Thị trường

Lợi nhuận ngân hàng bao giờ chạm đáy?

“Tạm thoát” khỏi quy định nghiêm ngặt của Thông tư 02, các ngân hàng vẫn dè dặt trong kế hoạch lợi nhuận năm 2014.

Tổng lợi nhuận trước thuế của 12 ngân hàng năm 2008 -2013 và dự báo 2014.

Phần lớn các ngân hàng đã công bố lợi nhuận kế hoạch năm 2014 trong tài liệu Đại hội cổ đông. Thống kê từ 12 ngân hàng lớn nhất (không bao gồm Agribank) cho thấy, tổng lợi nhuận trước thuế sẽ tăng 7% sau khi giảm 2 năm liên tiếp.

Mức tăng trưởng này được đóng góp chủ yếu từ BIDV (13%) và EIB (118%). So với năm 2013, mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận của BIDV đã chậm lại gần 1 nửa (2013: 21%). Trong khi đó, EIB vừa trải qua một năm “sẩy chân” với lợi nhuận suy giảm 71%.

Hai ông lớn Vietcombank và Vietinbank đều đặt mục tiêu lùi với mức giảm -4% và -6%. Đây sẽ là năm thứ 3 liên tiếp Vietinbank giảm lợi nhuận trước thuế. Còn lợi nhuận của Vietcombank không biến động nhiều trong suốt 5 năm qua.

MBB và Sacombank là hai ngân hàng có quy mô lợi nhuận đứng ngay sau các ngân hàng nhà nước, cũng chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn 1 – 3% trong năm 2014. MBB đã giảm đà tăng trưởng trong 2 năm gần đây xuống mức 1 con số, so với mức trung bình 40% trong giai đoạn 2008 – 2012.

Ngược lại Sacombank sau cú sốc 2012, đã tăng trưởng mạnh trở lại năm 2013 (116%).

Mức tăng trưởng cao trong số các ngân hàng thống kê được ghi nhận ở nhóm sau bao gồm Techcombank, ACB, SHB. Cả ba nhà băng này đều đang nỗ lực lấy lại đà tăng trưởng sau giai đoạn khó khăn của thị trường ngân hàng.

VPBank là cái tên sáng nhất với mức tăng trưởng 40% cho năm 2014, sau khi đã tăng 59% năm ngoái. Ngân hàng này đã tiến rất nhanh để gia nhập nhóm có lợi nhuận khoảng 2.000 tỷ đồng, chỉ đứng sau các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước. Tính từ năm 2008, lợi nhuận của VPBank đã tăng gấp 10 lần.

Maritime Bank là cái tên đáng ngại nhất trong số 12 ngân hàng này, với mục tiêu lợi nhuận 36%, từ 411 tỷ đồng xuống 265 tỷ đồng. Ngân hàng này sẽ sáp nhập với Mekong Bank theo một đề án sáp nhập tự nguyện.

Theo báo cáo của ban lãnh đạo MSB, lợi nhuận trước dự phòng của ngân hàng này vẫn sẽ tăng 20% trong năm 2014, tuy nhiên một khoản dự phòng lớn sẽ được sử dụng khiến cho lợi nhuận ngân hàng  suy giảm mạnh. Đến cuối năm 2013, MSB có tổng dư nợ 46.000 tỷ và nợ xấu khoảng 2,7%. Ngân hàng không công bố báo cáo tài chính chi tiết để cho biết số tiền dự phòng đã trích lập.

Bảng chi tiết lợi nhuận trước thuế và tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng 2008 - 2014.

Theo Bizlive
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo