Tin tức - Sự kiện

Luật Đất đai lần này sẽ ngăn chặn lợi ích nhóm

Hôm nay (17.6), Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. PV phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang về vấn đề thu hồi đất, giá đất, thời hạn giao đất, cũng như cơ chế thỏa thuận...

(laodong) Thưa Bộ trưởng, dự thảo Luật Đất đai được điều chỉnh, thay đổi thế nào sau hàng trăm hội nghị, hội thảo và hàng triệu ý kiến đóng góp?

Điều chỉnh nhiều chứ. Nhiều vấn đề xã hội cũng sẽ được điều chỉnh trong các nghị định. Đi kèm với luật, sẽ có 5 nghị định được ban hành. Lần này có điểm mới trong khâu ban hành là những vấn đề của luật sẽ được hướng dẫn ngay trong các nghị định của Chính phủ ban hành kèm.

Chẳng hạn, nghị định sẽ quy định cụ thể những dự án KTXH sẽ gồm những dự án nào! Những khu kinh tế, những khu công nghiệp, những dự án ODA thuộc diện gì, sẽ rất cụ thể. Các cơ chế đấu giá, thỏa thuận cũng sẽ được quy định cụ thể ngay sau khi ban hành luật; hay những dự án thế nào là lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng mà Nhà nước sẽ thu hồi; còn thế nào là kinh tế xã hội. Sẽ quy định cụ thể dự án loại nào sẽ đưa vào khu công nghiệp, vì thực tế khu CN của ta còn nhiều lắm; hoặc quy định chặt chẽ đối với các dự án khu đô thị mới.

Theo tôi, luật lần này sẽ quy định rất chặt chẽ và sẽ phải khắc phục được những tồn tại của luật cũ.

Hiện tại, Quốc hội có 2 luồng ý kiến trái chiều về thời hạn giao đất. Chẳng hạn, Đoàn ĐBQH Thái Bình vẫn kiên trì với việc rút ngắn thời hạn giao đất, trong khi người dân lại mong muốn được giao đất lâu dài. Thưa Bộ trưởng, nếu như vậy sẽ xảy ra hậu quả pháp lý là chia lại đất trên toàn quốc?

Tôi đã trả lời Đoàn ĐBQH Thái Bình. Bây giờ chúng ta phải thấy đất đai đã được chia. Thực ra chia đất theo Nghị định 64 thì chỉ có ở ngoài Bắc, trong Nam không có. Làm sao có thể chia lại đất được. Nguyên tắc là chúng ta phải giữ, nhưng tất nhiên, luật cũng có mở ra.

Ví dụ ở Hà Tĩnh, Thái Bình, trong quá trình dồn điền đổi thửa đã có sự điều chỉnh rồi. Vấn đề là sự đồng thuận của các gia đình thôi. Bây giờ không thể cứ đẻ ra là chia. Đất có đẻ ra đâu? Luật quy định người ta có quyền chuyển nhượng, kế thừa, tặng cho. Bây giờ nếu bố được chia đất thì để lại cho con theo quy định về thừa kế chứ có vấn đề gì đâu. Đất đai không thể nói chia lại, vì như thế hậu quả sẽ rất ghê gớm, sẽ lại thành một cuộc cách mạng ngay.

Một trong những mục tiêu sửa đổi Luật Đất đai lần này là làm giảm thiểu khiếu kiện và ngăn ngừa lợi ích nhóm. Điều này được quy định trong luật thế nào, thưa Bộ trưởng?

Những quy định về thu hồi đất trong luật cũ sẽ được sửa đổi để khắc phục tình trạng khiếu tố. Trong khiếu tố đất đai có nguyên nhân quan trọng là ở vấn đề cấp sổ đỏ. Vấn đề này hiện tại đang rất khó vì thiếu tiền. Nhưng nếu hoàn thành cấp sổ đỏ thì ngoài việc chúng ta sẽ quản lý được, mà người dân cũng bớt kiện cáo khi họ có cơ sở xác định các quyền liên quan đến đất thông qua sổ đỏ.

Còn vấn đề lợi ích nhóm, Luật Đất đai lần này sẽ ngăn chặn vấn đề lợi ích nhóm.

Một trong những nguyên nhân khiếu tố còn nằm ở giá cả đền bù. Luật sẽ giải quyết thế nào để giá đền bù không còn khoảng cách chênh lệch quá lớn đối với giá thị trường?

Về cơ bản sẽ phải phù hợp với thị trường. Khung giá, bảng giá đều có tính đến sự phù hợp đó. Thực ra, thị trường ở ta vừa rồi cho thấy đó là thị trường nóng, thị trường đầu cơ. Chúng ta cứ nói theo giá thị trường, nhưng thị trường đầu cơ thổi giá như thế thì làm sao mà gọi là thị trường được. Thị trường được tính đến phải là thị trường trong điều kiện bình thường, loại bỏ được yếu tố đầu cơ ra. Luật sẽ quy định là giá đất sẽ do một tổ chức giá độc lập xác định một cách khách quan và được quyết định bởi HĐND các địa phương.

Nhưng thưa Bộ trưởng, thực tế cho thấy giá thị trường so với giá trong khung bảng giá chênh lệch quá xa?

Thì tôi vẫn phải khẳng định với nhà báo không thể là giá thị trường đầu cơ được. Chúng ta đã có bài học về sự đầu cơ ảnh hưởng thế nào tới giá thị trường và vấn đề đặt ra là phải khắc phục được tình trạng đầu cơ để có giá thị trường một cách chính xác.

Vừa rồi, giá thị trường của chúng ta khẳng định là giá thị trường đầu cơ. Chẳng hạn anh có mấy cái nhà chung cư, nhưng mua là để đầu cơ, lao vào đó là để kiếm lời. Giờ mua rồi thì không bán được. Các nhà đầu cơ đã có một bài học, giờ họ không nhảy vào đó nữa thì thị trường đã không còn giá đầu cơ nữa.

Giá Nhà nước sẽ quyết định, nhưng nhất thiết trên cơ sở tham khảo giá thị trường, nhưng đó là thị trường trong điều kiện ổn định chứ không phải thị trường đầu cơ.

Thưa Bộ trưởng, cơ chế thỏa thuận trong đền bù đang tập trung sự chú ý không chỉ của người dân, mà còn của các doanh nghiệp vì sự bất cập của nó. Điều này sẽ được điều chỉnh ra sao trong luật, thưa ông?

Cơ chế thỏa thuận bị doanh nghiệp kêu nhiều. Họ cho quy định như thế là khó khăn. Chẳng hạn đối với một mảnh đất, doanh nghiệp đã thỏa thuận được với 80% hộ dân rồi, nhưng 20% còn lại không đồng ý, không thỏa thuận được thì rất khó khăn. Nhưng cái được sẽ thuộc về người dân khi lợi ích của họ được đảm bảo.

Các tổ chức nước ngoài đã đưa ra khuyến cáo không nên thu hồi. Xin hỏi ý kiến cá nhân Bộ trưởng xung quanh 2 chữ “thu hồi”, khi bản chất nó giống như một thỏa thuận không công bằng lắm giữa Nhà nước và người dân?

Thật ra, tôi nghĩ là việc Nhà nước thu hồi liên quan đến quyền sở hữu của Nhà nước. Liên quan đến quyền của Nhà nước vẫn phải đi theo cái đó thôi, nhất là đối với các dự án liên quan đến lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, liên quan đến quốc phòng an ninh. Theo tôi thu hồi là hợp lý.

Còn nói trưng thu, trưng mua thì trong Hiến pháp đã có quy định khác. Tất nhiên, đối với những dự án khác (dự án KT-XH) mà Nhà nước đứng ra thu hồi thì không hợp lý chút nào. Trưng thu, trưng mua theo tôi chỉ áp dụng trong trường hợp chiến tranh, trường hợp liên quan đến an ninh quốc phòng, tức là chỉ trong những trường hợp cần thiết. Còn lại thì vẫn phải áp dụng cơ chế thu hồi thôi.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

 

 

P.V

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo