Tin tức - Sự kiện

Lời cầu cứu của giáo viên nghèo bệnh tật

Bản thân bị suy thận, chồng bị tai nạn, con nhỏ và phải đi ở nhờ, hoàn cảnh của cô giáo Nguyễn Thị Oánh, SN 1979 tại thôn 3, xã Văn Giang, huyện Ninh Giang (Hải Dương) đang cần lắm sự giúp đỡ của cộng đồng.

Long đong vất vả cõng chữ lên non

Vào buổi trưa muộn tháng 10, chúng tôi tới thăm cô Oánh khi cô vừa mới đi chạy thận ở BVĐK tỉnh về. Câu chuyện vội vã gấp gáp bên mâm cơm muộn chỉ có vài miếng đậu, đĩa rau muống luộc trong căn nhà đi ở nhờ cấp 4 dột nát. “Bây giờ mình chỉ có hai nơi đến đó là trường học và bệnh viện. Còn không biết điểm đến tiếp theo của mình sẽ là ở đâu?” – cô Oánh gạt nước mắt cho biết.

Để duy trì sự sống, mỗi tháng cô Oanh phải mất 10 triệu để mua thuốc và thuốc điều trị
Để duy trì sự sống, mỗi tháng cô Oanh phải mất 10 triệu để mua thuốc và thuốc điều trị.

Năm 2000, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm tiểu học của Đại học Tây Bắc, cô Oánh được phân công dạy tại điểm trường Tà Niếp, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu (Sơn La). Với kiến thức được trang bị và sự nhiệt huyết của cô giáo trẻ miền xuôi, cô Oánh không ngại khó, sợ khổ đến với điểm trường còn khó khăn với đồng bào dân tộc miền núi.
Lúc đó trường Tà Niếp nghèo lắm, không có điện lưới, xa chợ. Cuộc sống ở nơi đây rất vất vả. Lớp học cô phụ trách có hơn 10 học sinh là con em người dân tộc. Cứ học được vài buổi, các em lại bỏ lên nương, lên rẫy cùng cha mẹ. Cô Oánh lại trèo đèo lội suối đến tận các gia đình vận động học sinh đi học trở lại.
Cô tự hỏi, tại sao học sinh lại nghỉ học, tại sao người đồng bào chưa coi trọng cái chữ hay mình giảng dạy không tốt nên các em không đến lớp. Và từ sự thương yêu học sinh, lòng nhiệt huyết với nghề, cô lại quyết tâm vận động học sinh đi học, bám trường, bám lớp.
9 năm công tác tại trường Tà Niếp, cô đã không ngừng học hỏi để mang cái chữ cho học sinh vùng cao. Điều hạnh phúc đã đến với cô khi cô gặp được một nửa của cuộc đời là anh Phạm Quốc Thắng.
Năm 2009 do bố mẹ già yếu bệnh tật, chị gái bại não không người chăm sóc, cô xin chuyển công tác về trường tiểu học Văn Hội, huyện Ninh Giang để tiện chăm sóc gia đình. Tưởng chừng bao vất vả của cô gái vùng cao gánh chữ lên non sẽ được đền đáp với hạnh phúc viên mãn. Nào ngờ, cuộc sống bệnh tật và bao tai hoạ cũng bắt đầu ập xuống gia đình cô.
Bệnh tật bủa vây và giấc mơ dần tắt
Tháng 4 năm 2009, sau khi đi dạy ở trường về, cô Oánh thấy sốt, đau khắp người. Đi khám lại phát hiện bị bệnh viêm loét dạ dày. Càng điều trị, bệnh tình không thuyên giảm, người lúc nào cũng nóng sốt, mệt mỏi, khó thở, chân tay sưng phù không đi lại được. Khi lên BV Bạch Mai khám, các bác sỹ kết luận cô bị suy thận.
Kể từ đó, bệnh viện với cô là nhà. Và để duy trì sự sống, một tháng cô lên BVĐK tỉnh Hải Dương chạy thận 14 lần, trong đó siêu lọc 1 lần và mua thuốc ngoài uống cầm cự với chi phí 10 triệu đồng/tháng. Do chạy thận quá nhiều, nên người cô lúc nào cũng mệt mỏi, khó thở, không ăn được, xương bị giòn đau nhức, toàn thân cô nổi mụn vì bị dị ứng. Nhưng nếu không điều trị thì cô không thể sống được.
Bao nhiêu tiền dành dụm được sau những năm đi dạy của hai vợ chồng dự tính về quê mua đất xây nhà nhưng giờ đây đều dồn cho cô chữa bệnh. Chỗ ở của hai vợ chồng cũng không có. Vì quá khó khăn, vợ chồng cô đành gửi con lớn sống với ông nội năm nay 80 tuổi trên Sơn La.

Cô Oánh và chị gái bị bệnh não liệt cả người 40 năm qua.
Cô Oánh và chị gái bị bệnh não liệt cả người 40 năm qua.

Chồng cô - anh Phạm Quốc Thắng nhận lái xe khách đường dài mong có tiền cho vợ chữa bệnh. Nhưng đi làm chưa được bao lâu anh bị tai nạn, chân phải của anh gẫy làm 3 đoạn phải đóng đinh. Do gia đình anh không có tiền nộp phạt nên cách đây 3 tháng anh phải đi trả án tại trại giam trong khi chân anh vẫn còn chưa lành lặn. Từ ngày chồng bị tai nạn, giờ đây phải đi trả án và bệnh ung thư thận hành hạ, cô Oánh như người mất hồn, suy sụp hoàn toàn. Một cô gái giáo viên nhiệt tình năng động trẻ trung ngày nào, giờ đây cô gầy sọp, chân tay nhăn nheo nhỏ bé.
Nhìn thân hình gầy dộc, xanh xao và những giọt nước mắt bất lực của cô khiến chúng tôi không khỏi cầm lòng. “ Cứ đến trường dạy học thì không sao, về đến nhà lại chỉ muốn khóc, không thiết sống nữa. Những thứ gì có thể bán được ra tiền vợ chồng đều đã bán. Bệnh không khỏi mà mọi thứ cũng hết, chồng con li tán mỗi người một nơi” – cô nói trong nước mắt.
Bác Nguyễn Thị Nghĩa – mẹ cô Oánh cho biết: “Oánh là con thứ 3 gia đình. Từ ngày Oánh bị bệnh, chồng tai nạn và đi trả án đến nay, gia đình chẳng còn gì để bán để lấy tiền chữa bệnh. Chỗ ở của hai vợ chồng cũng không có, thương con bị tai hoạ và bệnh tật hành hạ, tôi đành dọn căn bếp cho gia đình Oánh ở. Nhìn con xót xa lắm mà đành bất lực cháu ạ!”.
Đang dở câu chuyện, bác Nghĩa vội vào trong buồng nâng người con gái lớn Nguyễn Thị Én, SN 1976 bị bệnh não dẫn đến thần kinh và liệt nằm một chỗ từ lúc 1 tuổi đến giờ đang kêu ú ớ. 5 năm trước, bố của cô Oánh cũng mất do bị bệnh ung thư vòm họng.
Thầy Nguyễn Kiên Tạo – Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Từ khi chuyển công tác về trường đến nay, cô Oánh luôn là giáo viên gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào của nhà trường. Bản thân cô luôn tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy và có nhiều thành tích. 13 năm liên tục cô đều là giáo viên dạy giỏi cấp trường, có nhiều sáng kiến kinh nghiệm cấp huyện và đạt được nhiều giải cao trong thi đấu thể thao công đoàn ngành. Nhưng hiện nay gia đình cô quá khó khăn. Bản thân bị ung thư giai đoạn cuối, chồng bị tai nạn, con nhỏ và đi ở nhờ.
Ban giám hiệu và công đoàn nhà trường đã vận động ủng hộ 1 ngày lương và sắp xếp lịch dạy hợp lí cho cô để cô còn đi bệnh viện chạy thận. Tuy nhiên với sự giúp đỡ như vậy vẫn không làm vơi bớt đi sự khó khăn lúc này. Ban giám hiệu nhà trường rất mong các tấm lòng hảo tâm dang rộng vòng tay giúp đỡ cô Oánh”.

Cô Oánh sợ nhất một ngày nào đó không được gặp lại học sinh.
Cô Oánh sợ nhất một ngày nào đó không được gặp lại học sinh.

Có mặt tại lớp học 1A cô dạy, chúng tôi mới cảm nhận được sự nhiệt huyết của cô trong từng bài giảng. Cô sợ nhất một ngày nào đó bản thân cô không còn đủ sức để đứng trên bục giảng. Gia đình hiện giờ không biết lấy tiền đâu để mua thuốc điều trị.
Một giáo viên đã từng cõng chữa lên non, dạy giỏi yêu nghề và được học sinh, phụ huynh, đồng nghiệp tin yêu giờ đây đang phải đối mặt với sự sống mong manh. Cô Oánh đang cần lắm những sự hảo tâm của mọi người.

Nên đọc
Theo Báo Giadinh.net.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo