Tin tức - Sự kiện

Lộ trình “chiếm” Biển Đông của Trung Quốc

Trung Quốc đang thực hiện một chiến thuật gặm nhấm từng bước, dẫn đến “cái chết với nhiều lát cắt” và hiện đã đạt đến mức hết sức nguy hiểm.

Theo đánh giá của giới phân tích chính trị, Trung Quốc đang thực hiện “biến đá thành đảo” trên bãi đá Gạc Ma và một số đảo khác trên Biển Đông. Đây là một trong những hành động nằm trong chiến lược trên Biển Đông của Trung Quốc.

Chiến lược “Biển xanh”

Trung Quốc xác định rõ mục tiêu cần đạt được trong chiến lược Biển Đông đó là thiết lập lộ trình “chiếm đoạt” Biển Đông theo yêu sách “đường lưỡi bò” và thực hiện chiến lược này một cách chắc chắn, quyết đoán.

Chiến lược trên Biển Đông của Trung Quốc được giới phân tích gọi là “chiến lược biển xanh”. Theo chiến lược này, Trung Quốc đặt nhiệm vụ cho lực lượng hải quân: (1) Bảo đảm các con đường tiếp cận trên biển tới Đài Loan; (2) Tiến hành các chiến dịch ở phía Tây Thái Bình Dương để không có các lực lượng thù địch tự do hành động; (3) Bảo vệ các tuyến giao thông đường biển của Trung Quốc; (4) Chặn các tuyến giao thông đường biển của kẻ thù; (5) Duy trì sức mạnh trên thế giới, sẵn sàng tấn công đối phương.

Trung Quốc cho rằng, Biển Đông không chỉ dồi dào về nguồn lợi hải sản, năng lượng, mà đó còn là con đường duy nhất mà lực lượng tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc có thể đi ra Đại dương một cách an toàn.

Kế hoạch xây dựng đảo Phú Lâm của Trung Quốc trên Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Lợi ích của các bãi đá trong chiến lược Biển Đông Trung Quốc

Việc biến Gạc Ma thành căn cứ quân sự nổi sẽ giúp Trung Quốc nối dài cánh tay vươn ra Trường Sa bởi tại đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa, Trung Quốc đã xây xong đường băng và sau khi đắp đất tôn nền tại một số bãi đá khác sẽ tạo nên nhịp cầu để khống chế Biển Đông.

Theo Tiến sĩ Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới chính phủ, hoạt động “xây nhà trong sân nhà người ta” của Trung Quốc đã được thực hiện từ khá lâu, từ sau khi Trung Quốc đánh chiếm nhóm đảo phía Tây Bắc, quần đảo Trường Sa của vào năm 1958. Mục đích của Trung Quốc nhằm biến những bãi chìm, đảo đá này thành những đảo nổi, xây căn cứ quân sự phục vụ mưu đồ trên Biển Đông.

Sau khi xây dựng căn cứ nổi tại một số bãi đá chiếm đóng trái phép ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ mở rộng tầm hoạt động của không quân tại khu vực này, cơ sở để thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) như đã thực hiện ở biển Hoa Đông. Khi đó, tình hình tại khu vực này sẽ trở nên vô cùng phức tạp và nguy hiểm bởi Trung Quốc kiểm soát cả vùng trời và vùng biển với lực lượng áp đảo. Bởi sau khi thiết lập ADIZ cùng căn cứ không quân, hải quân ở Gạc Ma, Trung Quốc sẽ khắc phục được những điểm yếu khi thực hiện “âm mưu độc chiếm” Biển Đông.

Một trong những nguyên nhân khiến Trung Quốc thực hiện khá thuận lợi việc đắp đất tôn nền, biến đá thành đảo tại Gạc ma, Ga Ven, Chữ Thập, Tư Nghĩa, Si Bi và Châu Viên (nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam) là tận dụng triệt để kẽ hở của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS). Bắc Kinh đang muốn dư luận trong và ngoài khu vực coi Trung Quốc là cường quốc – phải tuân theo những nguyên tắc và luật pháp của Trung Quốc.

Sau khi Trung Quốc xây dựng trái phép căn cứ quân sự ở Gạc Ma, Chữ Thập và đưa radar ra khu vực này thì bán kính tác chiến của quân đội Trung Quốc ở khu vực Biển Đông sẽ được mở rộng. Cơ sở quân sự của Trung Quốc tại Gạc Ma sẽ có chức năng theo dõi hoạt động của hải quân Mỹ và các nước trong khu vực.

Hành động của Trung Quốc trên bãi đá Gạc Ma chứng tỏ Trung Quốc muốn hiện thực hóa giấc mơ “đường lưỡi bò” và mở rộng sự hiện diện quân sự tại quần đảo Trường Sa. Hành động của Trung Quốc chắc chắn sẽ khiến căng thẳng trên Biển Đông tiếp tục leo thang.

Hiện nay, chiến lược “tái cân bằng” của Mỹ ở Châu Á – Thái Bình Dương đang ở trong trạng thái “thiếu sinh khí”, trừ phi áp dụng những biện pháp thiết thực và có hiệu quả, nếu không đến năm 2025, Trung Quốc sẽ trở thành “ông trùm Châu Á – Thái Bình Dương”. Mỹ cũng cho rằng, sự trỗi dậy của Trung Quốc ở khu vực Tây Thái Bình Dương là một thách thức đối với hải quân Mỹ.

Theo Thông tấn xã Đài Loan (06.09.2014), Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Đài Loan, ông Lâm Trung Bân nhận định rằng, việc Trung Quốc cải tạo tại các đảo Gạc Ma, Gaven, Chữ Thập, Huy Gơ, Xu Bi và Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa là nước “cờ nguy hiểm”, với âm mưu tăng cường khả năng khống chế và kiểm soát toàn bộ Biển Đông. Nguy hiểm hơn nữa là các loại chiến đấu cơ đang trong biên chế Quân đội Trung Quốc hiện nay như J - 11 hay J - 16 có bán kính tác chiến khoảng 1500 km, nếu đặt căn cứ trên 6 đảo ở Trường Sa, sẽ khiến phạm vi tác chiến của Không quân Trung Quốc bao trùm toàn bộ Đông Nam Á.

Cũng theo ông Lâm Trung Bân, Trung Quốc có thể lắp đặt hệ thống radar và thiết bị nghe trộm tại các đảo trên, nhằm kiểm soát các hoạt động của Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia và Philippines. Ngoài ra, việc đảo hóa 6 bãi đá ở Trường Sa mà Trung Quốc đã và đang triển khai sẽ giúp Bắc Kinh tạo ra gần 10 “điểm cao chiến lược” ở Biển Đông.

Liên quan đến vấn đề trên, trang tin news.china.com (09/2014) đưa tin: Trước năm 2013, đảo Gạc Ma chỉ là một bãi đá nhỏ nhưng lại có vị trí chiến lược. Từ tháng 2/2014, Quân đội Trung Quốc đã sử dụng 03 tàu đổ bộ cỡ lớn cải trang thành tàu dân sự vận chuyển vật liệu và đất đến Gạc Ma và Huy Gơ để đắp nền xây dựng đảo nhân tạo. Phương thức đắp nền xây dựng đảo nhân tạo ở Trường Sa do Viện Quy hoạch công trình Hải quân Trung Quốc thiết kế.

Chiến thuật gặm nhấm…

Nhóm quan chức Mỹ như Trợ lý Tổng thống Mỹ Evan Medeiros, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ David Shear… đã tiết lộ thông tin: Từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đang đẩy mạnh san lấp mở rộng và xây dựng công trình trên các đảo chiếm đóng ở Trường Sa như Gạc Ma, Ga Ven, Châu Viên, Chữ Thập… Tốc độ và quy mô tương đối lớn. Và Mỹ ước tính, khối lượng san lấp và công trình Trung Quốc xây dựng trên các đảo này trong 9 tháng 2014 bằng cả phía Việt Nam và Philippines xây dựng trong 9 năm qua. Đồng thời, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh xây dựng các công trình quân sự và dân sự quy mô lớn ở đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa.

Trung tâm nghiên cứu chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS) tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Các xu thế gần đây tại Biển Đông và chính sách của Mỹ”. Các chuyên gia, học giả, giới chức Mỹ, Nhật Bản về các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông thời gian gần đây và sự can dự của Mỹ trong vấn đề này.

Các hành động leo thang căng thẳng của Trung Quốc trên Biển Đông thời gian gần đây nhằm thực hiện chiến thuật gặm nhấm từng bước, thay đổi thực trạng, nhưng vẫn đảm bảo “căng thẳng trong tầm kiểm soát”.

Trong bài phát biểu mở đầu cuộc Hội thảo, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Mike Rogers đã chỉ trích mạnh mẽ “những hành động gây hấn và trơ tráo của Trung Quốc”. Trung Quốc đang thực hiện một chiến thuật gặm nhấm từng bước, dẫn đến “cái chết với nhiều lát cắt” và hiện đã đạt đến mức hết sức nguy hiểm. Hành động của Trung Quốc là nhằm thay đổi hiện trạng trong khu vực, ‘từ bãi này sang bãi khác”, “từ đảo này sang đảo khác”.

Bên cạnh đó, Cựu phó Đô đốc Hải quân Nhật Bản Yoji Koda nhận định, sau khi mở rộng và xây dựng sân bay ở đảo Gạc Ma, Trung Quốc sẽ tiến hành tương tự tại bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, từ đó hoàn thiện hệ thống “các tàu sân bay không thể chìm” án ngự ở cả ba cực Tây, Nam và Đông của Biển Đông (hiện Trung Quốc đã có căn cứ và đường băng tại đảo Phú Lâm/quần đảo Hoàng Sa). Sau khi hoàn thiện, hệ thống này sẽ giúp Trung Quốc chiếm ưu thế về quân sự so với Mỹ, Nhật Bản và có thể phong tỏa hàng hải, lập và thực thi Vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông trong tương lai.

Đánh giá về các hành động gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông, ông Christophe Johnson – Chuyên gia về Trung Quốc của CSIS cho rằng, đây là chiến lược đã được tính toán kỹ lưỡng chứ không phải đơn thuần là những bước đi chiến thuật hay chỉ là phản ứng của Trung Quốc trước hành động của Mỹ và nước khác.

Theo ông Christopher Johnson, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đang muốn “chấn hưng Trung Hoa”, “xây dựng cường quốc biển” và là người sẵn sàng chấp nhận rủi ro cả về mặt đối nội và đối ngoại. Vì vậy, ông Tập Cận Bình muốn duy trì một mức độ căng thẳng nhất định trong khu vực và cả nội địa để đảm bảo đạt được các mục tiêu đã đề ra, kể cả trong chính sách đối ngoại và đối nội. Nhiều học giả nhận định, với bộ máy lãnh đạo quyết liệt, chủ nghĩa dân tộc tăng cao, cùng với sự vận động của các nhóm lợi ích chính là nguyên nhân thúc đẩy Trung Quốc hành xử một cách cứng rắn trên Biển Đông thời gian qua.

Theo Petrotimes
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo