Xã hội

Loạn đào tạo lái xe: Cháy nhà, ra.. tiêu cực

Dù cho rằng, công tác quản lý đào tạo, sát hạch lái xe tốt dần lên, nhưng ông Nguyễn Văn Quyền - Phó Tổng cục Đường bộ nói cơ quan quản lý nhà nước không thể nắm mọi ngóc ngách, xử lý hết tiêu cực. Thậm chí, ông còn kêu gọi học viên tham gia giám sát!

Học lái xe như mua dịch vụ

Ông nhìn nhận thế nào về những vấn đề mà báo chí nêu trong tuyến bài “Loạn đào tạo lái xe” vừa qua?

Chúng tôi đã và đang cho kiểm tra những vấn đề báo nêu. Quy định về đào tạo, sát hạch lái xe rất chặt chẽ, nhưng một số nơi vẫn có việc này, việc kia. Do địa bàn rộng, công tác kiểm tra, kiểm soát chưa với tới được. Các trường hợp như báo nêu là có. Tổng cục yêu cầu các Sở Giao thông Vận tải chấn chỉnh.

Việc đào tạo, cấp phép lái xe mang tính xã hội rất cao. Nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước chỉ quản lý sát hạch, không quản lý đào tạo, nhưng với thực tế hiện nay, chúng tôi chỉ mở từ từ.

Không chỉ là lách luật, hiện nay có nhiều hành vi tiêu cực như sát hạch viên thu tiền của học viên trong bài thi đường trường, cắt xén chương trình…, Tổng cục có phát hiện ra?

Đúng là sát hạch đường trường rất khó kiểm soát. Chúng tôi cũng đưa ra nhiều giải pháp nhưng chưa thể kiểm soát được. Còn việc cắt xén chương trình, giải pháp quan trọng nhất là học viên phải tự thân có nhu cầu và giám sát chất lượng đào tạo. Nếu người học dễ dãi thì các trung tâm họ cũng sẽ sẵn sàng cắt xén chương trình để tiết kiệm chi phí.

Hiện nay, người học và trung tâm đào tạo phải ký hợp đồng dịch vụ. Hợp đồng quy định nội dung chương trình, thời gian đào tạo, học phí, trình độ đạt được… Nếu chưa được đáp ứng, học viên hoàn toàn có thể đòi hỏi cơ sở đào tạo. Chúng tôi rất mong muốn, thiết tha kêu gọi học viên tích cực tham gia giám sát.

Nếu cứ đổ lỗi cho người học không có ý thức thì quá dễ, thưa ông?


Tôi không đổ lỗi mà chỉ muốn nói rằng, người học quan tâm chưa đúng mức. Người học bỏ tiền để mua dịch vụ thì cần quan tâm đúng mức đến chất lượng, nội dung dịch vụ.

Mặt khác, chúng tôi thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước thông qua tiêu chuẩn, chương trình đào tạo, áp dụng công nghệ cao trong sát hạch…, đồng thời tạo cơ chế cho người học giám sát.

Trong thực tế, không hiếm chuyện trung tâm đào tạo, sát hạch chủ động gợi ý, tạo điều kiện cho học viên đút lót, dẫn đến học giả, bằng giả. Tổng cục đã kiểm tra mối quan hệ giữa học viên và trung tâm đào tạo và cơ quan quản lý nhà nước về việc này chưa?

Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục và các Sở Giao thông Vận tải địa phương thường xuyên thanh tra. Tuy nhiên, việc thanh tra chi tiết đến mối quan hệ giữa học viên và trung tâm đào tạo chưa triển khai được.

Có tố cáo mới phát hiện tiêu cực


Vậy đã bao giờ phát hiện ra tiêu cực giữa cơ quan nhà nước và các trung tâm đào tạo, sát hạch?


Chúng tôi đã phát hiện nhiều trường hợp đào tạo không đủ chương trình, các trung tâm nhận người không đủ điều kiện sức khỏe… Việc tiêu cực thì chỉ khi nào người học tố cáo, chúng tôi mới nắm được. Còn với nghiệp vụ thanh tra và kiểm tra, chúng tôi không phát hiện được.

Các vi phạm công khai như quảng cáo đào tạo lái xe siêu tốc trong 20 ngày, hay công khai kẻ vạch để học viên đối phó trên sa hình sát hạch đâu khó phát hiện, thưa ông?

Chúng tôi đã kiểm tra quảng cáo đào tạo siêu tốc như báo nêu. Đây là thông tin phát ra từ một cơ sở không có chức năng đào tạo mà chỉ là thu gom hồ sơ. Quá trình đào tạo khó xảy ra vì chúng tôi quản lý bằng hệ thống báo cáo chặt chẽ. Về cơ bản, công tác quản lý hiện nay là tốt, bài bản hơn. Một số ít nơi có mặt này mặt kia là khó tránh khỏi.

Ông đánh giá thế nào về mối quan hệ giữa chất lượng đào tạo và tai nạn giao thông?

Hai việc này có mối liên quan nhất định, nhưng nếu nói tai nạn hoàn toàn do đào tạo lái xe là không đúng. Có ý kiến cho rằng, tai nạn xe khách là do chất lượng đào tạo; nhưng trước khi lái xe khách, người lái đã có kinh nghiệm với các loại xe khác, là nghề kiếm sống nên họ học nghiêm túc. Vì thế, đa số tai nạn đặc biệt nghiêm trọng do những tay lái lão luyện chủ quan.

Nhiều học viên, thậm chí cả giáo viên dạy lái xe nói rằng không thể cầm vô-lăng ngay sau khi nhận bằng lái ôtô?


Nội dung chương trình đào tạo của chúng ta phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, bằng lái được các nước công nhận. Tôi khẳng định, nếu người học tham gia đúng, đủ nội dung chương trình và tham gia kỳ sát hạch chính tắc, sòng phẳng sẽ điều khiển phương tiện bình thường; nếu không, mới xảy ra hiện tượng đó.

Bộ Giao thông Vận tải đang tổ chức 3 đoàn thanh tra quy mô lớn, ông kỳ vọng gì về đợt thanh tra này?

Đợt thanh tra này với thành phần mở rộng (gồm cán bộ Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an, Sở Giao thông Vận tải và Sở Lao động Thương binh và Xã hội địa phương - PV), kế hoạch thanh tra bài bản nên sẽ có những kết quả cụ thể hơn.

Cảm ơn ông!

 

 

Đoàn Huế (Theo TPO)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo