Luật Tiếp cận Thông tin với góc nhìn của CARE Quốc tế tại Việt Nam
Quyền TCTT là một trong những quyền cơ bản của con người, được đề cập trong Hiến pháp của Việt Nam. Lần đầu tiên, quyền này được luật hóa cụ thể trong 5 chương và 37 điều của Luật TCTT, trong đó quy định về thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân, nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan Nhà nước trong việc đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân.
Khảo sát năm 2017 của CARE tại 5 xã thuộc Cao Bằng, Bắc Kạn và Điện Biên cho thấy, mặc dù người dân tộc thiểu số (vốn chiếm đa số tại ba tỉnh này) có thể tiếp cận nhiều loại thông tin nhưng nhìn chung, phụ nữ tiếp cận thông tin ít hơn nhiều so với đàn ông và mức độ hài lòng với các thông tin này vô cùng khác nhau. Khảo sát chỉ ra hầu hết mọi người đều hài lòng với thông tin về giáo dục, y tế và phúc lợi xã hội; ít hài lòng hơn với thông tin về luật pháp, chính sách và các vấn đề xã hội vì cho rằng các thông tin này tuy có nhưng không đầy đủ, không cập nhật và không thường xuyên. Mức độ hài lòng giảm xuống thấp nhất đối với nhóm thông tin được cho là liên quan mật thiết nhất đến đời sống hàng ngày như thông tin về phát triển kinh tế, thị trường nông nghiệp, các chương trình cho vay, chương trình khuyến nông. Khảo sát cũng phát hiện ra hầu hết những thông tin do chính quyền địa phương cung cấp mới mang tính một chiều và còn hạn chế về hình thức và kênh chuyển tải, do đó hiệu quả thông tin chưa cao.
Cũng theo khảo sát này, phụ nữ dân tộc thiểu số vẫn còn tụt lại đằng sau so với nam giới khi nam giới là thành phần tham gia chính vào các cuộc họp thôn bản. Nam giới cũng được tiếp cận nhiều hơn với các nguồn thông tin khác nhau như tập huấn theo chuyên đề, tài liệu in (tờ rơi, áp phích,..), bảng tin và thư viện nhỏ. Vì các nguồn thông tin này thường được đặt ở văn phòng Ủy ban Nhân dân xã nên phụ nữ, vốn đi lại và di chuyển ít hơn nam giới sẽ ít tiếp cận các nguồn này hơn. “Phụ nữ dân tộc thiểu số hiện gặp nhiều hạn chế trong tiếp cận thông tin, cộng thêm trình độ giáo dục thấp hơn đàn ông và xã hội vẫn nhiều định kiến giới nên họ càng khó nâng cao tiếng nói và quyền ra quyết định trong gia đình và cộng đồng” - Bà Lê Kim Dung, Giám đốc tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam cho biết.
Để góp phần giải quyết các vấn đề trên, CARE đã hợp tác với nhiều tổ chức xã hội và các cơ quan nhà nước để nâng cao nhận thức về Luật Tiếp cận Thông tin và hỗ trợ việc thực thi luật này ở cấp cơ sở. Sáu ban thông tin và truyền thông cấp xã đã được thành lập ở ba tỉnh có khảo sát trên nhằm thúc đẩy chia sẻ thông tin giữa chính quyền địa phương và người dân cũng như giữa người dân với nhau. Cơ chế chia sẻ thông tin này đều tính đến những nét đặc thù về văn hóa, dân tộc ở mỗi nơi. Sáng kiến này là một phần trong dự án do Liên minh Châu Âu tài trợ - “ Dự án tăng cường khả năng tiếp cận thông tin dành cho phụ nữ dân tộc thiểu số” - hay còn gọi là dự án I2I (viết tắt của Informed to Influence). Dự án này thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản trị để nâng cao quyền tiếp cận thông tin của các dân tộc thiểu số. Trong giai đoạn từ 2017 đến 2020, dự án sẽ góp phần cải thiện việc chia sẻ các thông tin quan trọng với cuộc sống và sản xuất của phụ nữ dân tộc thiểu số theo cả hai hướng số lượng và chất lượng thông tin.
CARE là tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực nhân đạo và phát triển với sứ mệnh xóa đói giảm nghèo và bất công xã hội.
Tại Việt Nam, CARE đã triển khai hơn 300 dự án trên cả nước. Hiện nay, CARE hợp tác với các cộng đồng, chính quyền trung ương và địa phương, các tổ chức trong nước và quốc tế và các cá nhân để mang lại thay đổi lâu dài cho nhiều nhóm dân số dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ, bằng cách giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của nghèo đói, tình trạng dễ bị tổn thương và bất công xã hội. Đồng thời, CARE tiếp tục các hoạt động cứu trợ nhân đạo trong trường hợp xảy ra khủng hoảng như thiên tai. Trong giai đoạn trước đây (1954-1975), CARE Quốc tế hoạt động ở Việt Nam nhằm đáp ứng các nhu cầu cấp bách như cung cấp thực phẩm, chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Từ 1989 - 2015, CARE Quốc tế tại Việt Nam hỗ trợ việc phát triển nông nghiệp và nông thôn, tạo sinh kế, xây dựng cộng đồng, chăm sóc sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản nói riêng, phòng chống và kiểm soát HIV/AIDS. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam