Loại bỏ bóng ma lợi ích nhóm
Hai cản trở
Con người thường tham lam, nên đừng lý tưởng hóa con người. Không chỉ ở ta, các nước khác, cũng vậy thôi. Chỉ có điều nước nào đưa ra được cơ chế để khống chế được nó, nước đó sẽ thành công.
Còn với cơ chế như hiện nay ở ta, nếu không thay đổi, có tái cơ cấu gì cũng khó. Hai cái đang cản trở lớn nhất là: Cơ chế xin cho và ai cũng bâu vào quản lý doanh nghiệp. Cái này không thể tự nhiên mà bỏ được do người xin có lợi, người cho cũng có lợi.
Hồi tôi làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa, cũng muốn đổi mới, làm quyết liệt nhưng gặp rất nhiều khó khăn. Vì cơ chế xin-cho nó rất mạnh, đã di căn. Tôi xin anh 100 ngàn thì tôi sẽ cho lại anh 20 ngàn, thậm chí 30 ngàn. Về đến đối tượng thụ hưởng, có khi chỉ còn lại 50%. Lợi ích lớn vậy, làm sao chống?
Một doanh nghiệp Nhà nước hiện nay trên đầu có quá nhiều người quản lý. Nên khi có việc chạy chọt thì họ phải lấy tiền sân sau nuôi các quan hệ của sân trước, nếu không không quyết toán được. Khi đã làm sân sau thì phải rút ruột sân trước, mà như vậy sớm muộn gì doanh nghiệp cũng sẽ đổ. Con đường duy nhất để cứu doanh nghiệp nhà nước là chỉ có một bộ duy nhất quản lý doanh nghiệp. Đó là Bộ Luật doanh nghiệp.
Cái nữa là phải để doanh nghiệp hoàn toàn chủ động, nhà nước không quản lý, kể cả về nhân sự. Tại sao người ta muốn quản lý các tập đoàn? Là vì lợi ích mà thôi. Doanh nghiệp cũng thích được quản lý như vậy để dễ xin xỏ. Thế nên cơ chế không sửa trước thì tái cấu trúc chỉ là một cụm từ mỹ miều.
Cổ phần hóa doanh nghiệp là trí tuệ của loài người mà ai chống lại nó là đổ vỡ. Tư bản đã tìm mọi cách cưỡng lại nhưng rồi họ cũng chọn cổ phần hóa. Nhưng ở ta cổ phần hóa rất chậm, vì nhiều người không muốn cổ phần hóa để còn chi phối, hưởng lợi từ nó.
Tôi lấy ví dụ như ở VNPT, nếu cổ phần hóa MobiFone xong thì sẽ bị giảm mất 40% doanh thu, 40% lợi nhuận và 40% nộp ngân sách của tập đoàn, bởi doanh thu của tập đoàn chủ yếu nhờ MobiFone. Nếu cổ phần hóa, đồng nghĩa nó sẽ không còn phải cống nộp cho Cty mẹ.
Khi đó, VNPT mất nhiều nhưng thực tế xã hội lại được. Như MobiFone chưa cổ phần hóa thì họ làm được 40.000 tỷ đồng nhưng nếu cổ phần hóa rồi họ có thể làm ra 50.000 tỷ. Khi đó tổng giá trị của xã hội tăng còn tổng giá trị thu về của tập đoàn giảm. Lợi ích nằm ở chỗ đó nên họ chống quyết liệt. Tôi cũng từng nói về cổ phần hóa MobiFone là thà kết thúc bằng nỗi đau còn hơn kéo dài nỗi đau không biết khi nào kết thúc...
Các liên doanh sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam tại sao nhân công rẻ hơn, đất thuê rẻ hơn, nhiều ưu đãi hơn mà lại sản xuất một xe ô tô tại Việt Nam đắt gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với ở Trung Quốc. Vấn đề chính là nhóm lợi ích nằm cả ở đó rồi.
Cách nào xóa lợi ích nhóm?
Ở ta, khi phân vai bí thư, chủ tịch ai cũng đoàn kết nhưng cứ làm một thời gian là mâu thuẫn. Là do chủ tịch có thực quyền hơn còn bí thư không làm thực gì hết. Chính vì thế có việc chủ tịch quyết nhưng làm gì cũng phải hỏi bí thư. Thành ra bí thư quyết hết. Nên dẫn tới mâu thuẫn.
Tôi từng đề xuất toàn bộ tiền trái phiếu Chính phủ nên tập trung vào việc giải phóng mặt bằng để kêu gọi xã hội hóa làm đường cao tốc Bắc-Nam. Nếu nhà nước giải phóng được thì chậm nhất từ 3-5 năm, doanh nghiệp làm xong con đường cao tốc mà nhà nước không cần bỏ ra một đồng, chỉ mất tiền giải phóng mặt bằng. Nhưng làm như thế thì còn chia chác được cái gì?
Thực ra nhà nước chỉ nên làm chính sách thôi. Khi tôi làm Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, tôi đưa chính sách làm đường ven đô. Đô thị cấp phường tôi cho 10%, cấp xã ở đô thị là 20%, huyện đồng bằng là 40%, huyện núi cao tôi cho 80%. Sau khi có chính sách đó, tốc độ làm đường một năm bằng 5 năm trước đó.
Nhà nước ở đây chỉ nên làm 5 việc, mà chủ yếu là 3 việc. Một là quy hoạch, hai là chính sách, ba là đào tạo cán bộ cấp cao, bốn là thanh kiểm tra, và năm là khen chê thưởng phạt. Bởi nhiều cái tái cấu trúc bản chất là tìm cách bảo vệ lợi ích của các nhóm. Các đơn vị thua lỗ, tái cấu trúc thực chất là chia và xóa lỗ. Và như vậy thì cán bộ an toàn.
Tôi cũng tổng kết, chủ tịch tỉnh chỉ làm 3 chữ C: Công trình, chính sách và cải cách hành chính. Bí thư cũng chỉ làm 3 chữ C: Chủ trương, cơ chế và cán bộ. Sai chủ trương bí thư phải chịu. Sai chính sách chủ tịch phải chịu…
Bây giờ lợi ích cục bộ rất rõ. Còn vì sao có nhóm lợi ích? Là vì tôi dựng anh này lên, thì khi anh lên, xuống là đều có lợi ích của tôi.
Một đất nước không ai sống bằng lương thì khó. Công chức tiêu cực vụn vặt nhất là ăn cắp thời gian. Ngày làm 8 tiếng thì 4 tiếng làm, 4 tiếng còn lại đi làm thêm. Còn quan chức thì tìm cách nhũng nhiễu, người có quyền thì tìm cách kiếm ăn. Tất cả vì lương quá thấp. Giờ chỉ cần giảm từ 10 triệu công chức hiện nay xuống còn 3 triệu công chức, lương tăng gấp 3 thì sẽ giải quyết được khá nhiều vấn đề.
Có lần tôi sang Nam Phi, người lái xe phục vụ trong suốt 10 ngày ròng hết sức tận tâm. Khi về tôi tặng anh một món quà nhỏ làm kỷ niệm, anh ta nói “ông phải tặng trước mặt lãnh đạo của tôi và phải bóc quà ra trước mặt ông ấy, nếu ông đồng ý tôi mới dám nhận. Còn không, khi ông ra sân bay về nước, tôi sẽ bị đuổi việc. Tôi bị đuổi việc thì mỗi tháng tôi mất 2.300 USD. Vợ con tôi sống bằng gì”.
Thu nhập bình quân người dân Nam Phi khi đó chỉ 200-300 USD/tháng trong khi công chức tới 2.300 USD bảo sao họ không làm việc cần mẫn. Khi đó họ không dám tham nhũng, không cần tham nhũng.
Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông
Theo Tiền Phong
Nhận diện lợi ích nhóm ở Việt Nam
Theo ông Trần Xuân Giá, nguyên Bộ trưởng KH&ĐT, sự thành bại của công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế phụ thuộc vào việc có loại trừ được lợi ích nhóm. Bởi nó là thủ phạm chống, cản trở, làm méo mó các chính sách. Mà tái cấu trúc phải bắt đầu từ chính sách. Nếu để lợi ích nhóm làm méo mó chính sách thì việc tái cơ cấu ba lĩnh vực nêu trên có nguy cơ thất bại.
Bản chất của lợi ích nhóm ở Việt Nam hiện nay là một tổ hợp có tổ chức của những người có cùng chung một số mục đích, cùng chung lợi ích và họ tìm mọi cách tác động đến cơ quan, người có quyền theo hướng có lợi cho nhóm người đó. Khi họ đạt được mục đích riêng, thì xâm hại tới lợi ích chung của toàn xã hội.
Những năm gần đây, lợi ích nhóm càng ngày càng gia tăng và phát triển sâu rộng, quy mô lớn hơn nhiều. Nó biểu hiện dưới các hình thức như: Chạy dự án, chạy vốn, chạy chức quyền (không ít người cho đây cũng là một lĩnh vực đầu tư siêu lợi nhuận), và thậm chí chạy cả chính sách...
Vấn đề đặt ra là, cơ quan, người ban hành các quyết định, các chính sách có vượt qua được chính mình, có đặt lợi ích toàn cục, lợi ích lâu dài của đất nước lên trên hay để nhóm lợi ích chi phối là vấn đề quan trọng nhất. Điều đáng lưu ý hiện nay là không ít trường hợp nhóm lợi ích đang thắng thế trong nhiều quyết định cụ thể, làm cho lợi ích chung bị xâm hại.
Để chống lại sự chi phối của nhóm lợi ích, một mặt cần chấn chỉnh ngay công tác cán bộ, phải chọn được những người thực sự công tâm, vì nước vì dân bố trí vào các vị trí then chốt, có quyền ban hành, quyết định chính sách. Bên cạnh đó, phải tạo cơ chế để dùng quyền lực khống chế quyền lực. Mà công cụ để khống chế quyền lực hiệu quả nhất là phải công khai minh bạch để người dân được quyền giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 22/11/2024: Duy trì trạng thái ổn định trên cả nước