Lừa trên mạng : Từ khờ khạo đến tinh vi
Nhiều chiêu
Giữa năm ngoái, nhiều người nhận được email của nguyên bộ trưởng bộ Giáo dục và đào tạo. Email này được viết bằng tiếng Anh với nội dung: “Tôi đang du lịch ở Anh thì bị kẻ gian lấy mất ví, trong đó có giấy tờ và tiền bạc.
Do đó, tôi không thể trở về nhà. Nay qua email này, bạn bè hãy gởi tiền vào tài khoản của tôi tại Western Union hoặc MoneyGram để tôi có cơ hội trở về nhà”. Chủ của nhiều địa chỉ email nhận được bức thư trên đã “tá hoả” gọi cho “nạn nhân”, mới biết vị nguyên bộ trưởng đang ở Việt Nam.
Chuyện khác, cuối giờ làm, bà Minh (Gò Vấp, TP.HCM) bỗng nhận được một tin nhắn từ một đầu số di động (gồm 11 số) không quen biết với nội dung nhờ mua giùm thẻ cào Viettel mệnh giá 100.000 đồng. Cảnh giác, bà Minh nhắn tin trở lại để hỏi tên tuổi của mình thì thuê bao trên “biến mất”.
Cũng chiêu thức trên, ông Minh Hoàng (quận 3, TP.HCM) nhận một tin nhắn có nội dung nhờ chuyển vào tài khoản ngân hàng số tiền 1 triệu đồng để mua thuốc trị bệnh. Tưởng đâu là thuê bao mới của bạn bè, ông Hoàng gọi lại thì thuê bao trên không bắt máy, sau đó là “ngoài vùng phục vụ”!
Ngày 29.1.2012, bà Trương (Tân Phú, TP.HCM) đang dùng Yahoo chat, thấy xuất hiện một lời mời rủ xem ảnh từ một nick quen. Tin bạn bè, bà Trương click vào kết nối trên sau khi khai báo user name và password. Tại kết nối trên không có hình ảnh, bà Trương thoát ra, tiếp tục chat. Được vài lần gõ, nick chat rủ bà Trương mua thẻ cào điện thoại di động để cào trúng thưởng.
Nghi ngờ, bà chuyển sang chat trên Facebook, chủ nhân của nick trên cho biết là “không chat trên Yahoo”, bà Trương mới biết mình bị lừa. Khoảng ba giây sau, nick của bà Trương đã bị kẻ gian chiếm đoạt. Từ nick của bà Trương, kẻ gian đã dụ được hai thành viên trong danh sách tham gia cào trúng thưởng với số tiền là 2,1 triệu đồng.
Hãy tự bảo vệ
Hiện nay, thông qua công nghệ sniffer (nghe lén) và cài keylock (một loại virút máy tính), hacker dễ dàng lấy được account (tài khoản), bao gồm user name (tên sử dụng) và password (mật khẩu) của các địa chỉ email Yahoo, Gmail... Khi có mật khẩu, hacker mạo danh “nạn nhân” để thực hiện các giao dịch như: lừa đảo các email có trong danh sách, đánh cắp thông tin cá nhân, mã số thẻ tín dụng.
Với những địa chỉ email Yahoo, khi bị ăn cắp tài khoản, chủ tài khoản cần liên hệ với Yahoo Việt Nam để được hướng dẫn cách lấy lại tài khoản cũ, sau đó tiến hành đổi mật khẩu. Còn với địa chỉ Gmail, theo hướng dẫn của Google, nếu không có địa chỉ email dự phòng hãy ngưng đăng nhập vào tài khoản cũ trong vòng 24 giờ. Sau 24 giờ, người dùng truy cập trang hỗ trợ mật khẩu, sau đó nhập tên người dùng và đặt lại mật khẩu bằng cách trả lời câu hỏi bảo mật.
Nếu không nhớ câu trả lời chính xác, hãy điền vào biểu mẫu của Google để được hỗ trợ lấy lại mật khẩu cũ, sau đó thay thế mật mã mới.
Theo ông Võ Đỗ Thắng, giám đốc trung tâm an ninh mạng Athena, để hạn chế việc mất mật khẩu email, người sử dụng hạn chế nhập username/password địa chỉ email tại các máy tính lạ (vì máy tính đó có thể bị cài Keylock để đánh cắp password) hoặc internet công cộng như quán càphê, khách sạn vì đây là môi trường dễ bị nghe lén.
Trong trường hợp không có lựa chọn, phải sử dụng máy tính lạ để truy cập email, người sử dụng nên đổi mật khẩu email sau khi sử dụng.
“Nên đặt password phức tạp hơn. Password phải có ít nhất tám ký tự, nên kết hợp chữ – số và các ký tự đặc biệt, thay đổi password theo định kỳ (ví dụ: mười ngày thay đổi password một lần)”, ông Thắng khuyên. Ngoài ra, không nên quá tin vào những tin nhắn hoặc email có nội dung “bi thảm”.
Cũng theo ông Thắng, khi nhận được những thông tin như nhờ mua thẻ điện thoại, chuyển tiền vào tài khoản với số tiền đôi khi chỉ vài trăm ngàn đồng... từ một địa chỉ email người quen hoặc từ một số điện thoại, nên bỏ vài phút gọi điện thoại để kiểm tra lại thông tin.
Theo SGTT
End of content
Không có tin nào tiếp theo