Chứng khoán

Lỗ hàng trăm triệu đồng một tuần vì giải chấp cổ phiếu dầu khí

Ký quỹ để gom hàng rẻ, nhiều nhà đầu tư đã sạch túi khi cổ phiếu dầu khí lao dốc tuần qua, do tác động của cú sốc giá dầu thế giới và động thái giải chấp của các công ty chứng khoán.

Chị Mỹ Hoa, một nhà đầu tư chứng khoán tại TP HCM, chia sẻ chỉ riêng trong phiên 11/12, tài khoản chứng khoán đã mất hơn 200 triệu đồng. Công ty môi giới đã giải chấp số lượng lớn cổ phiếu PVB ở giá sàn, dù chị đã bán một phần ký quỹ của cổ phiếu này trước đó để cân bằng tài khoản.

 
Phiên giao dịch giữa tuần, cổ phiếu PVB rớt hết biên độ và là phiên thứ sáu liên tiếp mã này chạm đáy. Diễn biến này khiến nhà đầu tư sử dụng tối đa số tiền ký quỹ trước đó bị buộc phải giải chấp. "Nếu tính trong cả tuần, tôi mất hơn 400 triệu đồng vì lý do tương tự với cổ phiếu PVT, PVE và GAS. Thiệt hại nặng nhất là ngày 11/12, rơi vào mã PVB. Đầu năm kiếm được bao nhiêu thì tháng cuối năm mất cũng ngần đó", chị Hoa than thở.
 
Tương tự, trong 4 phiên liên tiếp tuần vừa qua, anh Hà Nam bị giải chấp hàng loạt các mã dầu khí trên sàn Hà Nội: PVC, PVS, PVE, PGS, lỗ hơn 300 triệu đồng. Thường ngày hạn chế dùng margin, nhưng trong phiên 8-9/12, do cổ phiếu dầu khí ồ ạt giảm sâu, thấy giá hời nhà đầu tư này đã mạnh tay ký quỹ gom hàng. "Nào ngờ bắt đáy này lại va phải đáy khác sâu hơn, tôi đành phải bán đuổi khi cổ phiếu dầu khí trượt dài phiên 11/12, thua lỗ chỉ trong gang tấc", anh Nam xuýt xoa.
 
Tình cảnh của bà Hải Triều, một nhà đầu tư chinh chiến tại sàn TP HCM từ năm 2008 đến nay, cũng cười ra nước mắt vì bị giải chấp hai đợt. Phiên ngày 9/12 dù bà Triều đã chủ động bán trước một phần cổ phiếu PVD và GAS. Thế nhưng đến 11/12 thì chính công ty chứng khoán thông báo cho bà họ buộc phải bán sàn để thu tiền về. "Tôi ký quỹ với tỷ trọng vay 40% so với vốn đầu tư nên khi giải chấp xót vô cùng. Chỉ trong 3 hôm tiền cứ lần lượt bốc hơi, bay mất 500 triệu đồng. Những ngày cuối năm quá ảm đạm", bà Triều thổ lộ.
 
Theo thống kê của VnExpress, cổ phiếu dầu khí chính là những mã có tỷ lệ sụt giảm mạnh nhất trong tuần vừa qua. Cụ thể, chốt phiên giao dịch ngày 12/12 các mã PXS, PVD, GAS (sàn TP HCM) lần lượt rớt giá 14,39-17,92% so với tuần trước đó. Trong khi tại sàn Hà Nội, PGS, PVE, PVS, PVC, PVB đóng cửa ngày 12/12 lần lượt có tỷ lệ giảm 16,8-25% so với phiên ngày 5/12. Chính vì cổ phiếu dầu khí thuộc nhóm chủ chốt lại đột ngột bị bán sàn nhiều phiên liền khiến cho nhà đầu tư giao dịch ký quỹ những mã này đã rơi vào tình trạng call margin (giải chấp).
 
 Nhiều nhà đầu tư bị giải chấp cổ phiếu dầu khí trong các phiên ngày 8/11/12. Ảnh: A.Q
 
Trưởng phòng đầu tư một công ty chứng khoán tại quận I, TP HCM tiết lộ, nhiều  nhà đầu tư giao quyền cho môi giới mua bán cổ phiếu theo hợp đồng ủy thác đã rơi vào tình trạng âm tài khoản trong tuần chứng khoán trượt dài vừa qua. Hầu như các vụ thua lỗ này đều ít nhiều có liên quan đến cổ phiếu dầu khí.
 
Theo vị này, mức giảm của hầu hết các mã dầu khí trên cả hai sàn trong tuần qua vào khoảng 15-25%, và giảm trung bình 40-50% so với đỉnh đầu năm, đây là tỷ lệ mất giá rất mạnh, cộng thêm tâm lý phòng thủ bao trùm hị trường vì vậy tình trạng giải chấp diễn ra ồ ạt.
 
Chuyên viên phân tích cao cấp Công ty chứng khoán Bản Việt, Nguyễn Thế Minh xác nhận tình trạng giải chấp cổ phiếu dầu khí diễn ra rất mạnh mẽ trong tuần qua. Đây là phản ứng cần thiết để cắt lỗ cho bản thân nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính (giao dịch ký quỹ) cũng như là hình thức phòng thủ an toàn, quản lý rủi ro của các công ty chứng khoán.
 
Ông Minh phân tích, trong điều kiện bình thường chỉ có 2 nguyên nhân dẫn đến giải chấp. Một là giá cổ phiếu lao dốc không phanh, nhà đầu tư dùng margin bị âm vốn, phải bán rẻ cổ phiếu để cắt lỗ. Hai là bản thân công ty chứng khoán bị hụt tiền cho vay margin, họ cũng xả hàng để thu tiền về. Diễn biến 5 phiên vừa qua rơi vào trường hợp thứ nhất, bắt nguồn từ cổ phiếu dầu khí sa sút ở biên độ lớn và dai dẳng. Tuy nhiên, trên thực tế, cổ phiếu ngành nhiên liệu này bị giải chấp đã khiến những mã ngành khác như tài nguyên, thực phẩm, chứng khoán cũng bị ảnh hưởng lây.
 
Theo ông Minh, margin không phải công cụ hoàn hảo mà là con dao hai lưỡi. Khi thị trường đi lên, đòn bẩy tài chính có thể giúp nhà đầu tư lãi nhiều hơn số vốn hiện có thì lúc chứng khoán đi xuống vay ký quỹ có thể đánh gục nhà đầu tư khi áp lực giải chấp quá mạnh.
 
Chiến lược hợp lý, theo đó là nhà đầu tư không nên quá lạm dụng margin. Dù môi giới có nhiều tỷ lệ cho vay (chiếm 30-70% vốn) đối với từng loại cổ phiếu và từng nhóm nhà đầu tư lớn, trung bình, nhỏ nhưng chỉ nên vay mức thấp nhất. Đồng thời, trong quá trình mua bán cổ phiếu, nhà đầu tư phải đặt ra một ngưỡng giới hạn khắt khe và kiên quyết không vượt rào dù bất cứ tình huống nào.
 
Chuyên gia này ví dụ: khi thị trường vượt ngượt ngưỡng kháng cự (giá cổ phiếu trên đà tăng) thì không nên dùng margin hay chưa xác định ngưỡng hỗ trợ (giá cổ phiếu trên đà giảm) vững chắc thì hạn chế mua vào... "Hãy nhớ các câu thần chú: tỉnh táo với margin, giữ tiền trước, kiếm tiền sau bất kể thị trường lên hay xuống có thể giúp nhà đầu tư phòng tránh được cơn ác mộng giải chấp cổ phiếu ngoài ý muốn", ông Minh khuyên.
Theo Vnexpress
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo