Thị trường

Lọc dầu Dung Quất dự kiến lãi 4.000 tỷ đồng năm 2014

Liên quan đến thông tin lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2014 của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), đơn vị quản lý vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất đạt 2.081 tỷ đồng (tương đương hoàn thành 232% kế hoạch cả năm), ông Nguyễn Xuân Sơn, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) hé lộ với phóng viên báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn khả năng BSR lãi khoảng 4.000 tỷ đồng năm 2014.
Năm 2013, BSR sản xuất 6,6 triệu tấn sản phẩm và đạt mức lợi nhuận cả năm là 2.824 tỷ đồng. Trong năm 2014, theo điều chỉnh mới nhất của BSR vừa báo cáo với các cơ quan hữu trách thì đơn vị này sẽ sản xuất 4,48 triệu tấn sản phẩm xăng dầu. Trong đó xăng RON 92 là 1,163 triệu tấn, dầu diesel là 2,476 triệu tấn.
 
   	Lợi nhuận của BSR phụ thuộc vào giá dầu thô và giá bán sản phẩm
 
Ông Sơn cũng cho hay, lợi nhuận của BSR phụ thuộc vào giá dầu thô và giá bán sản phẩm. Năm nay giá dầu thô thế giới giảm mạnh so với các năm trước trong khi giá sản phẩm có độ trễ nhất định nên tạo ra hiệu quả cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Ngoài ra các vấn đề liên quan đến quản trị doanh nghiệp để có chi phí tốt cũng được doanh nghiệp chú trọng và góp phần có mức lãi tốt.
 
Đóng góp cho lợi nhuận của Nhà máy lọc dầu Dung Quất phải kể tới cơ chế thu điều tiết. Theo Quyết định 952/QĐ-TTg ngày 26/7/2012, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được hưởng cơ chế thu điều tiết đối với sản phẩm lọc dầu và sản phẩm hóa dầu từ năm 2012 đến hết năm 2018, ở mức tương đương mức thuế suất thuế nhập khẩu 7% đối với xăng dầu, 5% đối với LPG và 3% với sản phẩm hóa dầu. Trước đó, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cũng được hưởng cơ chế thu điều tiết từ khi bắt đầu đi vào hoạt động cho tới hết năm 2011 bằng Quyết định 1942/QĐ-TTg (tháng 11/2009) và Quyết định 2299/QĐ-TTg (tháng 12/2010). Cơ chế này cũng được áp dụng cho cả Tổ hợp Hóa dầu Nghi Sơn khi dự án này đi vào hoạt động, với thời gian được hưởng là 10 năm.
 
Hiểu đơn giản là, nếu Bộ Tài chính đặt thuế suất thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu, LPG và hóa dầu thấp hơn các mức 7%, 5% và 3% theo cơ chế thu điều tiết mà Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được hưởng, ngân sách nhà nước sẽ phải bỏ tiền ra bù giá hoặc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ phải bao tiêu sản phẩm cho các nhà máy lọc dầu này trong điều kiện hoạt động bình thường.
 
Hiện Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang đàm phán với mục tiêu bán 49% cổ phần cho đối tác nước ngoài là Công ty dầu khí Gazprom Neft (GPN) đến từ Liên bang Nga. Song với đó BSR cũng chuẩn bị phương án nâng cấp mở rộng quy mô Nhà máy lọc dầu Dung Quất lên 8,5-9 triệu tấn dầu thô/năm. Theo ông Đinh Văn Ngọc, Tổng giám đốc BSR, với cấu hình công nghệ được đề xuất lựa chọn như hiện nay thì quy mô đầu tư nâng cấp mở rộng sẽ nằm trong khoảng 1,8 - 2 tỷ USD.
 
Theo ông Ngọc, ngoài nguồn nguyên liệu dầu thô được đảm bảo thì Gazprom Neft còn có sẵn nguồn tài chính dồi dào. Đối tác này cũng có 5-6 nhà máy lọc dầu lớn với công suất chế biến trên 40 triệu tấn dầu thô /năm. Họ có kỹ năng, kinh nghiệm nâng cấp, mở rộng các dự án lọc dầu vì các nhà máy của họ đều được xây dựng trước đó và trải qua nhiều lần nâng cấp mở rộng. Hệ thống phân phối của họ trải khắp thế giới, kinh nghiệm quốc tế về giao thương trong lĩnh vực này là rất lớn. Ngoài ra còn có những ưu thế nhất định về địa chính trị khi hợp tác với Liên bang Nga.
Theo báo Đầu tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo