Thị trường

Loay hoay gỡ 'nút thắt' kinh tế mãi mà không được!

Kinh tế nghẽn mạch tăng trưởng, rủi ro còn lớn, nền tảng còn yếu, phải quyết tâm để thay đổi…là những điệp khúc quen thuộc tại Diễn đàn kinh tế.

Hàng năm, Xuân – Thu nhị kỳ, Diễn đàn kinh tế lại được tổ chức với sự mong đợi của giới chuyên môn cũng như những người quan tâm đến sự phát triển kinh tế của đất nước.

Sở dĩ sự mong đợi ấy cũng là có lý bởi hơn lúc nào hết, tại diễn đàn này các chuyên gia hàng đầu về kinh tế của Việt Nam nói thẳng, nói thật, nói rõ nhất những gì được xem là ‘khuyết điểm’, ‘nút thắt’ khiến nền kinh tế bị chậm phát triển.
 
Song nhìn lại 2 năm qua, đến hẹn lại lên, những lo lắng, băn khoăn từ lần nhóm họp đầu đến nay vẫn còn lơ lửng, vẫn phải nhắc lại như không có gì mới để nói khác đi được. Nói như TS Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam rằng: “nền kinh tế vẫn trong vùng đáy tăng trưởng, khu vực kinh tế trong nước vẫn yếu kém và buộc phải trả giá để tái lập lại”.
 
Và rồi TS Thiên cũng chỉ ra một nghịch lý thường tồn tại đối với nền kinh tế Việt Nam đó là đồ thị tăng trưởng GDP theo quý cứ sau mỗi đợt “tổng kết” thành tích cuối năm với đỉnh cao tăng trưởng đạt được ở quý 4, thì sang quý 1 năm sau, đồ thị tăng trưởng lại rơi xuống điểm đáy khác, khởi đầu cho một năm mới nền kinh tế lại “hỳ hục” bò lên, để liên tục tăng trong 3 quý tiếp theo, như là sự chuẩn bị cho một “cú rơi” mới vào đầu năm sau. Nguyên nhân của nghịch lý này được TS Thiên nói thẳng là do: “chủ nghĩa thành tích”.
 
Tuyên bố này của TS Thiên khiến người ta lại nhớ tại diễn đàn mùa Thu kỳ trước ông từng khiến cả hội trường phải cuốn theo tuyên bố: Tình thế kinh tế Việt Nam bị “nghẽn mạch tăng trưởng” nặng nề trong khi các nền kinh tế khác trỗi dậy. Ông cho rằng, nền kinh tế hiện đã tái lập ổn định vĩ mô nhưng trên một nền tảng rất yếu - nghĩa là mức độ rủi ro vẫn còn lớn.
 
Ở những góc nhìn khác, TS Trần Du Lịch, hay TS Lê Đăng Doanh cũng đưa ra những nhận xét không mấy khả quan.
 
Bức tranh màu xám quen thuộc được vẽ lại khiến Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã từng phải thốt lên: “Không thể nói cả nền kinh tế tê liệt, cho dù có khó khăn có trì trệ. Phải nhìn cả điểm sáng chứ không thể chỉ nhìn vào điểm tối của nền kinh tế”.
 
Có lẽ không riêng gì nữ Phó Chủ tịch Quốc hội mà chắc rằng ai cũng mong muốn kinh tế có nhiều điểm sáng. Nhưng ngặt nỗi trên thực tế, các chuyên gia đầy uy tín vẫn chưa thể chứng minh được điều đó.
 
Minh chứng rõ nhất là số doanh nghiệp chết tăng so với cùng kỳ. Trong năm 2013, cả nước có 76.955 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 398.681 tỷ đồng, tăng 10,1% về số doanh nghiệp và giảm 14,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
 
Năm 2013 cũng là năm cả nước có 60.737 doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động (trong đó, số doanh nghiệp hoàn thành thủ tục giải thể là 9.818 doanh nghiệp, số doanh nghiệp gặp khó khăn và rơi vào trạng thái tạm ngừng hoạt động là 50.919 doanh nghiệp) tăng 11,9 % so với cùng kỳ năm trước.
 
Sang đến quý 1/2014, cả nước có 18.358 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 97.983 tỷ đồng, tăng 16,9% về số doanh nghiệp và 23,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2013.
 
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp hiện vẫn gặp nhiều khó khăn nên quý 1/2014, tổng số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc đăng ký tạm dừng hoạt động, hoặc ngừng hoạt động nhưng không đăng ký là 16.745 doanh nghiệp, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước.
 
Và một điều dễ nhận thấy danh sách doanh nghiệp chết chỉ là các doanh nghiệp dân doanh. Cón với doanh nghiệp nhà nước dù có thể nào, thua lỗ nhiều đến bao nhiêu thì cũng vẫn được cứu, hoặc cùng lắm là thay tên đổi họ.
 
TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược cũng từng nói thẳng: “Số doanh nghiệp chết đi không hẳn đã ảnh hưởng ngay trong năm mà nó đã ảnh hưởng từ trước đó rồi thoi thóp cho đến khi chết hẳn. Trong quá trình đó không đóng góp gì đáng kể. Còn doanh nghiệp mới hình thành thì cũng đang trong giai đoạn khởi động nên cũng chưa thể có đóng góp gì cho nền kinh tế. Do đó xét về tổng thể không chỉ cầu giảm mà nguồn cung cũng giảm hẳn cho nên nền kinh tế sa sút là thực tế”, TS Hồ phân tích.
 
Theo TS Hồ, nếu phân tích khoa học thì phải nhìn thấy rõ sản phẩm không có (nghĩa là số doanh nghiệp đang hoạt động, tạo công ăn việc làm, sản phẩm cho thị trường chết nhiều), rồi không tiêu thụ được (nguồn cung của thị trường suy giảm) thì lấy gì mà tăng GDP.
 
Với thực tế đó, những lo lắng của các chuyên gia kinh tế là có lý và cũng không ít lần kiến nghị phải thay đổi đi.
 
Như TS Trần Du Lịch tại diễn đàn kinh tế mùa xuân 2013 đã nói: “Phải bằng mọi cách củng cổ niềm tin thị trường”. Còn TS Trần Đình Thiên thì cho rằng phải tháo nút thắt nợ xấu, niềm tin để thay đổi.
 
Đến diễn đàn kỳ này cũng vẫn là những kiến nghị: phải trả giá để tái lập lại, nếu không kinh tế sẽ… Và cũng vẫn là những kiến nghị về cơ chế, chính sách, có các giải pháp nhanh hơn cho các "cục máu đông" của nền kinh tế… khiến người ta hình dung về sự ì ạch ngay trong chính cách ‘tháo nút’.
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo