Mang tiếng “chơi ngông” trồng bưởi vùng ngập lũ, lãi 300 triệu/năm
Về xã Khánh Hưng (huyện Vĩnh Hưng) - một xã nghèo ở vùng biên giới của tỉnh Long An - hỏi thăm lão nông Trần Văn Ngoan (SN 1957) hầu như ai cũng biết bởi từ nhiều năm nay, lão nông này đã nổi tiếng về độ “chịu chơi” trong đầu tư nông nghiệp.
>> Xem thêm: Sản phẩm chất lượng Hàn, giá thành Việt được hàng loạt hoa hậu, người đẹp yêu thích
Trong đó, quyết định “vay ngân hàng, chơi tới bến” của ông Ngoan cách nay 6, 7 năm về trước để chuyển đổi 1,5ha đất lúa thành vườn bưởi da xanh được xem là “liều mạng” nhất, bởi trước đó, vùng đất biên giới vốn chuyên về thâm canh cây lúa này chưa từng có ai trồng cây ăn trái.
Cây bưởi da xanh về vùng biên giới
Khác với diện mạo khoảng 10 năm về trước, vùng ngập lũ Khánh Hưng nổi tiếng của tỉnh Long An giờ đây đã trở thành một thị tứ đúng nghĩa nơi vùng biên giới. Vẫn là những cánh đồng lúa bạt ngàn cò bay... “gãy” cánh, nhưng thấp thoáng đâu đó là những vườn trái cây trải dài, tuyến đường cặp kênh T28 cũng được trải nhựa phẳng lì nhờ Chương trình xây dựng nông thôn mới. Ông Huỳnh Văn Hùng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Hưng, tự hào: Người dân Khánh Hưng bây giờ không còn trồng rặt lúa nữa mà đã có những sản phẩm cây ăn trái như quýt, bưởi da xanh, sầu riêng... chẳng mấy chốc người dân nơi đây sẽ thoát nghèo. Tất cả là nhờ những nông dân điển hình dám tiên phong thay đổi giống cây trồng để bà con nông dân học tập.
Chỉ tay về vườn cây xanh ngắt, ông Hùng nói: “Đó là vườn bưởi da xanh đầu tiên của xã Khánh Hưng đó. Nhờ độ “chịu chơi” của anh Ngoan mà bây giờ ở đây mới có nhiều vườn trái cây”.
Nghe những lời giới thiệu của ông Hùng, chúng tôi quyết định đến tận nơi để xem lão nông “liều” Trần Văn Ngoan làm nông nghiệp thế nào. Con đường vào nhà ông Ngoan khá gồ ghề, bụi mù và có phần xa xôi hơn tưởng tượng.
Nghe tiếng vợ í ới có khách, từ vườn bưởi đi vào, bỏ vội chiếc nón xuống chái nhà, lão nông Trần Văn Ngoan quay sang “mắng” liền: “Sao đến không điện thoại trước, tôi làm cái gì nhậu sương sương”. Rồi quay sang vợ mình (bà Lê Thị Mến), ông Ngoan bảo: “Bà ra chợ xem có cái gì mua về cho tụi tôi sương sương chút”. Nghe vậy, ông Hùng mới bảo: “Thôi đừng bày ra mất công”. Biết ý định của chúng tôi, ông Ngoan dừng cuộc nhậu và chậm rãi kể về quyết định có phần liều lĩnh cách nay 6, 7 năm.
Vốn quê gốc ở huyện Tân Trụ (Long An), với mảnh đất gần 5 công (5.000 m2) trồng lúa, cuộc sống của gia đình lão nông Trần Văn Ngoan khá vất vả khi đất thì ít mà... “tàu há miệng” thì nhiều (5 người con). Làm không đủ ăn, năm 1992, ông Ngoan quyết định bỏ nhà một mình lên vùng biên giới Khánh Hưng để lập nghiệp. “Khánh Hưng khi đó nghèo lắm, lại nổi tiếng là vùng lũ của tỉnh và còn sát biên giới nữa nên đất đai cũng rẻ. Thời điểm đó lên đây thấy bà con nông dân ít dùng phân bón, thuốc trừ sâu nên năng suất lúa không cao. Thấy vậy, tôi mới quyết định mở cửa hàng nhỏ để buôn bán phân bón, thuốc trừ sâu cho bà con nông dân theo kiểu... lấy công làm lời. Có được chút vốn, tôi đầu tư mua thêm đất và mở rộng dần” - ông Ngoan nhớ lại.
Hơn chục năm tích cóp từ nghề bán vật tư nông nghiệp, ông Ngoan đã mở rộng diện tích đất của mình lên tới gần 20ha. Lúc này, những người con của ông ai đi học thì vẫn ở lại dưới Tân Trụ học, ai không muốn đi học thì lên Khánh Hưng lập nghiệp. Với diện tích đất khá lớn, việc trồng lúa cũng đủ giúp gia đình ông Ngoan có của ăn của để.
Năm 2000, toàn xã Khánh Hưng gieo sạ 2.000ha lúa hè thu, bị lũ nhấn chìm, mất trắng 200ha, số còn lại thất thu 60-70%, trong đó, nông dân ấp Cả Trốt thiệt hại nặng nhất. Là gia đình có diện tích lúa lớn bị thiệt hại năm đó, ông Ngoan luôn trăn trở phải làm gì khác.
Thành công với bưởi da xanh
Trong một lần đi Bến Tre cách nay gần chục năm, ông Ngoan bất ngờ thấy được hiệu quả của mô hình trồng bưởi da xanh và bỗng nảy ra ý tưởng mang loại cây này về vùng đất Khánh Hưng. Thế nhưng, việc cải tạo đất và mua cây giống khi đó cũng rất lớn; hơn hết, ở vùng này trước nay chỉ “chuyên canh” cây lúa. “Nếu bây giờ trồng bưởi, cây chết hoặc không có trái thì sao?” - Câu hỏi khiến ông trằn trọc bao đêm ngày.
“Thời điểm có, cứ thấy nửa đêm ổng ngồi dậy thắp đèn, rồi ngồi thừ người ra, tôi cứ tưởng ổng ngồi nhớ... bà nào chứ” - bà Mến kể lại. Sau gặng hỏi mãi ông mới nói về ý định cải tạo ruộng lúa thành vườn bưởi da xanh. “Nói thật, lúc đó tôi cũng lo lắm, vốn đầu tư nhiều vùng này chưa từng có ai trồng cây bưởi, biết thế nào. Nhưng rồi thấy ổng “máu” quá nên tôi cũng xuôi theo. Giờ nghĩ lại có lẽ một phần cũng do “đồng vợ, đồng chồng” nên mới có ngày hôm nay” - bà Mến bộc bạch.
Được sự ủng hộ của bà Mến, ông Ngoan quyết định “làm liều” vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) 350 triệu đồng để cải tạo 1,5ha đất lúa và mua giống bưởi da xanh về trồng. Nhiều người dân trong vùng thấy ông Ngoan bỏ lúa trồng bưởi cứ “mắt tròn, mắt dẹt”. Người bảo ông làm liều khi vay tiền ngân hàng để làm chuyện “chưa ai từng làm”; người cho rằng ông chơi ngông... Cái danh lão Ngoan “chịu chơi” vùng thị tứ biên giới Khánh Hưng này có lẽ cũng bắt đầu từ đó.
“Hồi mới trồng, lâu lâu tui lại chạy xuống các vùng trồng bưởi da xanh ở Tiền Giang, Bến Tre để học thêm kinh nghiệm chăm sóc. Khi cây bưởi đã phát triển mạnh rồi, tui lại lo không biết chất lượng trái sẽ ra sao. Ngày vườn bưởi cho trái chín đầu tiên, nhìn trái to, bổ ra mọng nước và ngọt, vợ chồng con cái nhà tôi ôm nhau khóc. Vậy là mồ hôi nước mắt bỏ ra cho đất đã mang về trái ngọt” - ông Ngoan nhớ lại.
Thưởng thức những múi bưởi mọng nước, vị ngọt thanh, ít ai ngờ đây là những sản phẩm cây ăn trái được sản sinh ra từ vùng đất bạc màu sát biên giới. Ông Ngoan cười hề hà, khoe: “Coi vậy chứ vườn bưởi này dù mới đi vào thu hoạch gần đây, nhưng năm rồi cũng cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng. Tết Nguyên đán vừa qua, thương lái đến tận vườn mua bưởi, đâu cân được khoảng 1 tấn nên vợ chồng lãi khoảng 60 triệu đồng”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cam kết những giá trị bền vững dẫn lối cho sự phát triển của Masterise
Giá vàng trong nước ngày 25/12/2024: Duy trì ổn định bất chấp vàng thế giới tăng
Giá ngoại tệ ngày 25/12/2024: USD giữ đà tăng trong kỳ nghỉ lễ
Giá nông sản ngày 25/12/2024: Giá cà phê tăng nhẹ, hồ tiêu giữ vững mức cao
Giá heo hơi ngày 25/12/2024: Miền Nam và miền Trung tiếp tục xu hướng tăng
Bước đệm cho tăng trưởng từ giảm 2% thuế VAT