Những ngày này, người dân trồng kiệu đang bước vào mùa thu hoạch rộ để phục vụ Tết. Vụ kiệu Tết năm nay, tâm trạng người trồng kiệu buồn vui xen lẫn lo âu.
Sáng sớm, khi những giọt sương sa còn vương trên lá, bà con nông dân ở thôn Long Yên, xã Bình Long (Bình Sơn)- một trong những vùng trồng kiệu lớn nhất tỉnh đã ra đồng thu hoạch kiệu để kịp chiều giặt rửa bán tho thương lái. Đâu đâu cũng thấy người thu hoạch kiệu, giặt kiệu, cân kiệu. Những chiếc xe chở kiệu nặng trĩu nối đuôi nhau chạy trên khắp đường quê, ngõ xóm.
Cái nắng chang chang đến khó chịu của những ngày cuối năm không ngăn nổi nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt của nông dân hiền hậu Nguyễn Quang đang rửa kiệu dưới dòng kênh Thạch Nham.
Theo lão nông Nguyễn Quang, năm nay đầu mùa kiệu được giá, nhưng lại mất mùa. Thông thường thời tiết thuận lợi, kiệu có thể cho 1-1,2 tấn/sào, còn năm ngoái mất mùa nhưng một sào cũng được hơn 800 kg. Năm nay nhà nào giỏi lắm cũng chỉ thu được 600-700 kg/sào.
“Như gia đình tôi năm nay trồng 4 sào kiệu, đã thu hoạch 1 sào, năng suất đạt 650 kg/sào, nếu giá ổn định ở mức 10 nghìn đồng/kg, trừ chi phí kiếm được 18 triệu đồng. Bấy nhiêu với nhà nông là quý lắm rồi chứ trồng lúa mấy năm cũng chẳng bì được. Dù mất hay đặng thì đó cũng là khoản thu nhập giúp người nông dân đỡ bớt gánh lo trang trải Tết”- anh Quang cho hay.
Lý giải về sự mất mùa, người trồng kiệu cho biết thời tiết thích hợp nhất để cây kiệu phát triển cho củ nhiều no tròn thì mưa nắng phải đan xen. Khác với năm trước, mưa lũ cuối năm khiến kiệu ngập úng thối gốc, bủn rễ còn năm nay, kiệu vừa xuống giống gặp nắng nóng kéo dài rồi mưa triền miên nên kiệu bị điếc, còi cọc, kém phát triển.
Đều đặn xách từng bó kiệu gội rửa xuống dòng kênh Thạch Nham, bà Nguyễn Thị Mai lật dở từng bụi kiệu nói: “Có năm thời tiết thuận lợi một bụi phải đến 10 củ no tròn, năm nay có 5 củ. Một sào mà chỉ thu có 500 kg, nhưng bù lại năm nay kiệu vào mùa sớm, giá đầu mùa cũng nhích hơn so với năm ngoái nên bà con cũng vui, hy vọng được giá”.
Để có những củ kiệu cho thu hoạch phục vụ Tết, người trồng kiệu phải xuống giống từ tháng 7 âm lịch. Theo nhẩm tính, mỗi sào kiệu nông dân xuống 30kg giống hết 1,5 triệu đồng cộng với chi phí phân, thuốc trừ sâu, dưỡng lá cũng ngót 2 triệu đồng.
Nói như nông dân Trần Thị Mai- một người trồng kiệu ở thôn Hà Nhai Bắc, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh), nếu với giá 10.000 đồng/kg kiệu lá và 20.000 đồng/kg kiệu củ thì nông dân trừ chi phí sẽ kiếm được từ 3 đến 4,5 triệu đồng/sào. Nhưng giá cả thị trường là điều mà bà con nông dân không thể nào lường trước được nên họ đang lo từ giữa đến cuối vụ sẽ rớt giá. Nhiều năm có lúc kiệu chỉ còn 5.000 đồng/kg. Với giá đó chỉ huề vốn còn lỗ công chăm bón.
Một nỗi lo mà nông dân đang phải đối mặt nữa đó là thời tiết những ngày này nắng gắt, điều tối kỵ nhất với cây kiệu vì như thế kiệu sẽ rụi lá rất nhanh, đồng nghĩa với việc bà con phải tranh thủ bán sớm, nhưng thu hoạch đồng loạt cả mấy trăm tấn thì biết bán cho ai.
Kiệu là món ăn kèm không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết của người Việt khi xuân về. Những ngày trước Tết, các mẹ, các chị thường tranh thủ mua củ kiệu tươi về để muối thành dưa ăn trong những ngày Tết. Vì thế, người trồng kiệu đang hy vọng, những ngày tới khi thị trường Tết nóng lên, cùng với nhiều mặt hàng, giá kiệu cũng nhích lên thì nông dân cũng được an ủi phần nào vì mất mùa nhưng được giá.
Theo Người Lao động