Tin tức - Sự kiện

Lo ngại virus cúm gia cầm biến chủng lây sang người

Sự biến đổi virus H5N1 ở gia cầm trong khi chưa có vắc-xin phòng bệnh đang làm tăng nguy cơ virus biến chủng lây từ người sang người

Chiều 7-2, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng dịch cúm ở người đã họp bàn đối phó với tình trạng cúm A/H5N1 xuất hiện trở lại. TS Trần Thanh Dương, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới: Từ đầu năm 2012 đến nay, thế giới ghi nhận 6 trường hợp mắc cúm A/H5N1, trong đó có 5 trường hợp tử vong tại Campuchia, Trung Quốc, Ai Cập, Indonesia và Việt Nam.

 

Tại Việt Nam, 2 trường hợp mắc và tử vong do virus cúm A/H5N1 là một thanh niên 18 tuổi làm nghề chăn vịt ở Kiên Giang và sản phụ 26 tuổi ở Sóc Trăng đang mang thai 36 tuần, trước đó có tiếp xúc gia cầm bệnh.
 
Theo ông Dương, trong quá trình điều trị tích cực, sản phụ được chỉ định mổ lấy thai. Con gái sản phụ nặng 2,3 kg, ra đời trước khi người mẹ tử vong một ngày và cũng được chẩn đoán viêm phổi do nhiễm trùng ối/nghi nhiễm cúm A/H5N1, phải thở máy. Sau khi được chăm sóc và điều trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu, hiện sức khỏe cháu bé đang hồi phục tốt.
 

Đánh giá về hai trường hợp tử vong do nhiễm cúm A/H5N1, bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), lo ngại sau gần 2 năm Việt Nam không có ca mắc cúm A/H5N1 nên có thể mọi người lơ là. Cả hai ca tử vong nói trên đều được chẩn đoán và điều trị đặc hiệu cúm khi đã ở giai đoạn muộn, diễn biến nhanh nên dẫn đến tử vong.

 

Bác sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Các bệnh nhiệt đới quốc gia, cho rằng việc phát hiện bệnh sau 3-4 ngày mới nghi ngờ bệnh nhân nhiễm cúm A/H5N1 khiến việc điều trị rất khó có kết quả tốt. Do đó, các cơ sở y tế cần liên tục cập nhật công tác chẩn đoán, điều trị cúm.

 

PGS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, nhận định: Nguồn gốc các ca bệnh cúm vẫn bắt nguồn từ gia cầm. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là virus cúm trên gia cầm đã có sự biến đổi. Bộ NT-PTNT đã phát hiện sự phân nhánh virus 2.3.2 thành 2 nhóm.
 
Với nhóm cũ, vắc-xin cúm tiêm cho gia cầm chỉ đáp ứng 75%, trong khi với nhóm mới, vắc-xin hiện không có tác dụng, do đó nguy cơ lây lan trong gia cầm và sang người là rất lớn. Ngoài ra, tiến hành xét nghiệm trên các đàn thủy cầm đang nuôi, bán tại nhiều nơi tuy không có biểu hiện bệnh nhưng vẫn mang virus H5N1. “Sự biến đổi virus H5N1 ở gia cầm trong khi chưa có vắc-xin phòng bệnh đang làm tăng nguy cơ virus biến chủng lây từ người sang người”- ông Hiển lo ngại.
 

Tổ chức Y tế Thế giới tiếp tục cảnh báo khả năng kết hợp giữa cúm A/H1N1 đại dịch và cúm H5N1 trên người là rất cao, do đó cần giám sát chặt chẽ trên cả gia cầm và người. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng khuyến cáo người dân tuyệt đối không giết mổ gia cầm bị bệnh, không ăn tiết canh, thịt gia cầm chưa nấu chín.

Theo NGỌC DUNG (NLĐ)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo