Lỗ hổng quản tài sản công nhìn từ "tàu thủng" Vinalines
Trong vụ án tham nhũng tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vừa được xét xử, có thể thấy, chỉ bằng vài thủ thuật đơn giản, hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước đã không cánh mà bay.
Những lỗ hổng Vinalines
Những bản án nghiêm khắc đã được tuyên cho các bị cáo trong vụ án tham nhũng tại Vinalines, song vấn đề cần bàn tới lúc này là lỗ hổng trong cơ chế quản lý đối với Vinalines nói riêng và khối doanh nghiệp nhà nước nói chung.
Trước tiên có thể thấy, mặc dù trách nhiệm người đứng đầu đã được luật hóa tại nhiều quy định của pháp luật, nhưng do cơ chế “chịu trách nhiệm tập thể” đã ăn sâu vào tư duy của không ít lãnh đạo, nên tại phiên tòa, các bị cáo đảm nhận các chức vụ chủ chốt của Vinalines (Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc) đều giống nhau ở chỗ đổ lỗi cho cấp dưới làm sai và chỉ là đại diện để ký các quyết định.
Tuy nhiên, không thể chối bỏ một sự thật rằng, bằng chức vụ và quyền hạn của mình, Dương Chí Dũng đã ký nhiều quyết định như lập Ban quản lý Dự án nhà máy sửa chữa tàu biển, phê duyệt mua ụ nổi 83M, điều chỉnh tổng mức đầu tư mua ụ nổi từ 14,5 triệu USD lên 19,5 triệu USD…
Đồng thời đưa ra hàng loạt chỉ đạo cho bộ sậu dưới quyền hóa phép biến cục sắt rỉ thành ụ nổi và mua giá trên trời, gây thiệt hại cho Nhà nước 336 tỷ đồng, qua đó tham ô 28 tỷ đồng.
Dương Chí Dũng cũng cho rằng, mình “thiếu hiểu biết các quy định” và tin tưởng cấp dưới nên “nhắm mắt ký bừa”. Nhưng là người có hàng chục năm quản lý trong ngành giao thông và giữ nhiều vị trí quan trọng trong doanh nghiệp nhà nước, Dương Chí Dũng không thể không biết và thậm chí còn rành rẽ hơn ai hết các quy trình, quy định để lợi dụng các kẽ hở trong quản lý kinh tế nhằm tham ô tài sản nhà nước.
Lỗ hổng trong quản lý tài sản nhà nước, đặc biệt trong chính sách kiểm tra, giám sát mua sắm tài sản công đã lộ rõ qua vụ án tại Vinalines.
Cơ chế trao quyền quyết định, phê duyệt, thủ tục mua tài sản nhà nước quá dễ dàng khiến bộ sậu này có thể biến đống sắt vụn đắp chiếu thành ụ nổi đắt giá. Với phương thức thực hiện đơn giản như vậy, có thể thấy, tình trạng lợi dụng vốn nhà nước “gửi giá”, “nhận hoa hồng” qua việc mua sắm tài sản công, thực hiện dự án, có thể đã và đang âm thầm diễn ra ở không ít tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước. Chỉ có điều, những con sâu này chưa bị lộ diện mà thôi.
Lỗ hổng trong quản lý kinh tế gây thiệt hại cho Nhà nước chính là hậu quả của việc ưu đãi, yêu chiều các “con cưng” là các doanh nghiệp nhà nước. Và nhờ các cơ chế thoáng cùng với bầu sữa ngân sách dồi dào, các con sâu tại doanh nghiệp nhà nước tha hồ đục khoét.
Lỗ hổng trong quản lý kinh tế nêu trên lớn tới mức, đống sắt rỉ vẫn trở thành một món tài sản đắt tiền sau khi đã qua hàng loạt cơ quan kiểm tra, giám định, thẩm tra với hàng trăm chữ ký xác nhận.
Lổ hổng trong quản lý cán bộ cũng lớn tới mức, Dương Chí Dũng từ một người thiếu năng lực khi còn tại vị chức Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng đường thủy (Vinawaco) liên tục khiến đơn vị này thua lỗ hàng trăm tỷ đồng, nhưng vẫn được cất nhắc lên làm Chủ tịch HĐQT Vinalines. Ngay cả việc Dương Chí Dũng lộ ra nhiều thu nhập bất thường, ngang nhiên mua sắm tài sản đắt giá cho bồ nhí cũng chỉ bị phát hiện khi cơ quan điều tra vào cuộc.
Câu hỏi về năng lực lấp lỗ hổng
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về những lỗ hổng trong giám sát doanh nghiệp nhà nước ngay sau khi tòa tuyên án tử hình với 2 bị cáo trong vụ án Vinalines, luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam khẳng định, vấn đề phải đặt ra một cách nghiêm túc là, không phải còn lỗ hổng gì, mà là khả năng và khỏa lấp những lỗ hổng đã được chỉ ra.
Đặc biệt, trách nhiệm và quyền hạn của chủ sở hữu nhà nước trong kiểm soát, giám sát, đánh giá, cũng như cảnh báo hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước thêm một lần nữa được nhắc tới.
Cần phải khẳng định, giám sát và đánh giá là quyền quan trọng trong tổng thể các quyền của chủ sở hữu nhà nước. Tuy nhiên, hiệu lực và hiệu quả của quyền này phụ thuộc rất lớn vào việc thực hiện các quyền có liên quan.
Nói cách khác, tính toàn vẹn và tập trung các quyền chủ sở hữu ảnh hưởng đến hiệu quả của quyền giám sát, đánh giá. Trong khi đó, đối với doanh nghiệp nhà nước, ông Huỳnh phân tích, việc thực hiện các quyền chủ sở hữu đang phân tán ở các đơn vị, cơ quan quản lý khác nhau, nhất là trong các quyết định liên quan đến đầu tư, tổ chức kinh doanh, đến lựa chọn cán bộ quản lý và tuyển dụng nhân công, tiền lương - tiền thưởng…
Trong khi đó, trong phương thức kiểm tra, giám sát của chủ sở hữu nhà nước, báo cáo hành chính là một trong những công cụ chính, thường xuyên để chủ sở hữu nhà nước thực hiện giám sát kiểm tra. Nếu dòng thông tin, báo cáo về các vấn đề này chỉ thuần túy dựa trên báo cáo, đánh giá của doanh nghiệp, thiếu nguồn thông tin giám sát độc lập, kiểm chứng từ bên thứ ba, hay dòng thông tin này bị phân tán bởi các đầu mối khác nhau, không đảm bảo tính cập nhật, thường xuyên và tính lịch sử, thì việc phát hiện sự bất thường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sẽ rất khó thực hiện.
Khi đó, đại diện chủ sở hữu nhà nước sẽ rất khó cảnh báo hoặc có động thái can thiệp kịp thời để phòng tránh các rủi ro có thể xảy ra.
Thêm vào đó, theo ông Huỳnh, vấn đề quan trọng nhất là các tiêu chí, căn cứ để giám sát, đánh giá. “Nếu không có căn cứ, tiêu giám sát đầy đủ và rõ ràng, phù hợp với từng doanh nghiệp, thì kết quả giám sát sẽ không đạt như ý”, ông Huỳnh nói.
Trong một nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương về hoạt động doanh nghiệp, chỉ khoảng 36,8% tập đoàn, tổng công ty nhà nước cho rằng, đã có các căn cứ rõ ràng, đầy đủ giám sát việc bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của bộ máy quản lý, điều hành. Một con số ít hơn, khoảng 10,5% cho rằng, đủ để giám sát các giao dịch kinh doanh “nội gián” hoặc giao dịch cần có giám sát…
Tại phiên tòa xét xử các cựu lãnh đạo Vinalines, bộ chủ quản là Bộ Giao thông - Vận tải vẫn khẳng định làm đúng nguyên tắc, đúng thẩm quyền, trình tự về công tác cán bộ. Nhưng Hội đồng Xét xử vẫn cho rằng, trong một thời gian dài, Bộ Giao thông -Vận tải không cập nhật, không kiểm tra, giám sát để Vinalines triển khai dự án xảy ra nhiều sai phạm, gây thiệt hại rất lớn, đó là trách nhiệm của Bộ Giao thông - Vận tải.
Hội đồng Xét xử đề nghị, Bộ Giao thông - Vận tải cần nghiêm túc kiểm điểm, có biện pháp xử lý đối với các cán bộ có liên quan. Đối với Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, cần chấn chỉnh công tác kiểm tra giám sát.
Báo Đầu Tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo