Lối đi "ngược" của Việt Nam trong việc cấp phép FDI
Quá nhiều DN ngoại quy mô siêu nhỏ
Tại hội thảo Định hướng nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tổ chức ngày 16/5, ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, tính chung cả vốn cấp mới và tăng thêm, vốn FDI vào Việt Nam trong 4 tháng qua đạt 4,855 tỷ USD, bằng 59,1% so với cùng kỳ 2013.
Trong số này, có 390 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký 3,22 tỷ USD, bằng 65,4% so với cùng kỳ năm 2013. Ngoài ra, còn có 140 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư, với 1,62 tỷ USD, bằng 49,7% so với cùng kỳ năm 2013.
Việc vốn FDI vào Việt Nam trong 4 tháng qua giảm khá mạnh so với năm 2013 được cho là vì không có những dự án quy mô lớn, quy mô hàng tỷ USD.
Tuy nhiên, về quy mô vốn dự án thì hiện chỉ có 2 dự án có vốn trên 1 tỷ USD, còn lại 250 dự án vốn đều dưới 1 tỷ USD. Đặc biệt, có những dự án vốn từ 100 – 500 nghìn USD xuất hiện.
“Dự án có vốn FDI nhỏ và siêu nhỏ đã bắt đầu xuất hiện”- ông Đỗ Nhất Hoàng đánh giá.
Thêm nữa, theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, trước nay Việt Nam vẫn đi “ngược” với xu thế thế giới trong khâu thẩm định và cấp phép dự án đầu tư FDI.
Ông Đỗ Nhất Hoàng cho rằng, nếu xu thế thế giới hoạt động cấp phép đầu vào thuận lợi và quản lý hoạt động sau cấp phép theo hình phễu, thì tại Việt Nam, hình phễu này lại úp ngược, nghĩa là khâu cấp phép thì quá chặt, trong khi khâu quản lý hoạt động vốn thi lại quá lỏng lẻo, nhất là sau khi phân cấp tại các địa phương. Vì thế ông Hoàng cho rằng, Việt Nam phải tạo ra sự thông thoáng thông qua cải cách thủ tục hành chính, cải thiện cơ sở hạ tầng, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao… và phải đảm bảo tính đồng bộ.
Đồng tình GS. Nguyễn Mại lại nhấn mạnh, trong điều kiện hiện nay doanh nghiệp Việt Nam đã làm được nhiều lĩnh vực, thì nhất thiết phải đưa ra một “giới hạn cần thiết” với các nhà đầu tư ngoại.
“Chúng ta nên thu hút có chất lượng hơn, chọn lọc hơn. Cái gì doanh nghiệp trong nước đã làm được thì nên khuyến khích doanh nghiệp nội, thay vì lại rải thảm đỏ chào đón doanh nghiệp ngoại. Chưa kể chúng ta đang có người láng giềng khổng lồ bên cạnh, nếu mở toang thì hàng ngàn, hàng vạn doanh nghiệp của họ sẽ ồ ạt vào. Quy định pháp lý mở ra với doanh nghiệp trong nước không có nghĩa cũng phải mở đồng thời với DN ngoại” – GS. Mại nêu quan điểm.
Ông cho rằng, Việt Nam phải thoáng trong khâu cấp phép dự án ngoại, nhưng cũng phải "siết" để thu hút có chọn lọc, tránh nở rộ DN ngoại trên... giấy.
Mở toang cửa, doanh nghiệp... trên giấy tràn lan
Trong dự thảo Luật Doanh nghiệp mới cũng đề xuất tách bạch hai loại giấy phép đăng ký kinh doanh và giấy phép chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, theo dự thảo Luật Đầu tư, giấp chứng nhận đăng ký đầu tư chỉ áp dụng với dự án và ngành, lĩnh vực kinh doanh có điều kiên, đối với dự án khác thì không cấp giấy này trừ trường hợp nhà đầu tư đề nghị.
Điểm sửa đổi mới này được các nhà đầu tư đánh giá là sẽ càng phiền phức hơn cho doanh nghiệp. Theo phản ánh của ông Nguyễn Công Ái – Phó tổng giám đốc Công ty KPMG lo ngại rủi ro sẽ càng tăng nếu tách hai loại giấy phép trên.
Rủi ro lớn nhất theo ông chính là việc sẽ xuất hiện hàng loạt những doanh nghiệp trên “giấy”, thành lập rồi nhưng không hề hoạt động kinh doanh. Số doanh nghiệp này chỉ đăng ký kinh doanh rồi để đấy chờ thời cơ bán lại, chứ số doanh nghiệp này không hoạt động đầu tư thực sự ở Việt Nam.
“Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hiện nay đang được các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là nhà đầu tư Nhật Bản, coi là “bùa hộ mệnh” khi làm việc với cơ quan quản lý. Nội dung trên giấy chứng nhận ghi càng chi tiết, đầy đủ doanh nghiệp sẽ càng dễ dàng hơn trong việc xúc tiến đầu tư, rút ngắn thời gian hoàn thiện các thủ tục hành chính” – ông Ái phân tích.
Cũng xuất phát từ thực tế thẩm định và phê duyệt các dự án FDI vào địa phương, ông Nguyễn Đình Toàn – Trưởng phòng Quản lý đầu tư (Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng) than, trong quá trình thẩm định dự án đầu tư vào Hải Phòng, ông đã gặp và tiếp xúc với không biết bao nhiêu nhà đầu tư bày tỏ mong muốn đầu tư, song lại giấu giếm dự án đầu tư của mình khi được hỏi.
Nếu sửa đổi tách riêng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đầu tư, ông Toàn khẳng định, sẽ khó ngăn được các nhà đầu tư “ma”, DN có vốn FDI chỉ thành lập và hoạt động trên giấy. Ngược lại, với những nhà đầu tư chân chính họ sẽ rất nản lòng khi tiếp cận những quy định “rườm rà” như trong dự thảo mới này.
“Tôi cho rằng thủ tục “gộp” giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đầu tư như hiện nay phát huy được tính ưu việt. Nếu tách ra, vô tình chúng ta đã cản đường cho những nhà đầu tư tốt, dự án tốt. Cùng đó, để lọt dự án kém chất lượng khi họ không cần giấy chứng nhận đầu tư, chỉ cần thành lập doanh nghiệp là đương nhiên đã trở thành doanh nghiệp ngoại ở Việt Nam”- vị đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng băn khoăn.
Còn GS. Mại thì cho rằng, việc sửa đổi theo hướng này không tạo điều kiện cho nhà đầu tư và doanh nghiệp. Bởi hiện nay Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là cơ sở pháp lý để làm nhiều thủ tục có liên quan đến dự án. Hơn nữa, trong điều kiện năng lực quản lý nhà nước của nhiều địa phương còn khá hạn chế trong việc theo dõi, hướng dẫn nhà đầu tư và doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án thì bỏ giấy chứng nhận chẳng những không đem lại hiệu quả gì, mà còn có thể làm giảm hiệu năng quản lý nhà nước
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cam kết những giá trị bền vững dẫn lối cho sự phát triển của Masterise
Giá vàng trong nước ngày 25/12/2024: Duy trì ổn định bất chấp vàng thế giới tăng
Giá ngoại tệ ngày 25/12/2024: USD giữ đà tăng trong kỳ nghỉ lễ
Giá nông sản ngày 25/12/2024: Giá cà phê tăng nhẹ, hồ tiêu giữ vững mức cao
Giá heo hơi ngày 25/12/2024: Miền Nam và miền Trung tiếp tục xu hướng tăng
Bước đệm cho tăng trưởng từ giảm 2% thuế VAT