Luật Quy hoạch sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2019
Tại phiên họp sáng 15/6, các đại biểu Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch với tỷ lệ tán thành rất cao.
Cụ thể, Luật này đã được Quốc hội bấm nút thông qua với kết quả đạt 471/475 đại biểu tán thành (tương ứng với lỷ lệ 96,71%). Số đại biểu không tán thành là 3 (tương ứng với tỷ lệ 0,62%). Chỉ có 1 đại biểu không tham gia biểu quyết. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019.
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, để sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật bảo đảm phù hợp với Luật Quy hoạch, tại kỳ họp này, Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung 13 luật liên quan. Tại kỳ họp thứ 6 tới đây sẽ tiếp tục rà soát các luật và trình dự án luật sửa đổi, bổ sung đối với các luật còn lại.
Việc phân thành 2 dự án luật và trình Quốc hội thông qua tại kỳ này và kỳ họp thứ 6 là để có đủ thời gian rà soát, bảo đảm yêu cầu chất lượng của dự án luật, ông Thanh lý giải.
Tuy nhiên, trong nhóm 13 luật sửa trước, quá trình thảo luận Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng cho thấy, còn có ý kiến khác nhau về sự cần thiết có quy hoạch xây dựng tỉnh với tính chất kỹ thuật, chuyên ngành; về nội hàm giữa quy hoạch xây dựng tỉnh và quy hoạch tỉnh; mối quan hệ giữa quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch xây dựng và quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn; một số nội dung cần có đánh giá tác động như giấy phép xây dựng, chứng chỉ quy hoạch.
Mặt khác, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, đây là những vấn đề liên quan đến nội dung cần có thời gian để nghiên cứu làm rõ, thời gian thông qua theo quy trình một kỳ họp không bảo đảm cho việc đánh giá, rà soát để thống nhất. 2 luật này được để lại để tiếp tục nghiên cứu, rà soát trình Quốc hội xem xét, thông qua cùng với các luật còn lại liên quan đến quy hoạch tại kỳ họp thứ 6.
Như vậy, tại kỳ họp này, có 11 luật được sửa đổi, bổ sung, bao gồm: Luật An toàn thực phẩm; Luật Công chứng; Luật Dược; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Điện lực; Luật Hóa chất; Luật Khoa học và Công nghệ; Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Trẻ em.
End of content
Không có tin nào tiếp theo