Tin tức - Sự kiện

Lợn mán: Nguồn lây nhiễm giun xoắn đáng sợ

6/27 bệnh nhân nhiễm giun xoắn nguy hiểm đang được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Nhiệt đới trung ương. Bệnh có nhiều biến chứng suy kiệt, teo cơ, cứng khớp, viêm phổi, xuất huyết phủ tạng, suy gan, suy tim… và tử vong. Điều đáng nói là tất cả các bệnh nhân bị bệnh đều có nguồn gốc là ăn nem chạo.

Có thể tử vong tới 30%

BS Nguyễn Thị Minh Hà, Trưởng khoa nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cho biết, gần đây khoa liên tục tiếp nhận các ca bệnh do nhiễm giun xoắn, nhiều bệnh nhân là các thành viên trong cùng một gia đình. Hầu hết nhập viện trong tình trạng: tiêu chảy, sốt, phù nề, đau nhức cơ... được chẩn đoán ngộ độc hoặc nhiễm ký sinh trùng. Khi lấy mẫu huyết thanh gửi xét nghiệm thì được kết luận là bệnh giun xoắn. Điều đáng nói  là tất cả các bệnh nhân bị bệnh đều có nguồn gốc là ăn nem chạo.


 
PGS.TS Nguyễn Văn Đề, chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng, Trường ĐH Y Hà Nội cho biết, hiện đã 27 bệnh nhân tại Mường Lát, Thanh Hóa nhập viện được xét nghiệm dương tính với giun xoắn, trong đó 6 bệnh nhân đã được chuyển tới Bệnh viện Nhiệt Đới trung ương và Bệnh viện Bạch Mai điều trị. Đặc biệt, đã tìm thấy ấu trùng giun xoắn trong cơ của bệnh nhân.

 

ThS Đỗ Trung Dũng, Trưởng khoa ký sinh trùng, viện sốt rét ký sinh trùng trung ương cho biết, giun xoắn là loại ký sinh trùng thuộc ngành giun tròn, có kích thước rất nhỏ nên khó nhận thấy bằng mắt thường. Người mắc phải bệnh này do ăn phải thịt lợn mắc bệnh giun xoắn hoặc chuột sang người, chủ yếu qua đường tiêu hóa do ăn phải thịt mắc bệnh nhưng chưa được nấu chín.

 
Khi ấu trùng giun xoắn từ ống tiêu hoá thâm nhập vào tổ chức cơ của người, chúng thường cuộn lại thành nang, trong mỗi nang có thể có một đến ba ấu trùng. Giun xoắn được phóng to dưới kính hiển vi của động vật có kén giun xoắn chưa được nấu chín.
 

 

Vào tới dạ dày người, ấu trùng giun xoắn được giải phóng khỏi kén, sau một, hai giờ, ấu trùng di chuyển tới ruột non. Tại đây sau 24 giờ, ấu trùng phát triển thành giun trưởng thành và xâm nhập vào niêm mạc ruột. Vào ngày thứ tư đến năm và kéo dài từ 10-30 ngày, giun cái đẻ ấu trùng trong các bạch mạch. Ấu trùng theo hệ bạch mạch tới tim phải, phổi rồi tới tim trái và tới cơ vân, cơ hoành, lưỡi... phát triển thành kén và có khả năng gây nhiễm.


 
Kén giun xoắn có khả năng tồn tại trong mô cơ khoảng 20 năm và vẫn giữ được khả năng gây nhiễm. Khi bị bệnh nó gây nhiễm độc, gây viêm dị ứng các mao mạch, gây hoại tử cơ và thiếu oxy tổ chức. Biểu hiện bệnh nhân thường có rối loạn tiêu hóa, nôn, sau đó giun đi vào máu cư trú ở cơ vân (tạo thành kén) gây sốt, đau cơ, phù nề, xuất huyết, nổi dị ứng, khó vận động, nặng suy kiệt, teo cơ, cứng khớp, xuất huyết phủ tạng, suy gan, suy tim, viêm phổi, viêm não và tử vong... Tỷ lệ tử vong khoảng từ 6 - 30%, có trường hợp tử vong trong vòng một, hai tuần.

 

Gần 900 ấu trùng giun xoắn/g thịt

 

PGS.TS Nguyễn Văn Đề lo ngại, hiện nay người dân đặc biệt thích ăn các món tiết canh, nem chạo, nem chua... nhất là "đặc sản" được chế biến từ lợn thả rông, lợn mán vì nghĩ rằng nuôi tự nhiên là an toàn mà không biết đây là một nguồn lây bệnh rất đáng sợ.

 
Một xét nghiệm ở Yên Bái trong một vụ dịch cho thấy, trong 1g thịt lợn chứa 879 ấu trùng giun xoắn và một con lợn khác có 70 ấu trùng. Vì vậy, PGSTS Đề khuyến cáo, để phòng tránh căn bệnh này, người dân cần tuyệt đối tránh các món ăn từ động vật mà chưa được chế biến chín, nhất là các món như: Nem sống làm từ thịt lợn, thịt lợn tái, thịt hun khói hoặc ướp muối, tiết canh lợn... Đặc biệt, cần cẩn trọng với lợn cỏ, lợn mán... là những động vật được nuôi thả rông, dễ nhiễm ấu trùng giun từ môi trường và truyền sang người.
 
 
Theo Bee.net.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo