Doanh nghiệp phải làm gì để tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa vào EU?
Theo cam kết về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong EVFTA, bên cạnh cơ chế cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) truyền thống, hai bên thống nhất cho phép nhà xuất khẩu được tự chứng nhận xuất xứ. Đây là cơ chế mà nhà xuất khẩu tự khai xuất xứ của sản phẩm trong bộ tài liệu nộp cho cơ quan hải quan của nước nhập khẩu thay vì phải xin giấy chứng nhận xuất xứ từ các cơ quan chức năng.
Từ năm 2019, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU phải tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa mới được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).Đây là yêu cầu bắt buộc của EU đối với một số nước, trong đó có Việt Nam.
Theo tống kê của Bộ Công Thương, cả nước hiện có 2.700 doanh nghiệp đang xuất khẩu sang EU được hưởng ưu đãi GSP.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kim Thùy cho biết, hậu kiểm là xu thế chung của toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này. Hậu kiểm rút ngắn thời gian thông quan, còn việc kiểm tra sau thông quan có thể lên tới từ 5 đến 10 năm...
Tự chứng nhận xuất xứ bản chất là cho phép nhà sản xuất, nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu được tự khai báo hàng hóa thuộc sở hữu của mình, hoặc được ủy quyền khai báo hàng hóa và tự chịu trách nhiệm về xuất xứ hàng hóa thay vì bên thứ ba cấp chứng nhận xuất xứ (Bộ Công Thương, VCCI hoặc các đơn vị được Bộ Công Thương ủy quyền). Nhiều doanh nghiệp lớn có quan điểm cấp tiến rằng, bản thân nhà sản xuất phải hiểu rõ quy trình, xuất xứ và sản phẩm của họ hơn bất kỳ bên thứ ba nào, nên việc tự chứng nhận xuất là một xu thế tất yếu.
Chuyên gia này cho rằng, các DN Việt Nam cần cập nhật thông tin liên tục thông qua các khóa đào tạo về các quy định của FTA, cần tham vấn với các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp để có thể thực hiện tự chứng nhận xuất xứ, từ đó chủ động hơn, tiết kiệm được thời gian, nhân lực và chi phí logistics.
Thực tế hiện nay, phần lớn các DN tự chứng nhận xuất xứ là những DN lớn, còn lại những DN nhỏ do không đủ thông tin và nhân lực để tự thực hiện chứng nhận xuất xứ nên cần nhờ bên thứ ba. Việc này giúp DN thực hiện nhanh và chính xác các thủ tục nhưng lại không tạo ra động lực để DN cải tổ công ty. Vì vậy, theo bà Thùy, việc tự chứng nhận xuất xứ dễ hay khó phụ thuộc vào tư duy cũng như nguồn lực của chính DN đó.
Với việc 95% DN nước ta là doanh nghiệp nhỏ và vừa, bà Thùy nhận định, việc bỏ hoàn toàn cơ chế cấp C/O vẫn cần khoảng thời gian không ngắn để thực hiện, cho đến khi các DN có đủ khả năng tự thực hiện chứng nhận xuất xứ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo