Logic tăng giá điện xăng và chuyện CPI giảm tốc
Năm 2013, điện, xăng, gas đều tăng giá phi mã. Lý do mỗi lần tăng giá xăng, gas được đại diện Bộ Công thương giải thích do giá thế giới tăng. Với giá điện, lãnh đạo EVN, đại diện Bộ Công thương đều cho rằng giá điện ở Việt Nam thấp hơn so với các nước trong khu vực và tăng giá để thu hút đầu tư. Vừa tăng giá, điện, gas lại tiếp tục hứa hẹn sẽ tăng tiếp.
Lý luận tăng giá điện, xăng, gas
Trong vòng 1 năm vừa qua, giá điện đã tăng 2 lần, tăng thêm 5%. Lần gần nhất giá tăng là 1/8/2013, lên mức bình quân 1.508,85 đồng/kWh.
Lý do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra trong lần tăng giá điện vào ngày 1/8, theo lãnh đạo Cục điều tiết điện lực, áp lực tăng chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh điện rất lớn, do giá than bán cho điện tăng, EVN bổ sung hàng ngàn tỷ đồng nâng cao chất lượng vùng nông thôn, EVN đang nợ hàng ngàn tỷ đồng...
Theo một lãnh đạo Bộ Công thương, giá điện của Việt Nam hiện nay đang thấp, chưa khuyến khích được đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài vào ngành điện để đảm bảo nhu cầu điện trong tương lai có thể tăng cao. Đại diện EVN tiếp tục đề xuất lộ trình điều chỉnh giá bán điện để thu hút vốn đầu tư.
Tuy nhiên ông Trần Viết Ngãi, chủ tịch Hiệp hội Năng lượng, cho rằng: nếu thực hiện mức giá định hướng 1.835 đồng/kWh, cộng cả thuế sẽ thành khoảng 2.000 đồng/kWh, tức là giá điện ở VN đã tương đương giá điện các nước trong khu vực, khoảng 9cent/kWh.
Trong năm vừa qua, giá xăng cũng được điều chỉnh 6 lần giảm, 5 lần tăng nhưng giá xăng hiện nay đang cao hơn 1.060 đồng/lít so với thời điểm đầu năm, tăng 4,48%.
Cụ thể, ngày 28/3 giá xăng tăng 1.400 đồng/lít. Tháng 4/2013 giá xăng giảm liên tiếp giảm 3 lần: Ngày 9/4 giảm 500 đồng/lít, ngày 18/4, giảm 410 đồng/lít, ngày 26/4 giảm 310 đồng/lít.
Tuy nhiên đến 20 giờ ngày 14/6, giá xăng tăng 420 đồng/lít. Gần nửa tháng sau, vào ngày 28/6, giá xăng tiếp tục tăng 360 đồng/lít. Tiếp đến ngày 17/7, xăng lại tăng 460 đồng/lít.
Ngày 22/8, giá xăng giảm ở mức 300 đồng/lít. Sang tháng 10 và tháng 11, giá xăng tiếp tục giảm. Cụ thể, ngày 7/10 giảm 390 đồng/lít và ngày 11/11 giảm thêm 250 đồng/lít.
Song ngày 18/12 vừa qua, xăng bất ngờ tăng 580 đồng/lít.
Để làm rõ thông tin về lần điều hành giá xăng dầu ngày 18/12, bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, việc tăng giá xăng dầu sẽ không tác động lớn đến giá cả các mặt hàng Tết.
Theo bà Nga, đến thời điểm này, các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân đã chuẩn bị trước lượng hàng Tết.
Lý do của mỗi lần điều chỉnh giá xăng dầu đều được liên Bộ Tài chính - Công thương đưa ra là do giá xăng dầu thế giới tăng.
Đối với mặt hàng gas, tính từ đầu năm đến nay, giá gas bán lẻ tăng 7 lần mức tăng phổ biến từ 10.000-20.000 đồng/ bình 12 kg.
Tuy nhiên, ngày 1/12, giá bán lẻ gas trên thị trường bất ngờ tăng từ 70.000 - 80.000 đồng/bình 12 kg. Như vậy, giá bán lẻ gas đến tay người tiêu dùng từ 475.000 - 485.000 đồng/bình 12 kg.
Đại diện Hiệp hội Gas cho biết, giá bán lẻ gas tăng mạnh, ngoài nguyên nhân do giá thế giới tăng, còn bởi một số doanh nghiệp bán lẻ mặt hàng này đã găm hàng chờ sang tháng 12 mới bán để được hưởng lãi cao. Dự đoán, trước tình hình giá gas thế giới không ổn định, đầu năm sau giá gas tiếp tục được tăng.
“Theo quy định của chính phủ, gas dù có sản xuất được trong nước thì cũng áp dụng theo cơ chế giá thị trường thế giới. Chính vì vậy, những doanh nghiệp mua được gas sản xuất trong nước như nhà máy lọc dầu Dung Quất… cũng phải áp dụng theo giá của thị trường thế giới. Như vậy, giá gas trong nước với giá gas thế giới hòa chung làm một, và áp dụng theo cơ chế thị trường thế giới”, ông Trần Trong Hữu, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Gas Việt Nam nói.
Chiều 2/12, tại buổi họp báo thường kỳ tháng 11 của Bộ Công Thương, để trấn an nỗi bức xúc của dư luận về việc giá gas tăng cao, ông Nguyễn Xuân Chiến, Vụ phó Vụ thị trường trong nước đưa ra lời khuyên: “Người tiêu dùng có thể lựa chọn mặt hàng thay thế như củi".
Lạm phát thấp nhất 10 năm: "Mừng ít lo nhiều"
Báo cáo số liệu thống kê kinh tế - xã hội năm 2013 của Tổng cục Thống kê cho biết, trong tháng 12, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 0,51% so với tháng trước và tăng 6,04% so với cùng kỳ tháng 12/2012. Mức tăng 6,04% của giá cả năm nay cũng được ghi nhận là thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2013 tăng 6,6% so với bình quân năm 2012 và cũng đã thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,21% của năm 2012.
Đánh giá về con số CPI, lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho rằng, lạm phát năm nay bị tác động chủ yếu do yếu tố tăng giá một số mặt hàng như điện, xăng dầu… được điều chỉnh theo hướng thị trường.
6 đợt điều chỉnh giá xăng dầu tác động tới CPI 0,08% thì hai lần tăng giá điện trong năm 2013 đã tác động tới CPI 0,25%, giá gas cả năm tăng gần 5%, đóng góp vào CPI cả nước với mức tăng 0,08%.
Trả lời trên tờ Thời báo Kinh tế Việt Nam trước đó, TS.Ngô Trí Long nói: “CPI giảm nhưng mừng ít mà lo nhiều”.
Theo đó, mức tăng chỉ số giá tiêu dùng thấp phản ánh một phần bức tranh kinh tế ảm đạm. Đó là tình trạng tồn kho cao, thu nhập người lao động giảm sút nên sức mua rất yếu và niềm tin người tiêu dùng đang sụt giảm.
TS Ngô Trí Long phân tích, việc tăng giá xăng dầu thời gian qua cũng đẩy giá cả một số mặt hàng khác tăng, góp phần làm suy yếu sức mua trên thị trường. Điểm đáng ngại khác là sự giảm giá này không phải nhờ ở cải thiện về năng suất lao động mà chủ yếu là do dư thừa hàng hóa so với nhu cầu.
Trong khi đó, các chính sách gỡ khó cho nền kinh tế vẫn chưa đi vào cuộc sống và quy mô chính sách là nhỏ bé so với khối lượng hàng tồn kho và sức ì của nền kinh tế.
Các thị trường bất động sản, chứng khoán và vàng đều chưa có dấu hiệu tốt, trong khi sản xuất kinh doanh trì trệ, điều này cho thấy nội lực nền kinh tế chưa có tín hiệu khởi sắc. “Mấy tháng vừa qua, màu ảm đạm của nền kinh tế là nguyên nhân chính khiến CPI giảm”, ông Long nhấn mạnh.
TS Lê Đăng Doanh nhận định, kinh tế vẫn chưa qua giai đoạn khó khăn nhất. CPI giảm mạnh là biểu hiện của giảm phát, sức mua của đại đa số dân cư đã đến mức kiệt quệ.
Theo các chuyên gia kinh tế, xét cả giai đoạn 2007-2013, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với suy giảm kinh tế, chưa có dấu hiệu phục hồi. Tốc độ tăng GDP đã giảm từ 8,5% năm 2007 xuống 6,2% năm 2008, 5,5% năm 2009, 6,78% năm 2010, 5,89% năm 2011 và 5,03% năm 2012. Sản xuất kinh doanh hết sức khó khăn, đình trệ. Số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản, tạm ngừng hoạt động đạt mức kỷ lục, sức cạnh tranh thấp trong khi hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, niềm tin của người dân, nhà đầu tư giảm sút.
Vì vậy, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng cần nhìn thẳng vào sự thật để chọn giải pháp và thực hiện quyết liệt, nếu không thì nền kinh tế không những không phục hồi mà có thể sẽ còn tệ hơn nữa.
Báo Đất việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Giám sát chặt chẽ việc lập hóa đơn điện tử kinh doanh, bán lẻ xăng dầu
Giá ngoại tệ ngày 27/12/2024: Đồng USD giảm giá
TP Hồ Chí Minh: Đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa cho thị trường Tết 2025
Giá vàng thế giới ngày 27/12/2024: Tăng nhẹ trong bối cảnh thị trường giao dịch trầm lắng
Giá heo hơi ngày 27/12/2024: Diễn biến trái chiều với nhiều biến động
Mục tiêu xuất khẩu năm 2025 tăng 12% có khả thi?
Cột tin quảng cáo