nợ công chắc chắn bị phá vỡ trong thời gian tới và Việt Nam ngày càng lún sâu vào nợ nần trước khi kịp cất cánh”, VEPR cảnh báo.
Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), cho rằng, việc đổi mới chính sách thuế phải đặt trong bối cảnh tổng thể cán cân thu chi ngân sách, tức việc đổi mới chính sách thuế phải song song với việc chi ngân sách. Không nên tách bạch riêng rẽ chính sách thu và chính sách chi.
“Phải nhìn nhận trong mối tương quan nhà nước và người đóng thuế, theo nghĩa chúng tôi đóng thuế cho nhà nước thì chúng tôi nhận lại được những gì. Người dân có thể không ngần ngại nộp nhiều thuế hơn, nhưng người dân cần từng đồng tiền thuế được sử dụng minh bạch, hiệu quả”, ông Nguyễn Anh Dương chia sẻ.
Mặt khác, theo chuyên gia CIEM, việc sử dụng đồng tiền thuế đó phải góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công tốt hơn cho người đóng thuế. Khi đó, người dân sẵn sàng đóng thuế.
“Điều này giống như khi chúng ta đi mua hàng, giá rẻ có thể không phải là lý do duy nhất để chúng ta quyết định mua mặt hàng nào đó. Chúng ta sẵn sàng trả giá cao hơn cho mặt hàng khác miễn sao chất lượng mặt hàng đó cũng tương xứng với đồng tiền bỏ ra. Nhìn dưới góc độ thu chi ngân sách thì cách tiếp cận cũng phải tương tự”, ông Dương nhận định và nhấn mạnh, cùng với chính sách thu thì việc làm thế nào tiết kiệm chi, chi hiệu quả cũng quan trọng không kém.
Chia sẻ với những khó khăn của ngân sách, nhưng ông Dương cho rằng, việc thu thuế tránh lâm vào cảnh “Nhà nước làm việc dễ còn đẩy khó cho người dân, doanh nghiệp”.
Không ít lần, Bộ Tài chính đã giải thích lý do tăng thuế là do quá trình hội nhập làm thu ngân sách từ thuế xuất nhập khẩu giảm. Theo ông Dương, chủ trương hội nhập rõ ràng là rất đúng đắn nhằm tạo thêm cơ hội, củng cố năng lực cho DN trong nước, nhưng không thể vì lợi ích đó mà người dân, DN lại phải trả thuế nhiều hơn.
Trong khi đó, theo các chuyên gia, bản thân trong chính sách thu còn nhiều vấn đề về gian lận thuế, nợ thuế. Gần đây Bộ Tài chính đã đưa ra đề xuất xóa nợ thuế với số tiền lên đến 26 nghìn tỷ đồng.
Ông Nguyễn Anh Dương băn khoăn: Chúng ta có bao giờ đặt câu hỏi cơ quan thuế đã thực sự nghiêm túc và hiệu quả trong việc xử lý gian lận thuế và nợ thuế hay chưa? Tại sao không cân nhắc một chiến lược khác là cải thiện hiệu quả thu thuế, giảm nợ thuế, giảm thất thu thuế trước khi nghĩ đến những biện pháp để tăng thu?
Bàn luận về câu chuyện thu - chi tiền thuế, GS.TS Đặng Đình Đào, Đại học Kinh tế quốc dân nói ngắn gọn: Dọc các tuyến đường, chúng ta thường thấy biển tuyên truyền “Nộp thuế là quyền lợi và nghĩa vụ của người dân”, “Thuế là nguồn thu chủ yếu để xây dựng và phát triển đất nước”,... Nhưng tại sao không thấy các biển tuyên truyền “Ai sử dụng lãng phí thuế là có tội với tổ quốc, với nhân dân”?
“Ngay điều đó đã phản ánh tư tưởng chỉ biết thu, còn sử dụng tiền thuế thì...”, GS.TS Đặng Đình Đào băn khoăn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Dịch vụ bảo dưỡng, chăm sóc ô tô đắt khách dịp cận Tết
Mùa Tết của những làng nghề đặc sản trăm tuổi ở miền Tây
Đi chợ Tết ngày cuối năm - Nét văn hoá của người Việt
Cần Thơ bắn hơn 1.000 quả pháo hoa mừng Tết Nguyên đán
'Vương quốc hoa kiểng' nhộn nhịp ngày cận Tết
Ngành đường sắt bán hơn 434.000 vé trong dịp Tết Nguyên đán 2025