Thị trường

Loại bỏ “kinh tế địa tô”

Sự lấn át của khu vực doanh nghiệp Nhà nước thông qua vị thế độc quyền đã dẫn tới biểu hiện của nền kinh tế “phát canh thu tô”, trong đó, doanh nghiệp Nhà nước đóng vai người thu tô.
Tự nhiên hưởng lợi
 

142 doanh nghiệp thành viên cấp III của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang chờ định hướng sắp xếp cụ thể từ công ty mẹ theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về việc hoàn chỉnh Đề án Tái cơ cấu PVN. Thời hạn được xác định là trong tháng 9/2012.

 

Chắc chắn sẽ có thay đổi lớn, bởi nhiều cái tên “cùng một mẹ” trùng lặp khá nhiều về ngành nghề kinh doanh, như Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ kỹ thuật dầu khí biển, Công ty TNHH một thành viên Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật dầu khí, Công ty TNHH một thành viên Điều hành - Thăm dò - Khai thác dầu khí trong nước...

 

Đó là chưa kể tới hàng loạt doanh nghiệp ngoài ngành mà PVN sẽ phải lên kế hoạch thoái vốn, như Công ty cổ phần Thể thao - Văn hóa dầu khí; Công ty cổ phần Quản lý và Phát triển nhà dầu khí miền Nam...

 

Tương tự, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) cũng có 168 doanh nghiệp thành viên các cấp và đang có xu hướng tăng thêm, nếu đề xuất của VRG về việc mua thêm cổ phần để giữ quyền chi phối ở một số công ty được chấp thuận. Số con, cháu của Tập đoàn Sông Đà hiện đã lên tới con số 230. Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị (HUD) cũng đang “ôm ấp” 183 con cháu…

 

Vấn đề là, trong số hàng trăm con cháu này, có bao nhiêu doanh nghiệp phải tìm mọi cách để có tên trong mạng lưới? Còn nhớ, tháng 4/2011, khi thông tin về việc các đơn vị thành viên phải ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu với PVN với mức phí 1 tỷ đồng/năm được đưa ra, nhiều chuyên gia kinh tế đã đặt câu hỏi về cách thức khai thác thương hiệu của doanh nghiệp Nhà nước.

 

Việc chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu không đơn giản là chi phí, mà mục tiêu chính của nhiều doanh nghiệp là muốn gắn mình với các tên tuổi lớn của khu vực doanh nghiệp Nhà nước để trở thành một mắt xích của khu vực đang nhận được những lợi ích vô hình từ sự hậu thuẫn của Nhà nước, từ quan điểm doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo.

 

Trong Dự thảo Đề án Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng, việc bảo đảm vai trò chủ đạo của nền kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vừa được Chính phủ họp bàn, các chuyên gia xây dựng cũng thẳng thắn chỉ ra cơ chế khép kín nội bộ khá phổ biến trong hoạt động của các tập đoàn kinh tế hiện nay.

 

“Rất khó để các doanh nghiệp khác ngoài tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có thể tham gia chuỗi giá trị gia tăng”, Dự thảo Đề án phân tích.

 

Một cách hình ảnh, ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương ví von doanh nghiệp Nhà nước như “người gác cổng” cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực mà họ được giao nắm quyền chủ đạo. Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp Nhà nước “làm ra tiền” nhờ việc mở cổng cho các doanh nghiệp khác, chủ yếu là từ khu vực tư nhân.

 

“Hoạt động này tạo ra tiền, nhưng không hề tạo ra giá trị, năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Nhà nước. Thậm chí, với cách làm này, nhiều doanh nghiệp Nhà nước đã lạm dụng lợi thế để trục lợi, đưa cơ chế xin - cho vào cả trong hoạt động của doanh nghiệp”, ông Cung phân tích.

 

Khó đổi khi danh chưa chính

 

Thời điểm này, bên cạnh việc chờ phương án sắp xếp, đổi mới mạng lưới doanh nghiệp thành viên của các tập đoàn kinh tế, thị trường đang đợi động thái cụ thể từ tuyên bố sẽ cắt giảm số lượng tập đoàn, từ 11 xuống còn khoảng 5 - 7 tập đoàn kinh tế.

 

Hai cái tên cụ thể cũng đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nhắc tới trong kế hoạch xem xét dừng thí điểm mô hình tập đoàn là Tập đoàn Sông Đà và HUD.

 

Thực ra, mô hình tập đoàn, tổng công ty xuất phát từ chính nhu cầu sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước. Khi đó, mục tiêu được đặt ra là tăng quy mô cho các doanh nghiệp Nhà nước để trong những ngành, những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, doanh nghiệp Nhà nước có đủ sức chi phối. 11 tập đoàn kinh tế hiện tại được hình thành trên cơ sở tổ chức lại 8 tổng công ty 91 và 12 tổng công ty 90.

 

Tuy nhiên, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã nhận định: “Phần lớn các tập đoàn chưa đạt mục tiêu cải thiện năng lực cạnh tranh quốc tế, trình độ công nghệ cao, tạo động lực phát triển cho các ngành, lĩnh vực khác và toàn bộ nền kinh tế, thúc đẩy liên kết chuỗi trong giá trị gia tăng, phá triển các thành phấn kinh tế khác”.

 

Năng lực cạnh tranh không đủ, song lại được giao đóng quá nhiều vai, từ quả đấm thép, đến điều tiết kinh tế vĩ mô…, khiến xu hướng bơm thêm tiền, tăng thêm ưu quyền để tăng năng lực ảnh hưởng cho khu vực kinh tế này càng lớn. Sự thất bại của Vinashin, Vinalines là hệ quả tất yếu…

 

“Vẫn chức năng ấy, nguồn lực ấy, thì làm sao quản trị tốt. Cách đặt vấn đề này đi ngược lại nguyên tắc là phải xác định chức năng gì, phân vai gì, phân bổ nguồn lực thay đổi theo chức năng đó, từ đó có cơ chế quản trị phù hợp. Không thể thay đổi gì khu vực doanh nghiệp Nhà nước khi chức năng vẫn thế, phân bổ nguồn lực vẫn vậy”.

 

Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phân tích và cho rằng, khi có bảng “phân vai” doanh nghiệp Nhà nước cụ thể, với luật chơi mới là nguyên tắc thị trường, thì việc tăng - giảm số lượng tập đoàn, cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước nào, tỷ lệ sở hữu nhà nước còn bao nhiêu… sẽ được trả lời đơn giản: ai đóng sai vai sẽ phải ra khỏi cuộc chơi.

 

 

Theo Đầu tư

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo