Lợi thế cho xuất khẩu từ TPP
Đi cùng với thách thức, Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi hơn khi tham gia vào Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Tác động lớn
Cuộc hội thảo về ý nghĩa và tác động của TPP đối với kinh tế Việt Nam diễn ra ngày 26-3, do Bộ Công Thương phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa kỳ tại Việt Nam tổ chức, đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người. Bởi tại đây, các chuyên gia đã có cái nhìn nhiều chiều về mặt “lợi” và “hại” khi Việt Nam tham gia vào Hiệp định này.
Theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), tham vọng của Hiệp định TPP là mở cửa thị trường toàn diện (cắt giảm gần như toàn bộ 100% thuế quan, trừ một số ít mặt hàng nhạy cảm xử lý qua kênh song phương), đàm phán dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đầu tư và dịch vụ theo nguyên tắc chọn bỏ, mở cửa thị trường mua sắm công, dịch vụ tài chính… Phạm vi đàm phán rộng bao gồm cả các lĩnh vực phi truyền thống như lao động, công đoàn, môi trường, chống tham nhũng… với các chế tài chặt chẽ.
Tuy nhiên, việc tham gia TPP có nhiều nội dung chưa được đề cập đến trong các cuộc đàm phán trước đây như sở hữu trí tuệ, môi trường, mua sắm chính phủ, lao động… sẽ là thách thức không nhỏ đối với Việt Nam.
Thêm vào đó, với những yêu cầu nghiêm ngặt của Hiệp định này sẽ tạo ra sức ép về mở cửa thị trường, cạnh tranh đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời có thể gây tác động tới một số ngành và địa phương, thách thức về điều chỉnh hệ thống pháp luật.
Đồng tình với quan điểm trên, giáo sư Peter A.Petri, Đại học Brandeis, Hoa Kỳ cũng cho rằng, một vài ngành hàng của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng như thực thi quyền sở hữu trí tuệ, một số ngành nhỏ trong nông sản cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều.
Cơ hội tăng xuất khẩu
Những thách thức đã nhìn thấy trước mắt, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam và các bên tham gia TPP sẽ nhận được nhiều hơn là bị ảnh hưởng, tức là sẽ có lợi nhiều hơn.
Theo ông Peter A.Petri, một trong những lợi ích lớn nhất Việt Nam có thể nhận được khi tham gia đàm phán ra TPP là Việt Nam sẽ trở thành một mắt xích quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, giống như một công xưởng thế giới (như vai trò của Trung Quốc hiện nay). Những lĩnh vực cơ bản mà Việt Nam có thể hưởng lợi là da giày, dệt may, hàng nông sản.
Bên cạnh đó, TPP cũng mang lại tiềm năng tăng trưởng rất tốt cho Việt Nam vì hiện nay xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ còn khá khiêm tốn với tốc độ tăng trưởng hàng năm chưa tới 10%. “Tôi cho rằng nếu đàm phán TPP thành công, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ sẽ tăng lên rất nhiều”, ông Peter A.Petri nói.
Còn theo ông Khanh, việc tham gia vào TPP mang lại thuận lợi rất nhiều cho doanh nghiệp. Việc cắt giảm thuế quan diễn ra với các nước tham gia TPP có mặt hàng mang tính bổ sung nhau nhiều hơn là cạnh tranh nhau. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam không nên quá lo lắng về việc sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh và thất bại trên sân nhà.
Đặc biệt, mới đây, Nhật Bản đã quyết định tham gia đàm phán TPP. Với lợi thế có ngành khoa học công nghệ hàng đầu thế giới, Nhật Bản sẽ là thị trường tiêu thụ rất lớn, có thể hấp thụ hàng hóa từ các nước thành viên, bao gồm cả Việt Nam.
Minh Trí
Theo HQO
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo