Hai năm nay ở An Giang rộ lên chuyện về cây lúa mùa nổi được doanh nghiệp bao tiêu với giá gấp đôi ba lần lúa thường và tỉnh này đang có kế hoạch mở rộng diện tích bảo tồn lên đến 500 ha.
Lúa mùa nổi gồm nhiều giống như: Nàng Pha, Nàng Tây, Tây Đùm, Tàu Binh, Chệch Cụt, Bông Sen... với đặc điểm chung là có thể thích nghi trong điều kiện ngập sâu đến vài mét. Nhiều tài liệu cho biết chủng loại này được trồng phổ biến ở vùng đầu nguồn ĐBSCL từ khoảng năm 1890, đến đầu những năm 2000 diện tích vẫn còn đến vài ngàn héc ta. Từ khi lúa Thần Nông (ngắn ngày, năng suất cao) xuất hiện, diện tích lúa mùa nổi bị thu hẹp dần chỉ còn vài chục héc ta.
Tự lên theo nước
Ưu điểm tuyệt vời của lúa mùa nổi là sinh trưởng gần như hoàn toàn tự nhiên. Vào khoảng tháng 5 - 6 âm lịch, nông dân mang hạt giống khô ra ruộng sạ khô (ruộng chưa có nước). Hạt lúa giống nằm yên trong đất đợi trời mưa xuống đủ độ ẩm sẽ nảy mầm. Đến khi nước lũ tràn về, cây lúa được khoảng 2 tháng tuổi nên sinh trưởng rất tốt và đủ sức vươn mình theo mặt nước. Cây lúa có khả năng ngâm mình trong nước với độ sâu tối đa 4 m trong 5 - 6 tháng, thích ứng với mực nước dâng cao bằng cách vượt lóng theo mực nước dâng. Khi nước rút, lúa nằm dài trên mặt đất và lóng trên cùng vươn dậy để trổ bông. Lúc trổ, lúa “quỳ gối” để bông hướng thẳng lên, khi chín nó lại nằm xuống và nông dân thu hoạch bằng tay. Năng suất trung bình từ 2,5 - 3 tấn/ha.
TS Nguyễn Văn Kiền cho biết, ngoài Tri Tôn hiện tại H.Chợ Mới (An Giang), diện tích lúa mùa nổi cũng còn khoảng 120 ha. Ở vùng đất cồn ven sông tại xã Tân Long, H.Thanh Bình (Đồng Tháp) cũng còn khoảng 20 ha lúa mùa nổi trong mùa lũ kết hợp khai thác cá đồng và trồng màu.
Từ một hạt giống ban đầu, lúa mùa nổi có thể phát triển 9 - 10 nhánh. “Lúa sinh trưởng và phát triển tốt được nhờ có mùa nước nổi. Cũng có người đặt vấn đề là vậy nếu trong ao hồ nó có sinh trưởng được không. Thực tế là lúa chỉ sống được trong môi trường nước chảy chứ nước chết thì nó cũng không sống được” , TS Nguyễn Văn Kiền, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông thôn (RCRD), cho biết.
Ông Lâm Thành Kiệm, một trong những nông dân trồng lúa mùa nổi lâu năm ở xã Lương An Trà (Tri Tôn, An Giang), kể: “Những năm nước lớn rất trúng mùa, năng suất có thể lên tới 20 giạ/công. Năm nào nước nhỏ năng suất lúa cũng giảm theo con nước, có khi chỉ 8 - 10 giạ/công”. Những năm sau này phần vì nước về ít, phần vì năng suất thấp hơn lúa cao sản, giá bán lại không cao hơn lúa thường nên ông Kiệm cũng như nhiều người khác chuyển sang trồng lúa cao sản. Từ năm 2013 khi có dự án bảo tồn do RCRD triển khai, ông cũng quay lại với lúa mùa nổi.
Bài toán tăng thu nhập cho nông dân
Trước đây, tuy có đầu ra nhưng giá gạo lúa mùa nổi không cao hơn bao nhiêu so với lúa thường nên bà con nông dân không mặn mà sản xuất. Từ khi có dự án bảo tồn, doanh nghiệp đứng ra bao tiêu với giá 12.000 - 13.000 đồng/kg, nông dân rất yên tâm sản xuất. Năm 2014, diện tích của toàn huyện Tri Tôn đã đạt gần 100 ha. Mới đây, chỉ riêng xã Lương An Trà (H.Tri Tôn) đã có gần một chục hộ dân khác xin tham gia dự án. Tỉnh An Giang cũng có chủ trương định hướng mở rộng diện tích trồng đến năm 2030 là 500 ha. Với giá lúa doanh nghiệp bao tiêu hiện nay là 12.000 đồng/kg, 1 ha cho sản lượng từ 2 - 3 tấn, nông dân có thể thu nhập trung bình khoảng 30 triệu đồng/ha.
Theo TS Kiền, ở Nhật Bản, Mỹ, châu Âu hay Úc gạo hữu cơ (canh tác theo phương pháp hoàn toàn tự nhiên, quy trình khép kín đảm bảo các yêu cầu về độ sạch, không dùng thuốc trừ sâu và các thuốc kích thích tăng trưởng, phân bón là phân hữu cơ) đang phát triển rất mạnh, với giá bán trung bình từ 5 - 10 USD/kg. Nếu chúng ta sản xuất lúa mùa nổi đạt các tiêu chuẩn gạo hữu cơ thì giá bán sẽ không dừng lại ở mức hiện nay. Tại ĐBSCL cũng đã có DN đầu tư sản xuất lúa hữu cơ ở Cà Mau với sản lượng khoảng 1.000 tấn/năm.
TS Dương Văn Ni (Trường ĐH Cần Thơ) nhận xét: “Việc bảo tồn là rất tốt, nhưng cần có giải pháp làm sao để biến lúa mùa nổi thành mục tiêu về thu nhập của nông dân, từ đó thu hút nông dân tham gia canh tác. Giải pháp cần làm là quy hoạch một khu bảo tồn và sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, an toàn. Bài toán tăng thu nhập cho nông dân được tính toán trên tổng thể sản xuất lúa, hoa màu, khai thác thủy sản tự nhiên, khai thác du lịch sinh thái, văn hóa...”. Theo ông Ni, đó cũng là cách để xây dựng thương hiệu gạo lúa mùa nổi, tăng giá trị cho sản phẩm trên thị trường.
Về kỹ thuật canh tác, TS Ni lưu ý đặc tính của lúa mùa nổi là thích nghi trong điều kiện ngập sâu nhưng nước phải lên từ từ, quang kỳ trổ bông vào tháng 11. Thực tế hiện nay điều kiện tự nhiên thay đổi nhanh, nước lũ thường về trễ, lên nhanh. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn vì cây lúa không kịp thích nghi. Chính vì vậy nếu phát triển theo hướng sản phẩm hàng hóa hữu cơ cần phải có giải pháp khoa học để can thiệp vào quang kỳ và tăng khả năng thích nghi của lúa.
Gạo sạch
TS Hồ Thanh Bình, Phó trưởng khoa Nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên (ĐH An Giang), cho biết: “Chúng tôi đã kiểm nghiệm và thấy trong hạt gạo lượng tinh bột khá cao nên hơi cứng cơm. Nhưng ngược lại nó sạch vì được sản xuất một cách rất tự nhiên. Bên cạnh đó, hàm lượng vitamin B1 cao gấp đôi gạo thường, vitamin E cao hơn từ 3 - 5 lần. Lúa mùa mới còn có anthocyanin, một hợp chất hữu cơ tự nhiên đóng một vai trò quan trọng trong việc phòng và hỗ trợ điều trị các bệnh về mắt, bệnh tim phổi, chống lão hóa và bệnh xơ cứng động mạch. Chính vì vậy cũng có thể nói là gạo lúa mùa mới có lợi cho sức khỏe hơn các loại gạo thông thường khác”.
Theo Thanh Niên