Lương “khủng” ngân hàng: Sếp nhận bạc tỷ, nhân viên “bạc cắc”
“Choáng” lương của sếp chiếm gần hết lợi nhuận
Mùa đại hội cổ đông, ngoài chuyện sáp nhập, lãi lỗ... thì thu nhập, lương của các ông chủ nhà băng hay ban lãnh đạo một lần nữa khiến dư luận giật mình.
Tại ĐHCĐ NHTCMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank) tổ chức mới đây, bên cạnh câu chuyện nhà băng này sẽ sáp nhập với một ngân hàng nhỏ hơn gây lùm xùm trên thị trường tài chính được xác nhận, thì đề xuất tăng mức thù lao cho ban quản trị, ban lãnh đạo cũng là điều khiến cổ đông bức xúc. Trong khi 2 năm nay, cổ đông Maritime Bank chưa được nhận một đồng cổ tức nào, với lý do được lãnh đạo nhà băng này đưa ra là thị trường tài chính tụt dốc, kinh doanh khó khăn, song mức thù lao dành cho đội ngũ lãnh đạo thì không ngừng tăng.
Nếu năm 2013 mức thù lao cho ban lãnh đạo nhà băng này chỉ là 13 tỷ đồng/năm, thì sang tới năm 2014 mức thù lao được đề xuất nâng lên 15 tỷ đồng/năm. Với HĐQT và ban điều hành có 9 người, tính bình quân mỗi năm thù lao và chi phí cho HĐQT và ban điều hành là 1,7 tỷ đồng/người.
Không chỉ riêng Maritime Bank có “dàn” lãnh đạo nhận lương “khủng” mỗi tháng, mà tại nhà băng nhỏ hơn chuẩn bị sáp nhập vào Sacombank là NHTMCP Phương Nam (Southern Bank), thu nhập của lãnh đạo cấp cao thậm chí “ngốn” gần hết lợi nhuận mà nhà băng này đạt được trong năm 2013.
Năm 2013, SouthernBank đã chi tới 14,1 tỷ đồng để trả lương và thưởng cho lãnh đạo cấp cao. Với 9 người trong HĐQT, thì tổng trên mỗi thành viên được nhận 1,44 tỷ đồng/người/năm, tương đương 120,4 triệu đồng/người/tháng. Còn 3 thành viên Ban kiểm soát nhận mỗi người bình quân 32,25 triệu đồng/tháng (tương đương 387 triệu đồng/năm).
Với mức thu nhập này, thu nhập của sếp Southern Bank đã “ăn đứt” thu nhập của lãnh đạo một trong 4 nhà băng thuộc top lớn nhất hiện nay là Vietcombank. Năm 2013 nhà băng này dành 0,35% lợi nhuận sau thuế để chi trả lương, thưởng cho thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát. Với lợi nhuận sau thuế đạt trên 4.377 tỷ đồng, quỹ thù lao của lãnh đạo nhà băng này năm 2013 là trên 15,31 tỷ đồng, tổng số tiền đã chi đến nay là hơn 8,6 tỷ đồng. Trung bình mỗi tháng một lãnh đạo Vietcombank nhận gần 100 triệu đồng.
Dù vậy thì lương của sếp Vietcombank vẫn “thua” lương sếp một nhà băng khác trong “tứ đại ngân hàng” là BIDV. Năm 2013, BIDV chi 0,44% lợi nhuận sau thuế cho thù lao HĐQT và Ban kiểm soát. Quỹ lương này đạt trên 17,88 tỷ đồng trong năm 2013, tức bình quân mỗi sếp BIDV “đút túi” 137,92 triệu đồng/tháng.
Dù tại ĐHCĐ 2014 BIDV vẫn đề xuất mức chi thù lao cho lãnh đạo nhà băng này bằng với năm 2013, song rõ ràng con số này cao hơn rất nhiều so với con số 36 triệu đồng/tháng hay mức "kịch trần" 54 triệu đồng/tháng của doanh nghiệp Nhà nước mà có lần Chủ tịch HĐQT BIDV ông Trần Bắc Hà “than” là không đủ sống.
Mức thù lao trên 137,92 triệu đồng/người/tháng là mức bình quân chung cho 13 người. Tất nhiên, lương của Chủ tịch sẽ cao hơn thành viên HĐQT.
Lương nhân viên chỉ ngang thu nhập bà bán rau
Sự phân hóa thu nhập đang ngày càng đậm nét trong hệ thống ngân hàng. Tại nhiều nhà băng sếp bự nhận lương, thu nhập mỗi tháng ngót nghét trên trăm triệu đồng thì nhân viên cấp dưới chỉ lĩnh bằng 1/10 lương của sếp. Thậm chí tại nhiều bộ phận lương nhân viên chỉ bằng 1/20 lương sếp.
Ở NHTMCP Á Châu (ACB) theo báo cáo về thu nhập của nhà băng này, thì năm 2013 lương bình quân của mỗi cán bộ nhân viên ACB là 16,9 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, đây chỉ là con số bình quân, còn thực tế lương của cán bộ nhân viên ACB thấp hơn nhiều. Vị trí giao dịch viên lương trung bình của cán bộ ACB mỗi tháng chỉ khoảng 6-6,5 triệu đồng/tháng. Thậm chí, hồi năm 2012 khi xảy ra vụ bầu Kiên, thu nhập của cán bộ nhân viên ACB đồng loạt giảm tới 30%. Thời điểm đó, mức thu nhập của cán bộ ở vị trí giao dịch viên đang từ 8 triệu đồng/tháng bị đánh tụt xuống chỉ còn 4,5-5 triệu đồng/tháng. Với mức lương này mỗi tháng, nhiều nhân viên cay đắng, thu nhập của họ chỉ ngang với thu nhập của bà bán hàng rau hay kinh doanh nhỏ lẻ.
“Sang năm 2013 lương đã được điều chỉnh lại đôi chút, nhưng vẫn kém xa so với trước đây. Nhiều người cứ nghĩ nhân viên ngân hàng làm việc trong phòng máy lạnh, điều hóa, sáng choang song có ai biết thu nhập cũng bèo bọt lắm”- chị H. – nhân viên một phòng giao dịch của ACB chia sẻ.
Lương thấp chẳng bằng người kinh doanh bán hàng, trong khi công việc căng thẳng, lại phải chịu thêm áp lực chỉ tiêu huy động từ ngân hàng, khiến chị H. mệt mỏi và đang cân nhắc tới chuyện nghỉ việc.
Sự phân hóa bức tranh thu nhập giữa sếp và nhân viên ngân hàng ngày càng đậm nét, điều này cũng cho thấy, thực tế mỗi nhân viên đang phải “gánh” thu nhập bình quân cho sếp để được bảng cân đối tài chính “đẹp” mỗi năm.
Nhìn nhận về bức tranh phân hóa giữa lương “khủng” của sếp ngân hàng và thu nhập “bèo” của nhân viên cấp dưới, TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, mức lương "khủng" giành cho nhân sự cấp cao ngành ngân hàng là thỏa đáng. Mức thu nhập này thể hiện đúng bản chất của thị trường, làm nhiều, trách nhiệm cao thì phải có thù lao cao. Nói là 120 triệu nhưng tương đương hơn 5000 USD/tháng, so với năng lực họ làm cho công ty nước ngoài thì thu nhập có thể gấp đôi, gấp ba.
“Họ phải đương đầu với cuộc chiến đấu ác liệt, vì nếu không làm được thậm chí còn bị cho nghỉ việc. Họ chịu áp lực rất lớn, tính chất công việc của họ khác biệt hoàn toàn với các ngành khác. Đừng nghĩ lương sếp hơn trăm triệu đã là cao”- ông nói.
Lý giải thêm, TS. Lực phân tích, mức lương chi trả nhiều hay ít phụ thuộc vào số lượng ban lãnh đạo là bao nhiêu, so với năm trước con số này tăng hay giảm; tùy thuộc vào từng bộ phận, vị trí, rồi một phần tính trượt giá .... Nếu trong ban lãnh đạo có người nước ngoài tham gia điều hành thì lương của vị này đã gấp 2-3 lần lương sếp Việt. Vì thế, con số bình quân cũng không phản ánh một cách chuẩn xác thu nhập thực tế của lãnh đạo các ngân hàng hiện nay.
“Mức thu nhập hơn trăm triệu một tháng của sếp ngân hàng không phải quá cao so với áp lực công việc và mặt bằng chung trong giới hiện nay”- ông quả quyết.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Giám sát chặt chẽ việc lập hóa đơn điện tử kinh doanh, bán lẻ xăng dầu
Giá ngoại tệ ngày 27/12/2024: Đồng USD giảm giá
TP Hồ Chí Minh: Đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa cho thị trường Tết 2025
Giá vàng thế giới ngày 27/12/2024: Tăng nhẹ trong bối cảnh thị trường giao dịch trầm lắng
Mục tiêu xuất khẩu năm 2025 tăng 12% có khả thi?
Giá heo hơi ngày 27/12/2024: Diễn biến trái chiều với nhiều biến động