Lúng túng về phương án xử lý ngân hàng 0 đồng
Sáng 18/9, tiếp tục phiên họp số 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo và cho ý kiến về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD).
Thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến các đại biểu nêu quan điểm, mục đích của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD lần này phải nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý TCTD yếu kém, hạn chế, ngăn ngừa TCTD yếu kém mới phát sinh, xử lý các vướng mắc, bất cập trong quá trình cơ cấu lại hệ thống TCTD.
Tại phiên họp, nhấn mạnh tầm quan trọng về sự an toàn của hệ thống tín dụng, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị dự án Luật nên xây dựng các điều luật để Chính phủ sử dụng trong những trường hợp đặc biệt để bảo đảm an toàn thệ thống tín dụng.
Liên quan đến về phương án chuyển giao bắt buộc TCTD được kiểm soát đặc biệt, một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể, chặt chẽ cơ chế, điều kiện, tiêu chí chuyển giao bắt buộc TCTD được kiểm soát đặc biệt cũng như chỉ định TCTD nhận chuyển giao, bảo đảm khách quan, bảo đảm quyền lợi của các bên, phù hợp với tinh thần Hiến pháp.
Còn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cần làm rõ nội hàm của khái niệm chuyển giao bắt buộc TCTD được kiểm soát đặc biệt và khái niệm, bản chất của việc mua không đồng đối với TCTD.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, nên bỏ cụm từ “mua không đồng” vì đã là: “mua không đồng thì ai còn gọi là mua, mà mua không đồng thì mua làm gì; chuyển giao bắt buộc thì nói là chuyển giao bắt buộc, nói là mua không đồng rất tối nghĩa và khó hiểu”.
Giải trình vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, hiện nay phương án cơ cấu lại TCTD gồm 4 phương án: Phương án phục hồi; Phương án giải thể; Phương án chuyển giao bắt buộc; và Phương án phá sản. Như vậy, là không còn phương án mua 0 đồng.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, đối với 3 ngân hàng đã mua 0 đồng trước đây, hiện nay phương án xử lý cuối cùng với các ngân hàng này vẫn lúng túng vì cơ sở pháp lý chưa đầy đủ, nên Chính phủ chưa thể thông qua phương án. Do đó, dự thảo đã bổ sung quy định xử lý các ngân hàng thương mại đã được mua bắt buộc trước ngày Luật này có hiệu lực gồm quy định về cơ chế xử lý trong trường hợp sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, xây dựng mới phương án xử lý ngân hàng thương mại đã mua bắt buộc và các nguyên tắc thực hiện việc chuyển nhượng các ngân hàng thương mại đã mua bắt buộc cho TCTD, nhà đầu tư khác. Về quyền tài sản.
Ông Hưng cũng cho biết, cả 3 ngân hàng này khi thực hiện mua 0 đồng trước đây đều đã trong tình trạng âm vốn, không còn tài sản, không còn năng lực tài chính để tự xử lý nên buộc Nhà nước phải tiếp quản.
Cũng theo ông Hưng khi ngân hàng âm vốn, nếu xử lý theo phương án phá sản thì cũng không còn tài sản gì nữa. Kinh nghiệm các nước cũng cho thấy khi nhà nước vào mua, xử lý đối với các ngân hàng thua lỗ, âm vốn thì quyền cổ đông của họ cũng mất.
Phát biểu kết thúc thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, việc chuyển giao bắt buộc TCTD được kiểm soát đặc biệt còn nhiều ý kiến khác nhau, UBTVQH chưa kết luận và đề nghị Chính phủ giải trình thêm về vấn đề này và Ủy ban Kinh tế cũng có các ý kiến giải trình theo các phương án khác nhau; làm rõ khi nào phải chuyển giao bắt buộc, các điều kiện cụ thể cho chuyển giao bắt buộc... Vấn đề này sẽ được xin ý kiến Bộ Chính trị.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước ngày 24/12/2024: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đồng loạt giảm
Giá vàng thế giới ngày 24/12/2024: Giảm nhẹ khi nhà đầu tư chờ động thái từ Fed
Triết lý “đô thị vị nhân sinh” dẫn lối hành trình kiến tạo đô thị bền vững tại The Global City
Những dấu ấn nổi bật ngành công thương năm 2024
Giá heo hơi ngày 24/12/2024: Lập đỉnh mới tại miền Bắc, cả ba miền tiếp tục tăng
Giá ngoại tệ ngày 24/12/2024: Đồng USD và NDT tiếp tục xu hướng giảm