Lương y tiếp tục "điệp khúc chờ" thông tư của Bộ Y tế để hành nghề
"Mỗi lần tôi hỏi thì Bộ trưởng cũng nói đặt trên bàn từ kỳ họp Quốc hội trước rồi" - Phó Chủ tịch Hội Đông y TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan cho biết.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP Hồ Chí Minh) có cuộc trao đổi với PV bên lề Quốc hội về tình trạng hàng chục nghìn hội viên đông y đang chờ thông tư chuẩn hóa về tiêu chuẩn cấp chứng chỉ hành nghề đối với lương y.
PV: Hiện nay cả nước có khoảng gần 100.000 hội viên Hội đông y, trong số này có nhiều người mở cửa hàng bán thuốc, khám chữa bệnh, tuy nhiên có rất ít người được cấp chứng chỉ hành nghề trong khi mục tiêu “Phát triển y dược cổ truyền Việt Nam đến năm 2020” của Chính phủ là khám chữa bệnh bằng y dược cổ truyền đến năm 2015 tuyến Trung ương đạt 10%, tuyến tỉnh đạt 15 %, tuyến huyện 20 %, tuyến xã đạt 30%. Vậy bà có ý kiến gì về vấn đề này?
Trước đây, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 41/2011/TT – BYT ngày 14/11/2011 hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh chữa bệnh. Tuy nhiên, Thông tư này mới chỉ quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề đông y cho các đối tượng là bác sỹ của các Trường Y học cổ truyền thôi, còn riêng lương y thì chưa có, như vậy Bộ Y tế đang nợ cái thông tư chuẩn hóa về tiêu chuẩn cấp chứng chỉ hành nghề đối với lương y.
PV: Chính việc chậm trễ ban hành thông tư này của Bộ Y tế đã khiến nhiều lương y không có chứng chỉ hành nghề nhưng vẫn mở cửa hàng bán thuốc, phòng khám chữa bệnh đông y. Ví dụ như ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội có rất nhiều cửa hàng bán thuốc, khám chữa bệnh đông y nhưng trong 100 hội viên đông y của huyện này thì chỉ có 2 hội viên có chứng chỉ hành nghề, thưa bà?
Vì do chưa có Thông tư hướng dẫn nên các cơ quan thực thi pháp luật là Sở Y tế chưa dám cấp chứng chỉ hành nghề cho lương y. Về phía TP Hồ Chí Minh lực lượng đông y rất nhiều, bản thân tôi cũng là Phó Chủ tịch Hội Đông y của Thành phố cũng phản ánh chuyện này rất nhiều và đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế, Sở Y tế và UBND thành phố sớm đề nghị Bộ Y tế ban hành thông tư chuẩn hóa về tiêu chuẩn cấp chứng chỉ hành nghề cho lương y, nhưng đến nay Bộ Y tế vẫn chưa có thông tư hướng dẫn.
PV: Như vậy hàng chục nghìn hội viên hội đông y sẽ không được tham gia khám chữa bệnh thưa bà?
Hiện giờ đối với thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi “chữa cháy” bằng cách với những đối tượng đã hành nghề rồi thì cấp một giấy quyết định của Giám đốc Sở Y tế công nhận hành nghề để cho họ tiếp tục hành nghề trong thời gian chờ đợi có thông tư. Đây chỉ là giải pháp có tính tạm thời và nếu như các lương y này muốn chuyển ra khỏi thành phố đi khám chữa bệnh ở nơi khác để hành nghề đông y thì rất khó khăn. Còn chứng chỉ hành nghề theo luật thì họ vẫn chưa được cấp cho nên chúng tôi hết sức chia sẻ.
PV: Thưa bà, đa số các lương y hiện nay là những người đã khám chữa bệnh đông y từ hàng chục năm nay, phần lớn trong số này là được các thế hệ trước trong gia đình truyền lại nghề nên họ không có bằng cấp về y học cổ truyền?
Về vấn đề này, tôi cũng đã đưa vào các văn bản đề xuất gửi Bộ Y tế. Nói chung là phải khẩn trương, việc mình chuẩn hóa thì rất đúng, nhưng tại sao thông tư lại “ngâm” mấy năm như vậy gây khó khăn cho người hành nghề đông y.
Còn bây giờ nếu đưa ra chúng ta sẽ xem xét ở tiêu chí xem có đáp ứng được hay không để các lương y đi học tiếp thôi chứ không có gì hết. Đúng là Thông tư 41 rất vô lý, mới chỉ quy định cấp chứng chỉ hành nghề bác sỹ và y sỹ y học cổ truyền và một số ít lương y học lớp của Bộ Y tế mở ra để cấp chứng chỉ, nhưng lớp học này đã được cấp từ năm 2001. Đến bây giờ các Hội Đông y của các địa phương, các Sở y tế đã có biện pháp để đào tạo, tăng số hội viên để truyền nghề cho nhau, với bản chất của nghề Đông y là “cha truyền, con nối”, rồi truyền nghề lẫn nhau, nhưng theo Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009 thì những lương y này chưa được cấp chứng chỉ hành nghề đông y.
PV: Vậy hàng chục nghìn hội viên hội đông y đang bán thuốc, khám chữa bệnh ở địa phương chưa được cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh thì phải giải quyết thế nào?
Chúng ta sống và làm việc theo pháp luật cho nên muốn hành nghề thì phải có chứng chỉ. Theo tôi bây giờ phải chờ thông tư chuẩn hóa của Bộ Y tế thôi, còn tùy tình hình từng địa phương có hướng giải quyết tạm thời.
Đối với Hội Đông y thành phố Hồ Chí Minh thì đã báo cáo UBND TP để tạm thời cấp giấy quyết định của Giám đôc sở y tế công nhận để lương y hành nghề, còn về lâu dài thì đúng phải có chứng chỉ chính thức. Đây là nguyện vọng hết sức chính đáng của người hành nghề. Thực ra mục tiêu chuẩn hóa là làm sao đủ tiêu chuẩn cho người dân an toàn và hiệu quả là rất đúng, nhưng cũng không vì lý do đó khi chúng ta dừng thì cũng dừng lại hết. Như vậy cũng không được mà nhu cầu khám chữa bệnh của người dân là rất lớn.
PV: Vậy đã mấy năm rồi từ khi Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009 có hiệu lực từ ngày 1/1/2011, Bộ Y tế không ban hành thông tư chuẩn hóa về tiêu chuẩn cấp chứng chỉ hành nghề đối với lương y, thưa bà?
Từ lúc Luật khám bệnh, chữa bệnh ra đời đến bây giờ, cho đến thời điểm này vẫn chưa có mà mỗi lần tôi hỏi thì Bộ trưởng cũng nói đặt trên bàn từ kỳ họp Quốc hội trước rồi.
Xin cảm ơn bà!
Infonet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kinh tế 2024- Dự báo 2025: Xuất khẩu thuỷ sản về đích 10 tỷ USD
FPT Nhật Bản đạt danh hiệu nơi làm việc tốt nhất
Quy định mới về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi
Thi công thần tốc, gấp rút đưa các dự án FDI vào sản xuất
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội
Cột tin quảng cáo