Lỗ hổng an toàn thực phẩm
Kiểm tra kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”
Theo số liệu thống kê từ Bộ Công thương, hiện cả nước đang có khoảng 8.500 chợ. Thế nhưng có một thực tế phải thừa nhận là để quản lý hàng hóa tại chợ, dù có khá nhiều lực lượng tham gia như quản lý thị trường, kiểm dịch thực vật, kiểm dịch động vật, các ban quản lý chợ, cơ quan thuế, chính quyền địa phương… Nhưng trên thực tế thì việc kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ hầu như vẫn còn bỏ ngỏ.
Câu trả lời của các cơ quan có trách nhiệm thường đưa ra là: do lực lượng mỏng, kiểm soát không xuể. Điều khó chấp nhận là, để hạn chế nguy cơ mất an toàn thực phẩm từ các chợ nội địa, từ nhiều năm qua chúng ta đã cho ra đời nhiều quy định, hướng dẫn - trong đó đã có những văn bản tương đối chi tiết, cụ thể. Chẳng hạn như quy định việc cấm giết mổ gia súc, gia cầm sống tại các chợ (có hiệu lực hơn 4 năm nay). Tuy nhiên, quy định ban hành chỉ là cái cớ để cơ quan chức năng kiểm tra rồi xử phạt tiền, sau đó đâu lại vào đấy.
Bằng chứng là hiện nay, từ chợ lớn đến chợ nhỏ đều có bán gia cầm sống và người bán sẵn sàng giết mổ tại chỗ cho khách hàng theo yêu cầu. Ngay tại hai đô thị lớn là Hà Nội và TPHCM cũng thường xuyên xảy ra tình trạng như thế.
Mới đây, Đội QLTT số 5 (Chi cục QLTT Hà Nội) đã kiểm tra khu vực chợ Nguyễn Công Trứ, phát hiện hàng loạt quầy hàng bày bán và giết mổ gà vịt một cách công khai tại chợ. Thoáng thấy sự xuất hiện của lực lượng QLTT, các tiểu thương lập tức đóng sập quầy hàng, tẩu tán gà vịt để đối phó.
Trước đó chỉ 3-4 tháng, cũng chính lực lượng QLTT đã vào kiểm tra, xử phạt nhưng sau đó lại đâu vào đấy. Lý do phải cấm giết mổ, buôn bán gia cầm sống tại các chợ dân sinh, theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) là để ngăn chặn, kiểm soát nguy cơ lây lan dịch bệnh nguy hiểm, như dịch cúm gia cầm.
Vậy tại sao ở các chợ vẫn để xảy ra tình trạng coi thường pháp luật, quy định như vậy? Lý do chính là các cơ quan chức năng đã không làm tròn trách nhiệm của mình. Một mặt thì có quá nhiều cơ quan tham gia quản lý, nhưng lại không quy được trách nhiệm thuộc cơ quan nào đối với yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm tại chợ. Trong khi đó, hàng tuần, hàng tháng đều có các cuộc kiểm tra đối với hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng thông thường các cơ quan chỉ kiểm tra kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, thu thập mẫu về để phân tích nhưng chỉ thực hiện theo kiểu “ứng phó”- nghĩa là khi có sự cố, dư luận xôn xao mới làm.
Hầu như tại các chợ lớn ở Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM đều có cán bộ thú y chịu trách nhiệm giám sát. Tuy nhiên thú y lại cho rằng rất khó khăn vì không có chức năng xử phạt khi phát hiện hàng không đảm bảo. Thông thường, quyền xử phạt thuộc về chính quyền sở tại. Do đó, mỗi khi phát hiện vi phạm thì phải báo chính quyền, lực lượng QLTT để phối hợp. Do không chủ động được nên đã xảy ra tình trạng “cha chung không ai khóc”.
Hợp pháp hóa thực phẩm không rõ nguồn gốc?
Hiện nay, không chỉ có các mặt hàng thực phẩm tươi sống gia súc, gia cầm như: thịt bò, lạc đà, chim cút, bồ câu… mà cả các sản phẩm như mì chính, bột mì, nước tương, xúc xích, hàng tạp hóa… tại các chợ cũng có nhiều loại được nhập lậu về, nguồn gốc không rõ ràng. Tuy nhiên, sau khi đưa về các chợ thì gần như được hợp thức hóa, việc kiểm tra cực kỳ khó khăn.
Theo ông Đỗ Thanh Lam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), quy định hiện nay thì hàng hóa đưa vào chợ truyền thống, đặc biệt là các hàng hóa tươi sống bán đến tay người tiêu dùng ngay, không bắt buộc phải ghi nhãn hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ. Ngay cả hàng hóa nhập chính ngạch đưa vào chợ bán lẻ cũng không cần trình các giấy tờ này. Quy định như vậy đồng nghĩa với việc, cứ đưa hàng được vào chợ bán lẻ là coi như hợp thức hóa được nguồn gốc, xuất xứ. Nếu cơ quan chức năng có tổ chức kiểm tra tại chợ cũng không thể xử lý được.
Do đó, để kiểm soát nguồn hàng vào chợ, chỉ có cách giám sát ở đầu nguồn như chợ đầu mối hoặc các cơ sở bán buôn. Nhưng điều đáng nói ở chỗ, nguồn hàng vào chợ phong phú, không ai có thể kiểm soát hết được. “Với đặc điểm thị trường của chúng ta hiện nay, không lực lượng nào rải ra để giám sát hết được, đặc biệt chúng ta chưa có nền sản xuất tập trung.
Một người dân trồng rau, nuôi gà, không ai ngăn cản được họ mang ra chợ bán. Nguồn gốc, xuất xứ của thực phẩm bán tại chợ đã không kiểm soát được chặt thì vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm lại càng khó khăn”- ông Lam nói. Theo ông, giải pháp căn cơ là chúng ta phải quy hoạch để có được một nền sản xuất tốt, cụ thể là về mặt hàng thực phẩm thì phải áp dụng cơ chế truy xuất nguồn gốc, chứng nhận xuất xứ rõ ràng để khi vào chợ, cơ quan chức năng có thể dễ dàng phân biệt được hàng nào đảm bảo, hàng nào là lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Đồng thời, bản thân người tiêu dùng cũng dễ dàng phân biệt chủng loại, chất lượng hàng hóa để “nói không” với hàng không đảm bảo về nguồn gốc và an toàn vệ sinh thực phẩm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại chính sách đặc biệt tại WEF Davos
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân