Lún nứt cao tốc Nội Bài-Lào Cai: Do bất thường địa tầng
Ông Lê Kim Thành - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã cho biết như vậy tại cuộc họp báo quý III của Bộ Giao thông Vận tải diễn ra chiều nay 7/10.
Tuyến đường cao tốc dài nhất và hiện đại nhất Việt Nam (245km) thông xe hôm 21/9 nhưng đã xảy ra hiện tượng lún nứt. Vị trí bị lún nứt xảy ra tại Km83, thuộc gói thầu A4 trên Dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai, được thực hiện bởi Tư vấn thiết kế OC của Nhật Bản, nhà thầu Keangnam của Hàn Quốc thi công và Tư vấn giám sát là Getinsa của Tây Ban Nha. Đại diện chủ đầu tư Dự án Xây dựng cao tốc Nội Bài - Lào Cai là Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).
Ngay sau khi phát hiện vết nứt, phía VEC đã chỉ đạo tư vấn hướng dẫn nhà thầu, một mặt phân làn giao thông để đảm bảo thông suốt, bảo vệ vết nứt, tiến hành khoan khảo sát địa chất bổ sung để xác định cấu tạo địa tầng khu vực này.
Trong giai đoạn này, đã tiến hành khoan 2 mặt cắt ngang với tổng số 8 vị trí mũi khoan, cách nhau 25m tại lý trình Km 83+025 và Km83+050, xác định vị trí mà bất lợi nhất nằm giữa trung tâm lý trình Km 83+025.
"Kết quả cho thấy có sự bất thường về mặt địa tầng mà chúng tôi không gặp phải trong quá trình khảo sát trước đây. Tại đó không xuất hiện lớp đất có khả năng chịu tải tốt như xuất hiện tại mặt cắt địa chất kề đó tại vị trí Km83+00; lớp đất yếu (bụi dẻo lẫn hữu cơ) nằm trực tiếp trên nền đá có độ dốc ngang ra phía ngoài lớn gần 30% nên xuất hiện hiện tượng trượt sườn, gây mất ổn định và lún nứt", ông Thành báo cáo rõ.
Đề cập tới phương án khắc phục sự cố, ông Thành cho biết trước mắt phải thi công ngay bệ phản áp, với kích thước tính toán là 20m, cao 2m5, độ dốc 4% để đảm bảo thoát nước, đảm bảo mục tiêu khai thác liên tục, an toàn của tuyến đường.
Quá trình thi công kết hợp tính toán quan trắc liên tục, thẩm tra giúp cho việc điều chỉnh kịp thời trong thời gian tới, căn cứ kết quả này triển khai các bước tiếp theo đảm bảo an toàn lâu dài.
"Với đoạn đường nền đất yếu nằm ở địa tầng dưới, với quy trình cho phép tối đa như VEC đã thực hiện nhưng không thể phát hiện bất thường, không thể 3-5m lại khoan 1 lỗ. Do vậy có bất thường là có thể xảy ra. Trong quá trình tiếp tục với 9 đoạn cắm biển theo dõi lún, việc nứt đường hy vọng là không. Các giải pháp đã đưa ra xử lý. Còn bất thường thì không thể nói trước được", ông Thành nói.
Cũng tại buổi họp Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho rằng, theo nguyên lý là phải có thời gian chờ lún từ 6 - 9 tháng, nhưng nếu chờ thì khoảng 230km sẽ không khai thác được. Vì thế Bộ Giao thông Vận tải cũng đã thống nhất cắm biển và khai thác tạm thời, đồng thời theo dõi để xử lý.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Quảng Nam – Đà Nẵng: Nguy cơ thiếu nước trong năm 2025 ở mức cao