Bắc Giang: Tập trung đầu tư chất lượng, đưa thương hiệu Mỳ Chũ vươn xa
Mỳ Chũ Lục Ngạn từ lâu đã trở thành món ăn thân thuộc của nhiều gia đình, và ngày càng xuất hiện nhiều tại nhà hàng cao cấp.Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và thị trường, các cơ sở sản xuất mỳ Chũ tại Thủ Dương, Nam Dương (Luc Ngạn) cũng phải tự thay đổi mình, tập trung đầu tư hơn vào chất lượng sản phẩm, thiết kế mẫu mã...
Sử dụng bao bì thân thiện với môi trường
Mỳ Chũ Lục Ngạn không chỉ được ưa chuộng tại thị trường trong nước mà còn có mặt ở Trung Quốc và một số nước Tây Âu. Bộ Công Thương cũng đã bình chọn, công nhận Mỳ gạo Chũ là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2014 và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia 2015.
Mỳ chũ cũng giống như các sản phẩm công nghiệp nông thôn khác của Bắc Giang, nhìn chung vẫn còn hạn chế về nhãn mác, bao bì thô sơ, kém sức hút với người tiêu dùng. Để khắc phục những hạn chế đó, nhiều năm nay, chính quyền địa phương đã cùng phối hợp, hỗ trợ các HTX xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ và tư vấn cải tiến mẫu mã bao bì, tem truy xuất nguồn gốc... Theo số liệu từ UBND huyện Lục Ngạn, từ năm 2019 tới nay, địa phương đã hỗ trợ các cơ sở với hơn 550.000 chiếc tem truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, địa phương cũng phối hợp với Sở Công thương hỗ trợ tem truy xuất và bao bì nhãn mác đối với 8 HTX thông qua đề án xây dựng và phát triển nông sản hàng hóa.
Mỳ gạo Chũ Lục Ngạn được chú trọng hơn về thiết kế mẫu mã
Cùng với việc thay bao bì nilon như trước đây, HTX Mỳ Chũ Xuân Trường cũng tập trung đầu tư thiết kế mẫu mã, đầy đủ tem truy xuất nguồn gốc, đảm bảo mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng. Theo anh Trường, việc đầu tư bao bì bằng giấy Kraft tốn kém gấp nhiều lần bao bì bằng nilon, song lại đảm bảo giảm thiểu rác thải cho môi trường. Việc chủ động thay đổi mẫu mã của thương hiệu mỳ Chũ Xuân Trường cũng đã khuyến khích các cơ sở khác tại địa phương chú trọng hơn tới bao bì sản phẩm – vốn là điểm yếu của các sản phẩm của Bắc Giang.
Đầu tư hệ thống máy móc, đảm bảo chất lượng mỳ sạch
Mẫu mã đẹp, bắt mắt để thu hút người tiêu dùng, nhưng chất lượng sản phẩm vẫn là tiêu chuẩn được các cơ sở sản xuất đặt lên hàng đầu. Đối với HTX Mỳ Chũ Xuân Trường, ngay từ khâu lựa chọn nguyên liệu đầu vào, anh Trường đã chú trọng lựa chọn những hạt gạo đạt chuẩn chất lượng để có được những sợi mỳ dẻo dai, đậm đà. Bắt đầu làm nghề từ năm 2009, cho tới nay, sau hơn 10 năm đứng vững trên thị trường, HTX Mỳ Chũ Xuân Trường đã trở thành một trong những doanh nghiệp lớn nhất tại Thủ Dương, với 30 hộ tham gia vào HTX. Sản lượng của HTX Mỳ Chũ Xuân Trường đạt mức từ 4-5 tấn/ngày.
Sản phẩm đa dạng, thiết kế bắt mắt.
Với đầu ra ổn định, các đề án hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai và đạt nhiều hiệu quả nhất định, mỳ chũ Lục Ngạn ngày càng khẳng định được thương hiệu của mình trên thị trường. Theo thông tin từ UBND huyện Lục Ngạn, từ đầu tháng 3 tới nay, sản lượng sản xuất mỳ chũ của xã Nam Dương, Lục Ngạn đạt 1880 tấn, giảm 200 tấn so với cùng kỳ năm ngoái bởi thời tiết năm nay không thuận lợi. Đặc biệt, dịch bệnh Coivid-19 không làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất cũng như giá cả của sản phẩm mỳ chũ. Mặc dù giá gạo cao hơn trước thời điểm dịch bệnh diễn ra, nhưng các cơ sở sản xuất đều không tăng giá bán đề chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo