Lính Nga nhận AK-12 và AK-103 mới, phương Tây bắt đầu..."rét"
Giới chuyên gia cho rằng việc Nga trang bị 2 mẫu súng trường AK mới đã đánh dấu nỗ lực không ngừng của nước này trong tiến trình hiện đại hóa quân sự nhưng cũng làm lộ ra những điểm yếu lâu nay.
Những quan ngại về khả năng Nga dấn sâu can thiệp vào cuộc chiến tại miền đông Ukraine và hoạt động mở rộng tầm ảnh hưởng ngày càng lớn tại Đông Âu, đã khiến phương Tây theo dõi sát sao mọi động thái tăng cường sức mạnh quân đội của Moscow.
Trang bị 2 mẫu AK mới
Hồi tháng Một năm nay, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga, ông Yuriy Borisov cho biết quân đội nước này đã quyết định chọn 2 súng trường tiến công là AK-12 và AK-103-4 do Tập đoàn Kalashnikov Concern (tiền thân là Nhà máy Izhmash) sản xuất, làm súng bộ binh cơ bản mới nằm trong bộ trang bị cá nhân Ratnik.
Theo tờ Washington Post, quyết định chọn súng trường AK-12 bắn đạn cỡ 5,45x39 mm và AK-103-4 bắn đạn cỡ 7,62x39 mm, sẽ là cơ hội giúp binh sĩ Nga tăng khả năng chiến đấu hiệu quả.
Thậm chí, Bộ Quốc phòng Nga cũng quyết định tăng số lượng bộ đồ Ratnik từ 50.000 đơn vị lên thành 70.000 đơn vị. Bộ trang bị Ratnik của Nga dùng để bảo đảm hiệu quả chiến đấu của binh sĩ trên chiến trường bao gồm gần 50 thành phần khác nhau như súng bộ binh, các máy ngắm, phương tiện bảo vệ, thiết bị liên lạc và định vị. Trong đó, một số loại vũ khí mới ra mắt nằm trong bộ Ratnik đã được quân đội Nga sử dụng khi tiến vào bán đảo Crimea hồi đầu năm 2014.
AK-12 trông khá giống với người tiền nhiệm AK-74M và cả hai có một số thành phần chung. Giá thành dự kiến của AK-12 ước tính chỉ nhỉnh hơn AK-74M khoảng 25%.
Súng trường AK-12 thuộc lớp súng AK thế hệ thứ 5, có nhiều cải tiến về khả năng hoạt động như độ xung giật nhỏ hơn AK-74M. Công việc thiết kế AK-12 được bắt đầu vào tháng 8/2011 và phiên bản đầu tiên ra mắt vào ngày 24/1/2012. Súng dùng hộp đạn 30 viên như AK-74 nhưng cũng có thể dùng các hộp đạn 60 - 95 viên. Trong khi đó, AK-103-4 là biến thể mới nhất của AK-47 sử dụng cỡ đạn 7,62 mm.
Để trang bị cho bộ Ratnik, Nga đã cho thử nghiệm 4 loại súng trường tiến công: 2 loại bắn đạn 5,45х39 mm và 2 loại bắn đạn 7,62х39 mm là АK-12 và АK-103-4 của Tập đoàn Kalashnikov, cùng А-545 và А-762 của Nhà máy Degryarev ở Kovrov. Theo đó, А-545 và А-762 là các biến thể cải tiến của súng AEK-971/973 được phát triển vào đầu thập niên 1980 cho chương trình thay thế AK-74М.
Phương Tây nên dè chừng Nga?
Theo biên tập viên của tạp chí quân sự uy tín IHS Jane's Defence Weekly tại Anh, ông Nick de Larrinaga, "Nga nên cải thiện kỹ năng sử dụng những vũ khí nằm trong bộ Ratnik cho các binh sĩ nước này".
Còn Washington Post thì cho rằng Nga đang cố gắng vực dậy khả năng sẵn sàng chiến đấu và kỷ luật của quân đội nước này, vốn bị xuống dốc trong giai đoạn đầu thập niên 1990 và 2000. Tuy nhiên, bất chấp những tiến bộ đã đạt được, nhiều chuyên gia vẫn tỏ ra nghi ngờ về năng lực của quân đội Nga.
Chuyên gia quân sự Nga kiêm Phó Tổng biên tập tờ YezhednevnyZhurnal, ông Alexander Goltz nhận định Tổng thống Vladimir Putin đang cố gắng tiếp cận "mọi công tác" nhằm giúp mở rộng năng lực sản xuất vũ khí của quốc gia này.
"Mục tiêu của quân đội Nga không chỉ là cho ra đời các mẫu súng trường Kalashnikov mới mà còn cả những loại vũ khí phục vụ tham vọng hạt nhân của Tổng thống Putin", chuyên gia Golts nói.
Tuy nhiên, theo ông Golts, "Nga muốn sản xuất dàn trải tất cả hệ thống quân sự từ những loại súng cỡ nhỏ cho tới tên lửa Topol. Điều đó đồng nghĩa với việc không một chương trình quân sự nào của Nga được hỗ trợ đầy đủ về nguồn tài chính".
Nhận định của ông Golts được đưa ra trong bối cảnh, quân đội Nga đang phải tiếp tục nỗ lực giảm thiểu tác động tiêu cực từ các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu liên quan tới những cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine. Nhưng thực tế, rất ít bằng chứng cho thấy lệnh trừng phạt của phương Tây có thể khiến Nga giảm bớt quyết tâm trên con đường hiện đại hóa quân sự.
"Bất chấp giá dầu giảm, đồng rúp rớt giá và cả lệnh trừng phạt, hiện đại hóa quân sự vẫn là ưu tiên chiến lược hàng đầu của Nga", Tướng Thủy quân Lục chiến Mỹ, ông Vincent Stewart nhận định.
"Tôi cho rằng trong thời gian ngắn tới, không một tác động nào từ lệnh trừng phạt hay nền kinh tế có thể làm thay đổi tham vọng xây dựng các lực lượng chiến lược hùng mạnh của Nga, nhằm đối phó với những nỗ lực trên toàn cầu của chúng ta", Tướng Stewart nói thêm.
Còn theo giới chuyên gia, cam kết hiện đại hóa quân sự của chính phủ Nga là bằng chứng rõ nhất về việc Moscow sẵn sàng chi một khoản tiền lớn. Nhưng điều đó không có nghĩa là các lệnh trừng phạt và sự cô lập của thế giới không tác động tới tham vọng quân sự của Nga, theo chuyên gia quốc phòng Colby Howard.
Điển hình, hồi năm ngoái, Pháp đã từ chối chuyển cho Hải quân Nga hai chiếc tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral. Ngay cả, những hợp đồng quân sự quy mô nhỏ hơn với phương Tây của Nga cũng bị hủy bỏ hoặc trì hoãn.
Những dự án này bao gồm việc cung cấp các động cơ diesel cho ngành đóng tàu Nga do công ty MTU Friedrichshafen GmbH của Đức đảm nhận hay tổ hợp huấn luyện bộ binh trị giá 100 triệu USD được một công ty khác của Đức là Rheinmetall chịu trách nhiệm thi công.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ The Washington Post, nhật báo lớn nhất và là lâu đời nhất tại Washington D.C, Mỹ. Bên cạnh những tờ báo lớn khác như The New York Times, The Wall Street Journal và Los Angeles Times, The Washington Post thường đăng tải các phóng sự về Nhà Trắng, Quốc hội và những khía cạnh khác của chính phủ Mỹ.
Theo Infonet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo