Lỗ to, DN thép, thủy sản nhảy sang...lúa gạo?
Lợi nhuận của ngành chính giảm sút mạnh khiến nhiều doanh nghiệp thép, thủy sản chưa có nhiều kinh nghiệm về nông nghiệp chuyển sang làm lúa gạo.
Doanh nghiệp thép, thủy sản nhảy sang lúa gạo
Là trường hợp của doanh nghiệp thuỷ sản Vĩnh Hoàn đã tham gia làm gạo cách đây hai năm. Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn cho biết, từ năm 2012, biên lợi nhuận của Vĩnh Hoàn là 5,8% và tỷ lệ này giảm xuống còn 3% vào năm ngoái. Do vậy, công ty bắt đầu tìm kiếm lợi nhuận từ những ngành khác, trong đó có việc đầu tư vào lúa gạo.
Hiện nay, Vĩnh Hoàn tập trung đầu tư gạo thơm và gạo đồ, hai loại gạo đang có tiềm năng lớn và giá cao. Gạo thơm đang được thị trường Trung Quốc, Hong Kong ưa chuộng. Bà Khanh cũng vừa có chuyến khảo sát thị trường Trung Quốc trở về và cho biết đã ký hợp đồng với một chuỗi nhà hàng lẩu tại Trung Quốc.
Ông chủ Huỳnh Cẩm của công ty Thép Cẩm Nguyên, với hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành thép lý giải quyết định đầu tư làm nông nghiệp: “Thời gian làm sắt thép, tôi đi rất nhiều nước và trong lúc ăn cơm với bạn bè, khách hàng, nhiều người hay bình luận gạo này ngon, gạo kia không ngon, rồi bảo tôi là nghe nói ở Việt Nam gạo ngon lắm sao ông không làm? Nghe rất nhiều lần và qua nhiều năm, tôi đã quyết định làm”.
Trong khi đó, một thực tế vẫn đang diễn ra là gạo liên tục giảm giá, các doanh nghiệp muốn bán gạo phải qua tay 2 Tổng công ty lương thực I và II. GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia về nông nghiệp đã từng chỉ thẳng: “Đáng ra các Tổng công ty lương thực phải nỗ lực tìm đầu ra cho gạo nhưng tiếc là họ chỉ lo ăn chặn, ăn bớt của nông dân”.
Còn TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN-PTNT) cũng từng thừa nhận: "Nếu nói họ (Tổng công ty lương thực I và II -PV) hoàn thành đúng chức năng hay chưa thì rất khó nói. Bởi vì để bán được hàng nhiều nhất thì vẫn phải qua hai tổng công ty này. Chỉ có điều nếu nói hai Tổng công ty này đã hỗ trợ được nông dân hay chưa thì đúng là chưa nhiều.
Nông nghiệp sống dở, chết dở, "trụ đỡ" lung lay...
Thời gian vừa qua đã có quá nhiều vấn đề trong nông nghiệp cần được giải quyết cấp bách khi tình trạng người nông dân bỏ ruộng, đầu tư cho nông nghiệp ngày càng giảm; việc quản lý chất lượng giống, phân bón nông nghiệp; vấn đề dịch bệnh... chưa được giải quyết.
Ở phía Bắc nhiều người trồng lúa đã tính toán: làm một sào lúa sau khi trừ hết chi phí mỗi tháng họ chỉ nhận được khoản lợi nhuận từ 50.000-80.000 đồng, tương đương với hai bát phở ở thành phố, họ đã viết đơn xin trả lại ruộng hoặc bỏ hoang.
Bà Nguyễn Thị Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã thẳng thắn chỉ ra rằng: người nông dân luôn bị thiệt thòi vì họ gần như không có tiếng nói với chính sản phẩm của mình.
"Cơ chế đẻ ra chỉ phục vụ cho các công ty thu mua. Rõ ràng phân tích chuỗi lúa gạo thấy miếng bánh dành cho trung gian thu mua, chế biến chiếm nhiều và rất không công bằng với người sản xuất. Cơ chế thu mua lúa gạo của nông dân với giá rẻ sau đó ghìm lại để bán với giá đắt là một cách làm “chộp giật”, trong khi người dân chẳng có quyền để bảo vệ sản phẩm của mình, chẳng có ai bảo vệ", bà Hòa nói.
Nhìn nhận về vấn đề phát triển nông nghiệp, tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2014 vừa qua, nhiều ý kiến cho biết, từ vị trí là trụ đỡ cho nền kinh tế, nông nghiệp Việt Nam đang chuyển dần sang trạng thái cần được tiếp sức.
Việt Nam đã có nhiều chính sách tốt để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, song theo nhìn nhận của TS. Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn thì việc sản lượng liên tục tăng lại tạo nên thừa cung. Và trong điều kiện cạnh tranh yếu của nền kinh tế thì thừa cung như vậy khiến “chính mình giẫm vào chân mình”.
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo