Lương thấp vẫn cưỡi xe hơi
Cán bộ cơ quan nào có nhiều xe hơi?
Theo Bộ Nội vụ, mức lương tối thiểu chung 830.000 đồng/tháng chỉ bằng 58,1% mức chi tiêu bình quân một nhân khẩu của cả nước năm 2011 (hơn 1,4 triệu đồng/tháng). Kết quả khảo sát tại 3 bộ Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Khoa học và Công nghệ và 15 tỉnh, thành phố đại diện cho 3 miền Bắc - Trung - Nam cho thấy, hơn 98% ý kiến cán bộ, công chức cho rằng mức lương hiện nay thấp, chưa đảm bảo được nhu cầu tối thiểu.
Từ 1/5/2012 mức lương tối thiểu chung sẽ tăng lên 1.050.000 đồng nhưng cũng chỉ bằng 75% mức lương tối thiểu vùng thấp nhất và bằng 52,5% mức lương tối thiểu vùng cao nhất của doanh nghiệp.
Tuy vậy, khi phóng viên thử làm một cuộc khảo sát tại một số sở, ngành của Hà Nội, cho thấy khá nhiều cán bộ chỉ thuộc diện “thường thường bậc trung”, thậm chí chỉ chuyên viên thường cũng có tiền sắm xe hơi đi làm. Lãnh đạo văn phòng một số sở từ chối trả lời câu hỏi của phóng viên về số lượng cán bộ của cơ quan đi làm bằng xe hơi, với lý do đây là chuyện riêng tư của cán bộ công chức.
Có ý kiến cho rằng, có khảo sát được thì số liệu cũng không khách quan. Bởi cán bộ sở hữu ô tô cá nhân có thể từ nguồn tiền đầu tư bên ngoài, cũng có thể từ nguồn tài sản thừa kế của người thân hoặc có người thân ở nước ngoài gửi về hỗ trợ...vv.
10 năm biên chế tăng hơn 52 nghìn người Theo số liệu năm 2006, tổng số biên chế cán bộ, công chức (không kể cấp xã) của cả nước là 1.778.734. Trong đó, biên chế hành chính thuộc Chính phủ quản lý là 237.654; Biên chế các cơ quan Đảng và đoàn thể do Ban Tổ chức T.Ư quản lý là 82.003... Tại kỳ họp Quốc hội khóa XII cuối năm 2010, trả lời chất vấn đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh), Bộ Nội vụ cho biết, trong giai đoạn 2001- 2010 biên chế Trung ương tăng 7,4%, biên chế địa phương tăng 41,2%. Trong 10 năm, biên chế chung tăng 52.221 người (hơn 25%). |
Tuy nhiên, ghi nhận thực tế thì có sự khác biệt khá rõ về sự sung túc được thể hiện bề ngoài giữa cán bộ các sở, ngành. Ví dụ, cán bộ những sở như: Quy hoạch- Kiến trúc; Xây dựng; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Giao thông-Vận tải; Tài nguyên-Môi trường thường có điều kiện kinh tế khá hơn hẳn những cán bộ thuộc các sở: Tư pháp; Văn hóa, Thể thao, Du lịch; Giáo dục và Đào tạo hoặc các cơ quan của Đảng như Tuyên giáo, Dân vận...
Một cán bộ bình thường của Sở Quy hoạch-Kiến trúc, Kế hoạch và Đầu tư của Hà Nội đi những chiếc xe hơi hạng sang như Toyota Camry, Honda Acura đời mới giờ là chuyện bình thường. Tại những sở có “điều kiện” chuyện các phó giám đốc (giám đốc đã có xe công), trưởng, phó phòng chuyên môn đi làm bằng ô tô cá nhân không còn hiếm...
Chiếc ô tô chỉ là bề nổi, nhưng nó cũng thể hiện điều kiện kinh tế của một bộ phận CBCC, nhất là tại các thành phố lớn. Họ không hề khó khăn do lương thấp, mà là rất phong lưu. Vậy nguồn thu nhập ngoài lương từ đâu? Điều này thì muôn hình vạn trạng và chỉ có người trong cuộc mới trả lời chính xác được.
Phải cơ cấu lại đội ngũ
Sau hơn 20 năm làm thủ trưởng, TS Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) đúc kết: Ở Việt Nam có tình trạng thủ trưởng sợ nhân viên, lo nhân viên không bỏ phiếu cho mình. Có đơn vị khoa học ở một bộ, 10% nhân viên không làm gì mà suốt ngày “chọc ngoáy” nhưng vẫn phải trả lương. Nguyên nhân do không ai dám đánh giá cán bộ thực chất.
Việc bình bầu hằng năm dần trở thành hình thức do chế độ khen thưởng, kỷ luật bình quân, cào bằng. Cuối năm CBCC nào cũng vui vẻ vì hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thủ trưởng cơ quan trong thực tế không có quyền gì về trả lương, tuyển dụng, sa thải cán bộ, công chức.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Đặng Như Lợi cho rằng, phải xác định ai là cán bộ, công chức, viên chức? Công chức có phải là lái xe, bảo vệ, nhân viên phục vụ điện, nước và các chức danh tương tự không? Nếu chúng ta tiếp tục để một khối bùng nhùng như hiện nay thì không biết đến bao giờ mới có bộ máy tinh gọn, hiệu quả.
Để cán bộ sống được bằng lương, theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc, điều quan trọng nhất hiện nay là phải tổng rà soát, cơ cấu lại bộ máy. Xây dựng cơ cấu đội ngũ công chức từ cấp huyện tới các cơ quan trung ương, xác định rõ vị trí việc làm của công chức cả lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, tổ chức. Trên cơ sở đó đổi mới cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm công chức theo cơ chế thi tuyển cạnh tranh.
Tiền lương trả cao, trả đúng cho từng vị trí công chức sẽ nâng cao trách nhiệm và tính kỷ luật trong nền công vụ mới. TS Nguyễn Hữu Dũng đề xuất, rà lại toàn bộ hệ thống sự nghiệp và tách ra theo hướng xã hội hóa. “Chỉ có cơ cấu lại đội ngũ thì chúng ta mới tháo gỡ được nút thắt tài chính, còn hiện nay cứ nói đến cải cách tiền lương là Bộ Tài chính trả lời không có tiền”- ông Dũng bày tỏ.
Còn nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Quốc Toản cho rằng, cần xác định lãnh đạo cũng là một nghề, có thi tuyển cạnh tranh, có vào, có ra, chứ không để như hiện nay chỉ có lên chứ không xuống. Cần xây dựng đội ngũ chuyên gia không phải lãnh đạo, được trả lương cao hơn lãnh đạo.
Theo TPO
End of content
Không có tin nào tiếp theo