Thị trường

M&A viễn thông:Nguy cơ độc quyền trở lại

Nhiều năm qua, viễn thông nói chung và di động nói riêng đã duy trì được sự cạnh tranh tương đối tốt, song cũng có một thực tế là thị trường đã từng xảy ra bất ổn, thậm chí có dấu hiệu của sự độc quyền trở lại.

Đầu tháng 5-2014, trong dịp nhà mạng Vietnamobile (đầu số 092) kỷ niệm 5 năm ngày cung cấp dịch vụ di động GSM, lãnh đạo nhà mạng này cho rằng trong chính sách quản lý, Nhà nước đã dành tập trung, dồn mọi nguồn lực về tần số, kho số… cho các DN viễn thông nhà nước (có thị phần thống lĩnh trên 95%) đến mức bất hợp lý. Do vậy, nhà mạng này kiến nghị Nhà nước cần có chính sách bảo đảm cho DN mới phát triển, đồng thời tránh để độc quyền kiểu mới trở lại.

Phải thừa nhận thực tế là nhà mạng 092 là "người đến sau" khi "vào" thị trường ở thời điểm đã chạm ngưỡng bão hòa (tháng 5-2009); khi bộ ba Viettel - MobiFone - Vinaphone đã triển khai các gói cước để "vét" nốt thuê bao là người thu nhập thấp, người dân sống vùng nông thôn. Do vậy, việc kinh doanh sẽ rất khó khăn. Nhưng, cũng có một thực tế đây là nhà mạng duy nhất có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động có hiệu quả, tồn tại đến thời điểm này, đồng thời cũng là nhà mạng được đối tác nước ngoài đầu tư bài bản nhất thể hiện bằng việc đã chi hơn 1 tỷ USD xây dựng mạng lưới. 
 
Không thể phủ nhận rằng, tuy "dưới cơ" 3 "đại gia" kể trên, nhưng đây là nhà mạng cực kỳ quan trọng, ở chỗ sự có mặt của 092 tạo ra áp lực và duy trì cạnh tranh, khiến bộ ba nhà mạng lớn muốn làm gì cũng phải kiêng dè. Như vậy, khách hàng sẽ tiếp tục được lợi. Còn về những kiến nghị như đã kể trên, là hoàn toàn xác đáng. 
 
Có thể lấy dẫn chứng, sau khi làm ăn thua lỗ, nợ ngân hàng, EVN Telecom đã phải sáp nhập vào Viettel (cuối năm 2011). EVN Telecom không chỉ có đầu số 096 mà còn sở hữu cả hệ thống cáp quang đất liền, cáp quang biển và là một trong ba DN cho thuê lại kênh truyền dẫn lớn (cùng với VNPT, Viettel). Với mức giá cạnh tranh, EVN Telecom được coi là địa chỉ tin cậy cho các DN nhỏ, DN mới thuê kênh truyền dẫn để kinh doanh dịch vụ viễn thông, như CMC, Hanoi Telecom, VTC… Khi thị trường thuê kênh chỉ còn hai DN lớn VNPT và Viettel, chỉ vài tháng sau vào đầu năm 2012, cả hai đã cùng tăng cước thuê kênh và sau đó là câu chuyện các DN nhỏ kiến nghị, kêu cứu tới Bộ Thông tin và Truyền thông. 
 
Quả thật, lúc này dư luận mới thấy hết được vai trò của EVN Telecom trong việc duy trì cán cân cạnh tranh với các "ông lớn". Dư luận khi đó cũng đặt vấn đề về chủ trương cho sáp nhập EVN Telecom vào Viettel (mà không phải là Vietnamobile dù đã có đơn xin mua lại 096) đã tạo cái cớ để DN tăng giá, rồi cuối cùng là người tiêu dùng bị ảnh hưởng. Kết quả, cơ quan quản lý vào cuộc yêu cầu cả hai tập đoàn lớn phải dừng việc tăng cước thuê kênh. 
 
Việc mua bán, sáp nhập là bình thường và khi DN yếu kém phải nhường lại vị trí cho DN mạnh là tất yếu. Với ngành viễn thông còn có một câu chuyện đặc thù, mỗi DN được sở hữu những dải tài nguyên tần số, kho số của Nhà nước và đương nhiên sau khi sáp nhập sẽ phải thuộc về DN mua lại, đó cũng là quyền lợi cho DN mua lại khi họ phải đứng ra trả các chi phí nợ ngân hàng giải quyết nguồn lực lao động và các nghĩa vụ tài chính khác với Nhà nước - đó cũng là lẽ công bằng. 
 
Tuy nhiên, với thị trường mà sâu xa hơn là với khách hàng thì điều này cũng chất chứa đầy nguy cơ bất ổn. Vì khi sở hữu dải băng tần cùng đầu số, kho số, hệ thống cáp quang… cũng đồng nghĩa với việc DN đó sở hữu hạ tầng lớn hơn và khi đó họ có quyền "dẫn dắt" thị trường và không cẩn thận, thị trường có thể trở lại độc quyền bất cứ lúc nào. Đó chính là vấn đề với ngành viễn thông và nó đang trở nên "nóng" khi mà cả hai nhà mạng nhỏ là S-Fone đã "chết lâm sàng" đang được không ít đối tác đàm phán mua lại, Gmobile làm ăn kém hiệu quả cũng có thể đứng trước nguy cơ sáp nhập, mua bán.
 
Như vậy, để thấy rằng, hơn lúc nào hết rất cần tới vai trò tham mưu, quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông, cần có những biện pháp phù hợp, tránh để thị trường rơi vào độc quyền trở lại - có thể phá hỏng những nỗ lực mà toàn ngành đã duy trì trong 10 năm qua và quan trọng hơn là tránh để người dân mất quyền lợi.
Theo Hà Nội mới
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo