Loay hoay cắt giảm ngành nghề kinh doanh có điều kiện
Sau thời gian Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết tâm thu hẹp, số lượng ngành nghề kinh doanh có điều kiện lại tăng lên.
Nội dụng bỏ bớt số ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện thu hút được nhiều sự quan tâm nhất khi thường vụ Quốc hội thảo luận hai dự luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi sáng 11/8.
Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng việc giảm bớt danh mục này cùng với bỏ giấy chứng nhận đầu tư là bước cải cách quan trọng để tạo thông thoáng cho doanh nghiệp. Đây là vấn đề mà ông Vinh gọi là “cốt lõi” khi xây dựng các quy định này.
Ngành, nghề kinh doanh có điều kiện do Luật, Pháp lệnh, Nghị định quy định các điều kiện, buộc doanh nghiệp phải đáp ứng khi kinh doanh. Song theo ông Vinh, nhiều văn bản của các bộ cũng ràng buộc điều kiện. Điều này được hiểu như là “giấy phép con”, gây phiền hà cho nhà đầu tư.
Tại hội nghị này hồi tháng 4, thống kê của Bộ này cho biết còn khoảng 330 ngành, chủ yếu do các bộ, ngành ban hành. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khi ấy nói phải có một “cuộc chiến” với các bộ để rút gọn danh mục.
Cuộc chiến sau đó bắt đầu bằng việc Bộ Kế hoạch cùng ủy ban Kinh tế (cơ quan thẩm tra dự luật) của Quốc hội đã phát văn bản yêu cầu các bộ rà soát trên tinh thần cắt giảm số ngành nghề. Thế nhưng câu trả lời nhận được chỉ là… sự im lặng. Không những chưa cắt bỏ được mà số lượng này lại tăng lên gần 40, khi báo cáo cập nhật sáng 11/8 Bộ trưởng Vinh cho hay đã có đến 368 ngành nghề thuộc danh mục này.
“Tôi đề nghị suốt, nhắc cả trong cuộc họp Chính phủ, trước mặt Thủ tướng nhưng các bộ không trả lời”, Bộ trưởng nói và cho biết thêm mới chỉ có 3 bộ gửi lại kết quả khi đến hạn là Quốc phòng, Tư pháp và Thanh tra Chính phủ. Đây lại không phải những bộ quản lý về hoạt động kinh doanh, trong khi các đơn vị quản lý nhiều ngành có điều kiện như Công Thương, Y tế, Giao thông vẫn bặt vô âm tín.
“Phải chăng công việc này đối với các Bộ khó quá, nhiều quá”, Bộ trưởng Vinh tự tìm câu trả lời.
Trước những bức xúc của người làm kế hoạch, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng danh mục nêu trên là mấu chốt của hai dự luật. Vì vậy, một khi chưa cập nhật được danh sách này thì không thể trình ra Quốc hội tại kỳ họp tháng 10 và 11 tới đây.
Phó chủ tịch Uông Chu Lưu cũng cho rằng, không thể giải thích việc chưa ra được danh mục theo kiểu vì “đang giao các Bộ rà soát” mà phải chốt thời điểm phải cập nhật vào dự thảo luật. Ông Lưu yêu cầu phải ra được danh mục trong tháng 9 để thường vụ cho ý kiến trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.
“Chỉ một tháng nữa mà rà soát không kịp thì dự luật không thể thông qua kỳ họp tới”, Phó chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cảnh báo
Theo VnExpress
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đề xuất ưu đãi thuế đặc biệt cho báo chí
Vàng vẫn là ‘chân ái', trở thành top 1 mặt hàng nên mua vào năm 2025
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Cột tin quảng cáo