Thị trường

Loanh quanh ngoài top 100 của thế giới

Việt Nam cần phải giảm bộ máy quản trị nhà nước, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước, tránh chồng chéo gây phí tổn cho toàn xã hội

 Các viện: Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), Nghiên cứu Kinh tế Việt Nam (VIE), Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), và Viện Friedrich Naumman Vietnam vừa tiến hành công bố báo cáo đánh giá về kinh tế thị trường Việt Nam.

 
Quản trị và pháp trị yếu
 
TS Đinh Tuấn Minh, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, tại Việt Nam, kinh tế thị trường đã có cải thiện mạnh mẽ trong giai đoạn 2000-2006 dưới tác động tích cực của Luật Doanh nghiệp (DN), Luật Đầu tư, và gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào đầu năm 2007. Giai đoạn này, nổi bật nhất là sự tự do kinh doanh. Nhưng từ năm năm 2007-2013, lại chưa có sự cải thiện nào mang tính đột phá trong phát triển mức độ tự do kinh tế. Về mặt xếp hạng, Việt Nam vẫn nằm trong vùng thấp so với khu vực và trên thế giới. Các yếu tố về quản trị và pháp trị của nhà nước có tương quan yếu kém hơn các yếu tố còn lại, thậm chí đang suy giảm, đặc biệt là nợ công, tư pháp độc lập và tòa án công minh. Dấu hiệu tích cực trong giai đoạn này là thị trường tiền tệ ổn định trở lại, rào cản về thương mại quốc tế đang dần được gỡ bỏ.
 
Gánh nặng thuế vẫn ở mức cao, năm 2011 chỉ đạt 5/10 điểm theo xếp hạng của Viện Fraser (công bố năm 2013). Thang điểm của một số quốc gia khác là Campuchia và Singapore đều đạt mức 10/10, Indonesia và Malaysia 8/10; Philippines và Thái Lan 7/10…  Mức thuế thu nhập cá nhân của Việt Nam cao nhất, nằm trong khoảng 36%-40%, trong khi quy mô trốn thuế của Việt Nam ở mức lớn, số liệu được báo cáo dẫn lại là năm 2011 lên đến 3.691 triệu USD, bằng 2,72% GDP. Trong khi đó, tỉ lệ đầu tư công duy trì ở mức cao, khoảng 40%, trong khi đầu tư công trên 50% được đánh giá ở mức 0 điểm, còn mức hiệu quả là dưới 15%. Báo cáo cũng cho biết chi phí thành lập DN là một rào cản hành chính cho các DN khi khởi nghiệp.
 
Bà Nguyễn Thị Thu Trang (VCCI) cho biết tính công minh của tòa án thấp, DN tư nhân khó có tiếng nói trong việc giải quyết tranh chấp với các quy định của Chính phủ. Việc giải quyết các tranh chấp trong hợp đồng, kiểm soát tham nhũng của Việt Nam còn kém.
 
Quản trị và pháp trị yếu kém làm cho kinh tế Việt Nam vẫn nằm ngoài top 100 của thế giới. (Ảnh chỉ có tính minh họa)Ảnh: Hồng Thúy
 
Vẫn cách xa so với các nước trong khu vực
 
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, để tiếp tục phát triển kinh tế thị trường, việc quan trọng nhất là nâng cao tính độc lập của tư pháp, không để các lợi ích nhóm can thiệp quá trình phân định kinh tế. Để nâng cao hiệu quả của bộ máy quản trị nhà nước, trước mắt cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, số hóa các thủ tục hành chính. Trong trung hạn, Việt Nam cần phải giảm bộ máy quản trị nhà nước, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước, tránh chồng chéo gây phí tổn cho toàn xã hội.
 
Hiện nay, đóng góp của DN nhà nước vào GDP vẫn ở mức 30%, trong khi tỉ lệ này ở các nước OECD chỉ từ 20% đến dưới 5%. Trong các DN nhà nước, quan hệ giá cả - giá thành của sản phẩm, dịch vụ bị biến dạng bởi giá trị tài sản và chi phí chưa được tính đúng, tính đủ (đất đai, tài nguyên, tài sản được giao quản lý, sử dụng).
 
“Việt Nam vẫn phát triển và có nhiều tiến bộ nhưng vẫn không theo kịp sự phát triển của thế giới, vẫn cách xa so với các nước trong khu vực và thế giới, vẫn loanh quanh ngoài top 100 của thế giới. “Năm 2014 có nhiều cải thiện, hy vọng sự cải thiện này sẽ mang lại một thứ hạng mới cho Việt Nam ở bảng xếp hạng năm 2015” - TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, nói.
Theo Người lao động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo