Thị trường

Lụa Vạn Phúc lo mất thương hiệu do bị trà trộn

Một chiếc áo lụa Vạn Phúc cần tới 2,3 - 2,5m lụa, tương ứng với 500.000 - 1 triệu đồng; trong khi lụa Trung Quốc chỉ có giá 60.000 - 150.000 đồng/sản phẩm. Vì thế, một số hộ kinh doanh đã trà trộn các loại lụa chất lượng kém.

Lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) đang đứng trước nguy cơ mất thương hiệu truyền thống vì có sự cạnh tranh không lành mạnh. Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã trao đổi với ông Phạm Khắc Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc.

Ông Phạm Khắc Hà cho biết: Thời gian gần đây, sản phẩm lụa Vạn Phúc tiêu thụ chậm, nguồn nguyên liệu không ổn định. Do khó khăn, nhiều nhà đã thu hẹp sản xuất, có nhà bán máy dệt với giá sắt vụn. Nếu năm 2008, 2009 làng có khoảng trên dưới 1.000 máy dệt, thì nay chỉ còn khoảng 300 cái, mỗi ngày cho sản lượng chừng 6.000m2 lụa các loại.


Mặt khác, giá tơ tằm đã tăng lên rất nhiều. Nguyên nhân là do đô thị hóa, người trồng dâu, nuôi tằm thấy vất vả nên phần nhiều đã chuyển sang nghề khác. Nếu như năm 2009, 1kg tơ tằm nguyên liệu chỉ khoảng 450.000 đồng, thì nay là 1,1 triệu đồng/kg. Một chiếc áo lụa cần tới 2,3 - 2,5m lụa, tương ứng với 500.000 - 1 triệu đồng. Trong khi các sản phẩm lụa khác kém chất lượng, chẳng hạn như lụa Trung Quốc chỉ có giá 60.000 - 150.000 đồng/sản phẩm.

Vì thế, một số hộ kinh doanh vì hám lợi đã trà trộn các loại lụa chất lượng kém để hưởng chênh lệch về giá. Điều này làm cho một số khách hàng mất niềm tin vào thương hiệu “lụa Vạn Phúc”, khiến họ dè dặt, ngần ngại khi mua lụa Vạn Phúc.

Trước thực trạng lụa kém chất lượng trà trộn vào lụa Vạn Phúc, hiệp hội đã bảo vệ người tiêu dùng như thế nào?

- Để bảo vệ người tiêu dùng, chừng 6-7 năm trước, hiệp hội làng nghề cũng đề ra phương án cấm các hộ kinh doanh buôn bán các loại lụa khác, mà chỉ bán lụa Vạn Phúc. Nhưng phương án này không khả thi, vì pháp luật không cấm người dân buôn bán sản phẩm từ nơi khác. Cửa hàng bách hóa người ta buôn bán hàng trăm loại vải khác nhau, chứ người ta có bán một loại đâu? Cho nên, hiệp hội chỉ yêu cầu bà con kinh doanh không được lẫn lộn lụa nọ, lụa kia, mà phải phân khu rõ ràng đâu là lụa vùng khác, đâu là lụa Vạn Phúc... để người tiêu dùng dễ dàng phân biệt và lựa chọn. Tôn trọng người tiêu dùng chính là giữ thương hiệu “lụa Vạn Phúc”.

Lụa chính gốc Vạn Phúc có chất liệu mềm, sờ mát tay, mặt lụa óng, có thể giặt bằng xà phòng và giặt máy mà không sợ bị xô dạt hay phai màu. Nếu đem đốt, vết cháy biến thành than, có mùi khét lẹt giống như tóc cháy và khi xoa xoa nhẹ thì chúng tan ra trở thành muội than.


Vậy chính quyền đã có giải pháp gì để hỗ trợ cho làng nghề?

- Hiện nay, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội đang chú trọng đưa 4 làng nghề: Gốm Bát Tràng, Mây tre đan Phú Vinh, Nón Chuông Chương Mỹ và Làng lụa Vạn Phúc vào tour du lịch làng nghề. Lãnh đạo địa phương cũng rất quan tâm và đã hướng Vạn Phúc phải thực hiện được du lịch làng nghề.

Ngày 6/11, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội phối hợp với phường Vạn Phúc lên sơ đồ tuyến du lịch chuẩn, làm bảng hướng dẫn, xây dựng bài thuyết minh về lịch sử truyền thống của làng và chuẩn bị các bài thuyết minh chuẩn với thông tin chính xác về các điểm du lịch trên địa bàn; tổ chức hội thảo và đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ đón tiếp khách, đạo đức kinh doanh cho người dân làng nghề...

Xin cảm ơn ông!

 

 

Đoàn Huế (Theo Dân Việt)


 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo