Du lịch Thanh Hóa: Vươn tầm cao mới
Dịch vụ giải thể công ty uy tín, nhanh chóng / Máy rửa bát siêu âm UTC: Giải pháp công nghệ đột phá
Cùng với loại hình du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển, các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng đã hình thành và có bước phát triển. Nắm bắt cơ hội, ngành du lịch Thanh Hóa đang đề ra nhiều giải pháp tích cực để du lịch tỉnh nhà phát triển lên tầm cao mới.
Thanh Hóa là một địa phương có sự đa dạng cả về tài nguyên thiên nhiên danh lam thắng cảnh và tài nguyên nhân văn có thể đầu tư, khai thác để trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh hiện có tới hơn 1.500 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, trong đó có hàng ngàn di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng (1 di sản văn hóa thế giới, 5 di tích cấp quốc gia đặc biệt, hàng trăm di tích cấp quốc gia và nhiều di tích cấp tỉnh). Nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Cảnh đẹp hoang sơ Thác Voi, Thanh Hóa.
Trong những thắng cảnh, kỳ quan nổi tiếng đó có thể kể đến bãi tắm biển Sầm Sơn, bãi biển Hải Tiến (Hoằng Hóa), bãi biển Hải Hòa (Nghi Sơn), các vườn quốc gia Bến En (Như Thanh), Xuân Liên (Thường Xuân), Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (Bá Thước), Pù Hu(Quan Hóa), suối cá thần Cẩm lương (Cẩm Thủy), thác Ma Hao (Lang Chánh)...
Đó là chưa kể đến rất nhiều thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ của nhiều hòn đảo, bán đảo đẹp thơ mộng như đảo Mê, Hòn Nẹ, bán đảo Nghi Sơn, nhiều hang động kỳ vĩ như động Từ Thức (Nga Sơn), động Long Quang, động Tiên Sơn trên núi Hàm Rồng, động Hồ Công (Vĩnh Lộc), hang Con Moong, các làng bản, ruộng bậc thang, nhà sàn truyền thống... và hàng chục con thác nổi tiếng nước chảy trong suốt quanh năm.
Thành nhà Hồ - Di sản văn hóa thế giới.
Với những lợi thế như vậy, Thanh Hóa đã và đang tập trung đầu tư phát triển du lịch và từng bước đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó tập trung phát triển nhanh và đa dạng các ngành, sản phẩm dịch vụ du lịch. Nhiều năm qua, Thanh Hóa đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như đường giao thông tới các điểm du lịch, xây dựng cơ sở lư trú nghỉ dưỡng.
Thực trạng hệ thống đường giao thông và các cơ sở kỹ thuật dịch vụ của du lịch hiện nay đã được cải thiện một bước, nhiều tuyến đường được mở mới hoặc đầu tư nâng cấp, cải tạo sửa chữa... từng bước đảm bảo đi lại thuận tiện. Các địa phương phối hợp với các doanh nghiệp du lịch quan tâm phát triển các sản phẩm du lịch, kết nối mở thêm các tua du lịch đến các điểm di tích, thắng cảnh.
Hiện nay du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, đã phát triển khá mạnh, từng bước khai thác tốt hơn tiềm năng khu vực ven biển của các địa phương. Cùng với đó, các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; du lịch văn hóa, lịch sử, thắng cảnh, làng quê, làng nghề cũng đã được nhiều địa phương, doanh nghiệp du lịch khai thác và đưa vào hoạt động.
Có thể thấy lượng khách đến với các cơ sở du lịch xứ Thanh đã tăng nhanh những năm gần đây. Tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn (2016 – 2022) là trên 15%/năm; khách quốc tế tăng bình quân trên 20%.
Riêng trong năm 2022 Thanh Hóa đã đón hơn 11 triệu lượt khách, tăng gấp hơn 3 lần so với năm 2021, đạt hơn 110% kế hoạch năm 2022, trong đó khách quốc tế đạt: 245 ngàn lượt khách, tăng gấp hơn 11 lần so với năm 2021.
Tổng thu du lịch ước đạt hơn 20.000 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2021, đạt hơn 111% kế hoạch năm 2022. Trong đó tổng thu từ khách du lịch quốc tế đạt trên 72 triệu USD, tăng gấp gần 18 lần so với năm 2021. Một số khu du lịch trọng điểm như khu du lịch biển Sầm Sơn, du lịch biển Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa năm 2022 số lượng khách đến cũng tăng nhanh...
Bãi biển Sầm Sơn vào hè du lịch.
Cùng với du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển, năm 2022 các địa phương trong tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện nhiều dự án tu bổ góp phần nâng cao giá trị di tích và tạo điểm đến hấp dẫn về văn hoá, lịch sử, như khu di tích lịch sử Lam Kinh (huyện Thọ Xuân), khu di tích Lăng miếu Triệu Tường (huyện Hà Trung), khu di tích Phủ Trịnh, Nghè Vẹt (huyện Vĩnh Lộc), thành Nhà Hồ, di tích lịch sử và văn hóa kiến trúc nghệ thuật đền thờ Nguyễn Văn Nghi, khu di tích lịch sử cách mạng Yên Trường (huyện Thọ Xuân), hoàn chỉnh nội thất đồ thờ Đền thờ các bà mẹ Việt Nam anh hùng và anh hùng liệt sỹ (thành phố Thanh Hóa).
Ngoài ra, các địa phương, đơn vị cũng đã chủ động, tích cực triển khai hiệu quả các đề án như: Đề án nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa làng cổ Đông Sơn; Đề án phát triển khu du lịch di tích quốc gia đền Bà Triệu; đề án khai thác du lịch di sản Văn hoá thế giới thành Nhà Hồ; Đề án đổi mới công tác quản lý, khai thác phát triển du lịch Lam Kinh - Thanh Hoá.
Nhiều đề án phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng đã được phê duyệt là cơ sở để triển khai thực hiện. Trong đó phải kể đến đề án phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Quan Sơn, Quan Hóa, Như Xuân, Thường Xuân.
Tại xã Trí Nang huyện Lang Chánh, địa phương đã phối hợp với các đơn vị làm du lịch thực hiện quy hoạch và phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, homestay nhằm khai thác cảnh quan thiên nhiên thác Ma Hao, thác Mây, bản nhà sàn truyền thống Năng Cát, thưởng thức một số nét ẩm thực truyền thống như rượu siêu men lá, vịt Cỗ lũng... đã thu hút ngày một đông du khách trong và ngoài tỉnh, trong đó có nhiều khách nước ngoài...Lượng khách đến thăm hay du lịch suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy) thác Ma Hao và bản Năng Cát đã tăng nhanh qua các năm. Hay tại khu du lịch Pù Luông, các bản xã Thành Lâm, huyện Bá Thước du lịch sinh thái và cộng đồng cũng đã có bước phát triển mạnh, .
Thanh Hóa cũng là địa phương tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, các cơ sở lưu trú. Riêng năm 2022, có tới 9 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch được cấp vốn triển khai, với tổng vốn gần 1.840 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 51 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, trong đó có 41 dự án hoàn thành và 10 dự án đang triển khai thực hiện. Một số dự án có quy mô lớn đã và đang được tập trung triển khai như: Dự án đường bộ ven biển qua địa bàn tỉnh, tuyến đường Tây Sầm Sơn 5 (đoạn từ đại lộ Nam sông Mã đến QL47) và tuyến đường Hai Bà Trung (đoạn từ đại lộ Nam sông Mã đến đường Trần Hưng Đạo), thành phố Sầm Sơn, và các dự án đường giao thông đến các khu du lịch Hải Tiến, Hải Hòa, Bến En, Lam Kinh.
Bởi vậy tính đến năm 2022, toàn tỉnh có khoảng hơn 1.000 cơ sở lưu trú du lịch với khoảng 45.000 phòng, trong đó có 213 khách sạn 1-5 sao với 16.100 phòng; hơn 350 căn hộ, biệt thự du lịch (condotel); 192 homestay (nhà nghỉ cộng đồng) với sức chứa 6.000 người.
Bên cạnh đó, hệ thống các nhà hàng ăn uống du lịch ngày càng phát triển, nhiều nhà hàng có quy mô lớn. Hệ thống các trung tâm mua sắm cũng phát triển như Trung tâm thương Wincom Plaza; Wincom Tĩnh Gia; hệ thống các cửa hàng Vinmart; Siêu thị Coopmart; Siêu thị Big C…(có 2 đơn vị được công nhận cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch là Wincom Plaza; Wincom Tĩnh Gia).
Trong 213 khách sạn 1-5 sao gồm 3 khách sạn 5 sao; 6 khách sạn 4 sao; 38 khách sạn 3 sao; 90 khách sạn 2 sao; 76 khách sạn 1 sao. Riêng năm 2022, đã tiến hành thẩm định và tái thẩm định xếp hạng công nhận 14 khách sạn được xếp hạng 1-4 sao.
Với lợi thế và khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có cùng với sự đầu tư của tỉnh và các địa phương, các doanh nghiệp du lịch nên du lịch Thanh Hóa những năm gần đây đã tạo bước phát triển mạnh, tốc độ tăng trưởng đạt cao, tổng thu du lịch đạt hơn 20.000 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2021, đạt 111,8% kế hoạch năm 2022.
Kết quả trên khẳng định, cùng với sự quan tâm đẩy mạnh phát triển ngành du lịch của các địa phương, các cấp, các ngành, các đơn vị, doanh nghiệp làm du lịch Thanh Hóa đã có quyết tâm cao, với sự nỗ lực lớn và có bước đi đúng hướng.
Bên cạnh việc tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, các doanh nghiệp du lịch đã chú trọng mở các lớp đào tạo nâng cao trình độ cho người làm du lịch theo hướng chuyên sâu. Việc bồi dưỡng và đào tạo nghiệp vụ quản lý du lịch và phát triển nguồn nhân lực du lịch cũng được quan tâm và đặt lên hàng đầu với việc tổ chức nhiều khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ khách sạn, lữ hành, hướng dẫn viên, ngoại ngữ, an ninh du lịch...
Công tác du lịch đã từng bước chuẩn hóa nâng cao chất lượng, đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch có chất lượng nhằm bảo đảm tính chuyên nghiệp trong tổ chức hoạt động và phục vụ khách du lịch; xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện và an toàn… Cùng với đó, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Thanh Hóa tới thị trường trong và ngoài nước cũng từng bước đi vào trọng tâm, trọng điểm và có tính chuyên nghiệp hơn.
Để du lịch Thanh Hóa phát triển nhanh hơn vươn lên tầm cao mới tương xứng với tiềm năng của địa phương, bên cạnh việc quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng các khu du lịch, tăng cường hơn nữa đầu tư hệ thống giao thông đến các khu du lịch bảo đảm đẹp, thuận lợi, sạch sẽ, chú trọng giao thông hàng không, cảng biển, đường sông, phát triển các tổ hợp dịch vụ du lịch vui chơi, giải trí, các khu nghỉ dưỡng nhiều tiện nghi, tham quan thắng cảnh biển...
Cùng với đó là cần đổi mới tư duy phát triển du lịch theo hướng thị trường, nâng cao ý thức người dân, doanh nghiệp, trong ứng xử văn minh, lịch thiệp, thân thiện với khách; các doanh nghiệp và các địa phương chú trọng nâng cấp, phát triển nhiều sản phẩm du lịch theo hướng hình thành sản phẩm đặc trưng, có chất lượng cao.
Đồng thời cần nghiên cứu, xúc tiến thị trường, xác định đối tượng khách chủ lực của Thanh Hóa để có hướng đầu tư, khai thác thích hợp, cũng như thống kê, phân loại khách du lịch theo từng loại hình để đáp ứng sản phẩm dịch vụ nhằm phục vụ khách du lịch tốt hơn.
Đẩy mạnh khai thác các thị trường du lịch nước ngoài, đẩy mạnh chiến dịch quảng bá, tuyên truyền xây dựng Thanh Hóa trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện; xây dựng chiến lược và có kế hoạch khai thác tốt thị trường khách nước ngoài, khách du lịch nội địa …
Du lịch Thanh Hóa cần sớm khắc phục một số hạn chế như liên kết phát triển các sản phẩm du lịch liên vùng chưa đồng bộ, chưa tạo ra nhiều sản phẩm đặc thù, hấp dẫn, hạ tầng kết nối các điểm đến chưa có nhiều cải thiện, công tác quảng bá, xúc tiến và còn thiếu nguồn lực và tính chuyên nghiệp.
Cùng với sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước, các đơn vị kinh doanh du lịch cần mạnh dạn nghiên cứu đầu tư, thu hút đầu tư ngoài tỉnh nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng thế, mạnh của địa phương để phát triển ngành du lịch lên tầm cao mới.
Hy vọng trong những năm tới, du lịch Thanh Hóa sẽ cất cánh, có những bước tiến mới, tạo đột phá mạnh mẽ và sớm trở thành trọng điểm du lịch của cả nước và có thể vươn xa tầm khu vực.
End of content
Không có tin nào tiếp theo