Liệu vốn ngoại có tiếp tục chảy vào Việt Nam?
Dù nhà đầu tư nước ngoài chỉ là một bộ phận nhỏ của thị trường xét về quy mô, nhưng ảnh hưởng thường đáng kể. Họ xem chứng khoán Việt Nam là một trong những cơ hội tốt nhất trong năm 2014.
Những điểm hấp dẫn
Việc thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) sẽ hỗ trợ nền kinh tế đạt được tăng trưởng tín dụng cao hơn, và do đó, GDP sẽ cao hơn, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài. Họ tin rằng, Chính phủ Việt Nam sẽ hành động dứt khoát trong việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng.
Khả năng Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết là một yếu tố quan trọng khác. Nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định thương mại này. Bên cạnh đó, kinh tế ổn định và tăng trưởng (với lạm phát thấp, lãi suất thấp) là những lý do khác thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Nhìn chung, hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài đều đồng ý rằng, báo chí thế giới đã dành sự quan tâm đặc biệt tích cực cho Việt Nam, và điều này cũng khiến các nhà đầu tư bên ngoài chú ý hơn đến Việt Nam.
Nhà đầu tư nước ngoài cũng quan tâm đến đề xuất nới “room” từ 49% lên 60%. Mặc dù khi đề xuất này được thông qua thì họ có cơ hội mua thêm những cổ phiếu blue-chip dường như kém thanh khoản, nhưng điều quan trọng đối với nhà đầu tư nước ngoài là sự quan tâm của Chính phủ đối với việc thu hút dòng vốn gián tiếp nước ngoài, và điều đó khiến họ an tâm để đầu tư vào Việt Nam. Ở đây, không phải là chuyện nới “room” mà là ý định nới “room” đã khiến nhà đầu tư phấn chấn hơn. Họ biết Chính phủ nhận thức rõ vai trò của TTCK không chỉ trong phát triển kinh tế mà còn là sự cần thiết để duy trì sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài.
Tương quan giữa các thị trường
Một vấn đề thường bị bỏ qua đó là mối tương quan giữa các thị trường. Khi có biến động mạnh, các thị trường thường đi cùng chiều, và ngược lại. Mối tương quan giữa các thị trường phát triển và thị trường mới nổi (bao gồm cả sơ khai) phải được xem xét.
Các nhà đầu tư nước ngoài thường nói rằng, Việt Nam, và các thị trường sơ khai nói chung, không tương quan mạnh với các thị trường phát triển. Họ cho rằng, các thị trường phát triển và các thị trường sơ khai có quan hệ nghịch biến, nghĩa là chúng thường sẽ di chuyển trái chiều nhau khi có biến động lớn.
Giữa các thị trường phát triển với nhau thì có tương quan mạnh. Nếu thị trường Mỹ giảm điểm thì đêm đó thị trường Nhật sẽ giảm, tiếp theo là châu Âu. Sự suy giảm của một thị trường tạo ra “hiệu ứng domino”. Thị trường này bị ảnh hưởng bởi thị trường khác, điều đó cho thấy sự tương quan lẫn nhau giữa chúng.
Có bằng chứng thực nghiệm cho thấy, thị trường mới nổi cũng như các thị trường sơ khai không có tương quan mạnh với các thị trường phát triển như giữa các thị trường phát triển với nhau. Điều này cũng dễ hiểu vì các nền kinh tế đang phát triển sản xuất ra các mặt hàng thiết yếu như may mặc và thực phẩm dù ít hay nhiều thì người tiêu dùng trên thế giới đều có nhu cầu, bất chấp tình hình kinh tế thế nào.
Các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam sản xuất gạo, cà phê, thủy sản cũng như hàng may mặc là những thứ thiết yếu, không nhạy cảm với các biến động kinh tế như xe hơi, ti vi hay máy tính. Vì thế, những quốc gia này có phần miễn nhiễm với các điều kiện kinh tế bên ngoài. Nhưng vì các nước như Việt Nam di chuyển theo hướng sản xuất hàng hóa giá trị gia tăng cao hơn như điện thoại di động, sự phụ thuộc lúc này không còn giống như khi còn sản xuất các mặt hàng thiết yếu, và điều đó tạo ra sự tương quan cao hơn giữa các nền kinh tế đang phát triển và các nền kinh tế phát triển.
Vai trò của các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) tại Việt Nam là rất quan trọng, cho phép nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp cận thị trường Việt Nam một cách dễ dàng, thúc đẩy mạnh mẽ dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam. Tác động tích cực của chúng thì không cần phải bàn cãi. Nhưng trở lại với kịch bản đã nói, khi thị trường có "hiệu ứng domino" và cùng giảm điểm, vốn chảy vào những tài sản có rủi ro cao có xu hướng giảm, do đó, có thể khiến các dòng vốn vào ETFs rủi ro giảm theo hoặc biến động tiêu cực.
Các công ty đa quốc gia thường hoãn triển khai dự án khi kinh tế khó khăn - hầu hết là ở các nước như Việt Nam. Khi đầu tư trực tiếp nước ngoài không tăng, nền kinh tế của Việt Nam sẽ không có sự tăng trưởng cao, và điều này sẽ khiến TTCK trì trệ. Ví dụ, do đầu tư cả gián tiếp và trực tiếp từ Nhật đã tăng mạnh và có ảnh hưởng đáng kể đối với TTCK Việt Nam, nếu TTCK Nhật bị ảnh hưởng, các nhà đầu tư có thể sẽ phải chứng kiến dòng vốn rút khỏi Việt Nam và quay về Nhật.
Các hiệp định thương mại thường tác động đến mối tương quan giữa các thị trường. Tác động từ TPP đối với nền kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ tích cực. Việt Nam chắc chắn sẽ được hưởng lợi ròng từ hiệp định này. Bởi vì thế giới tiếp tục trở nên gắn kết với nhau về kinh tế và tài chính, chúng ta có thể giả định rằng tất cả các thị trường sẽ tiếp tục trở nên liên đới với nhau hơn. Do đó, nếu kinh tế của thế giới gặp khó khăn, rất có thể kinh tế Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng, làm cho TTCK bị ảnh hưởng theo.
Mối tương quan giữa các thị trường sơ khai như Việt Nam với các thị trường phát triển nhìn chung cao hơn những gì được xem xét. Hiện tại, các nhà đầu tư nước ngoài dường như yên tâm khi đầu tư vào Việt Nam, nhưng những cú sốc bên ngoài có thể tác động đến TTCK Việt Nam, khiến cho TTCK Việt Nam chịu ảnh hưởng chung như các thị trường khác, dù mức độ ảnh hưởng của Việt Nam có thể không cao như các thị trường phát triển.
Vì vậy, nhiều nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nói chung quan tâm nhiều hơn về những gì có thể xảy ra bên ngoài Việt Nam vì điều đó có thể khiến TTCK Việt Nam đi chệch hướng. Nếu một thị trường phát triển suy giảm trên diện rộng trong năm nay, sự giảm điểm của TTCK Việt Nam là điều không thể tránh khỏi. Đây là mối quan tâm chính của các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
End of content
Không có tin nào tiếp theo